Giờ học ngoài trời ở trường Long Thạnh 1 (xã Long Thạnh, Phụng Hiệp, Hậu Giang) - ảnh tư liệu. |
Công nhận lý thuyết giỏi
Bình luận về thông tin này, bạn đọc Minh Phan viết: Đúng vậy. Người Việt chúng ta chăm chỉ cần cù. Nhưng như nhiều người chúng ta đã thấy các bậc học của chúng ta đang ở tình trạng học vẹt, học nhồi nhét, yếu về suy luận và khả năng linh hoạt, thích ứng. Học sinh đi thi học sinh giỏi điểm rất cao, cao hơn cả các nước tiên tiến, nhưng xử lý tình huống và thích nghi với môi trường khi ra đời, khi đi làm việc thì còn quá kém.
Bạn đọc vietha12@... bày tỏ: Tôi rất nhất trí với báo cáo này. Đặc biệt là giáo dục phổ thông ta phải đứng đầu. Còn nói khoa học ta chưa thật giỏi vì kinh tế, khoa học kỹ thuật của ta còn nghèo. Học sinh VN đi học ở đâu cúng rất giỏi, làm việc gì cũng hòa nhập nhanh.
"Việc xếp hạng dựa trên điểm toán và khoa học của các học sinh ở độ tuổi 15 tại các nước. Dựa vào cách đánh giá và cách dạy của Việt Nam thì dễ hiểu tại sao chúng ta lại có thứ hạng cao như vậy." - bạn đọc Nguyên (vnvunguyen@...) lý giải.
Tuy vậy, bạn đọc Nguyên cũng bỏ lửng một câu viết nhiều suy ngẫm: Nhưng ứng dụng thực tế của Việt Nam thì...
Thực hành còn kém?
Cùng quan điểm, bạn đọc Van viết: Chúng ta không nên vội mừng. Lâu nay nền giáo dục Việt Nam mang tính nuôi gà chọi. Giáo dục ít gắn với thực tiễn. Chúng ta đừng quá vội háo danh với những thành tích các em đạt học sinh giỏi Quốc Tế, xếp loại PISA...
Đứng thứ 12 mừng quá, nhưng rồi thế hệ trẻ sẽ làm gì để thay đổi đất nước? Hay chỉ đơn giản là thành những con robot, nhưng bộ máy học chỉ biết nghe và làm? |
"Chúng ta nên nhìn nhận thực tế đời thường, xem giỏi như thế thì hằng năm có bao nhiêu sáng chế, phát minh đi vào cuộc sống; chất lượng cuộc sống (thu nhập bình quân đầu người hàng năm) xếp thứ mấy trong khu vực và trên thế giới." - bạn đọc Van nêu vấn đề.
Bạn đọc Van cho rằng chúng ta hãy học cách giáo dục ở nước Nhật Bản, bao giờ cũng vươn lên chứ không bằng lòng với thực tế. Phải giáo dục, đào tạo những việc làm thực tiễn và ứng dụng trong cuộc sống; học phải đi đôi với hành."
Bạn đọc Hoang bình luận: Dựa vào bảng xếp hạng này thì thấy cũng mừng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, bạn đọc Hoang chỉ ra một thực tế: Học giỏi mà không áp dụng được vô cuộc sống cũng chẳng làm gì giúp cho xã hội phát triển. Tôi quen một số người học rất giỏi trong trường và tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc diện giỏi nhưng ra đời làm việc thì thua rất nhiều người khác.
"Rất đáng mừng cho thành tích giáo dục. Đây là kết quả xứng đáng cho việc học tập không mệt mỏi, học không có thời gian vui chơi, giải trí của học sinh. " - bạn đọc Bùi Sơn viết.
Bạn đọc Bùi Sơn cũng cảnh tỉnh: Nhưng đừng vịn vào thứ bậc, top này, top nọ để rồi lại ảo tưởng khi kết quả này chỉ mang tính tham khảo. Điều quan trọng là những thành tích ấy được duy trì và vận dụng vào cuộc sống như thế nào.
Bạn đọc Võ Thành Hưng (thanhhung.uphcm@...) phân tích thêm: Đánh giá học sinh 15 tuổi tức chỉ đánh giá phần giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Trong khi giáo dục đại học, giai đoạn quan trọng nhất của đào tạo nguồn nhân lực thì không được đánh giá đầy đủ, và cũng có thể đây chính là mắt xích cần giải quyết của giáo dục nước nhà. Nhưng nói qua thì phải nói lại, xã hội bao gồm nhiều yếu tố, nếu muốn giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ thì cần lắm những phần khác của xã hội chung tay góp sức.
Trong bảng xếp hạng mới nhất của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, giáo dục Việt Nam được xếp hạng thứ 12, cao hơn cả giáo dục Anh, Mỹ. Đại diện OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - cho biết việc xếp hạng này dựa trên kết quả kiểm tra tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy có sự tương quan giữa giáo dục và phát triển kinh tế. Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Anh chỉ đứng thứ 20 trong khi Mỹ xếp ở vị trí 28. Trích bản tin |
Bạn nghĩ gì về chất lượng giáo dục cấp phổ thông của Việt Nam? Theo bạn, giáo dục Việt Nam ở cấp phổ thông có điều gì được và điều gì cần bổ sung? Những kinh nghiệm giáo dục phổ thông nào theo bạn cần được chia sẻ, giới thiệu cùng mọi người? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận