16/08/2016 08:35 GMT+7

​Giáo dục không phải “giáo sư Xoay”

SỸ PHU
SỸ PHU

TTO - Vẫn biết giới quản lý đang đau đầu, năm nào cũng tìm cách cải tiến việc thi cử, tuyển sinh.  Nhưng giáo dục chắc chắn không phải là “giáo sư Xoay” để cứ thay đổi xoành xoạch mà không được tính toán cẩn trọng.

Một điều khá bất thường - đề tài giáo dục luôn thu hút sự chú ý và sự lên tiếng của mọi giới, nhiều nhất vẫn là những người không trực tiếp liên quan, thường chỉ là sự lên tiếng theo kiểu “thấy chuyện bất bình chẳng tha”. 

Rất hiếm khi chúng ta nghe được tiếng nói của các em học sinh, người trực tiếp chịu tác động của các thay đổi về chính sách giáo dục, năm nào cũng phải xoay như chong chóng để lo đối phó với các thay đổi trong thi cử, tuyển sinh.

Thế nên phát biểu của em Nguyễn Tiến Thành, học sinh Trường Amsterdam ở Hà Nội, người vừa đoạt giải nhất cuộc thi viết phân tích một tác phẩm nghệ thuật do tạp chí Atlantic và College Board tổ chức rất đáng cho chúng ta tham khảo.

Với em, đó là nỗi trăn trở để cuối cùng mới nhận ra “rằng các nhà tư tưởng lớn không phải là để cho chúng ta tôn thờ vô điều kiện, mà đúng ra là để chúng ta chất vấn họ với lòng tôn trọng”. Đó là sự ngộ ra rằng “Ý thức phổ quát về sự tự do tinh thần và sự lục vấn mang tính phản biện không thể bị đè nén”.

Đây là một sự trăn trở cần thiết trên con đường trở thành con người biết suy nghĩ độc lập để nuôi dưỡng tính sáng tạo.

Nền giáo dục, hay đúng hơn hệ thống giáo dục hiện nay đã làm gì để giúp các em như thế có những hành trang nhằm nhanh chóng vượt qua những trăn trở của tuổi trẻ?

Môi trường nhà trường có giúp các em vượt qua thói quen ngàn đời là “học vẹt”, có tổ chức cho các em đọc sách rồi tranh luận về các điều sách nói, có dạy cho các em cách chất vấn các nhà tư tưởng lớn hay chưa?

Điều đó những người ngoài cuộc như chúng ta khó lòng biết tường tận.

Trong khi đó, thử nhìn vào thông tin “TP.HCM được quyền công nhận tốt nghiệp THPT”, các em bắt đầu trở thành học sinh lớp 12 và cha mẹ các em sẽ có suy nghĩ gì?

Lại một năm với cách thi khác, lại phải bỏ ra khá nhiều thời gian theo dõi xem quy chế mới cụ thể như thế nào, lại phải nghiên cứu các trường đại học sẽ tuyển sinh ra sao trong tình hình mới... Toàn là những chuyện không dính dáng gì đến quá trình rèn luyện các em thành con người hữu ích cho xã hội như ước muốn của em Thành.

Vẫn biết giới quản lý đang đau đầu, năm nào cũng tìm cách cải tiến việc thi cử, tuyển sinh. Chuyện giao cho các địa phương tự tổ chức việc kiểm tra, đánh giá rồi công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh là chuyện phải làm. Nhưng tại sao không tính toán có bài bản, lập kế hoạch cụ thể, giả lập trên máy tính, rồi công bố một lộ trình cải cách rõ ràng, minh bạch, dứt khoát.

Giả dụ các vị là học sinh, có lẽ các vị cũng sẽ thấy lúng túng, bối rối và hoang mang, chẳng còn thời giờ và tâm trí đâu cho việc học. Giáo dục chắc chắn không phải là “giáo sư Xoay” để cứ thay đổi xoành xoạch mà không được tính toán cẩn trọng như thế.

Đó chỉ là bề nổi của vấn đề giáo dục, bởi còn nhiều vấn đề khác từng được xới lên nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng như tích hợp môn sử trong chương trình mới như thế nào, làm sao khuyến khích xã hội cùng soạn sách giáo khoa với Bộ Giáo dục - đào tạo trong khi thời gian không còn nhiều...

Và chúng ta vẫn chưa chạm chút nào vào nỗi trăn trở của em học sinh đoạt giải nhất cuộc thi viết quốc tế: làm sao chương trình học, ở mọi môn, được cải tiến để “các nhà tư tưởng lớn không phải là để cho chúng ta tôn thờ vô điều kiện, mà đúng ra là để chúng ta chất vấn họ với lòng tôn trọng”.

 

SỸ PHU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp