PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: “Sinh viên cần được dạy khả năng thích nghi, sáng tạo ra những nghề mới” - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hội thảo do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, lãnh đạo các trường ĐH trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng để có thể chủ động thích ứng và tận dụng những tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi quốc gia cần chuẩn bị đào tạo, phát triển hệ thống công dân 4.0. Do vậy, đã đến lúc cần xác định rõ mô hình giáo dục phù hợp với bối cảnh mới này.
Nhu cầu thay đổi rõ nét hơn bao giờ hết
PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - đặt vấn đề rằng phải chăng cách giáo dục truyền thống đang biến con người trở thành máy móc? Tiêu chí tuyển sinh giống nhau, chương trình đào tạo chú trọng quá nhiều về nghề nghiệp, thiếu sự tương tác, gắn kết với cộng đồng, chưa chú trọng đến sự tự chủ của cá nhân người học.
"Sinh viên chưa sẵn sàng trong bối cảnh của toàn cầu hóa, của sự thay đổi quá nhanh về công nghệ? Có nhiều ngành nghề đang dần biến mất và có những nghề mới xuất hiện. Sinh viên cần được dạy khả năng thích nghi, sáng tạo ra những nghề mới" - ông Quân nói.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động đào tạo ở bậc ĐH.
Nhu cầu thay đổi của các hoạt động giáo dục để đáp ứng sự thay đổi đột biến của các hoạt động công nghiệp càng rõ nét hơn bao giờ hết. Các ngành học mới là điểm giao của nhiều ngành chuyên môn khác nhau, có cả ảnh hưởng rất lớn của CNTT, xuất hiện ngày càng nhanh và nhiều hơn.
"Các trường ĐH cần lưu ý xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành mới xuất hiện theo nhu cầu xã hội, đặc biệt là các ngành "lai" với sự kết hợp, khai thác các tiện ích hoặc kiến thức của ngành CNTT" - ông Thắng nói.
TS Phạm Hoàng Uyên - trưởng bộ môn toán kinh tế Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - băn khoăn: "Thật ra chương trình đào tạo ĐH hiện nay thừa kế chương trình phổ thông. Như vậy giáo dục của chúng ta mới chỉ là 2.0, nay triển khai mô hình 4.0 phải điền vào khoảng trống đó như thế nào?
Các sinh viên đã quen với chương trình truyền thống, nay phải chuyển sang mô hình mới với khả năng tự học khá cao có khả năng thích ứng?".
Mô hình ĐH "doanh nghiệp tri thức"
"Theo tôi, các trường ĐH Việt Nam nghiên cứu phải mang lại điều gì cho cuộc sống, đặc biệt phải giải quyết những vấn đề thực tiễn trước mắt. Đồng thời, các trường phải đánh giá lại hiệu quả của tất cả bộ phận trong trường, mạnh dạn điều chỉnh, sửa đổi, phối hợp hoặc có thể bỏ bớt một số chương trình không còn phù hợp. Cấu trúc lại các bộ phận trong trường để hoạt động thực sự hiệu quả và đặc biệt chú ý đến vấn đề đào tạo liên ngành, xuyên ngành".
TS Nguyễn Thanh Phượng
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Phượng - giám đốc quốc gia, ĐH bang Arizona - ASU, Mỹ - đã giới thiệu "Mô hình ĐH mới của Mỹ và những gợi ý cho hệ thống ĐH Việt Nam" với đặc trưng là doanh nghiệp tri thức.
"Đây là mô hình mới được phát triển để thay thế mô hình giáo dục truyền thống đã không còn phù hợp, do xã hội Mỹ đang diễn ra sự thay đổi nhanh chóng ở mọi lĩnh vực. Mô hình này Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được" - bà Phượng nhấn mạnh.
Theo đó, yếu tố đầu tiên là các trường phải có mục đích rõ ràng và mục đích này cần được chia sẻ thật kỹ với các giảng viên, sinh viên trong trường.
Mục đích của ASU tập trung ba nội dung: tăng cường phục vụ càng nhiều sinh viên và giúp họ thành công; nghiên cứu phải giải quyết được các vấn đề thực tiễn và nhà trường phục vụ cộng đồng.
TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP.HCM - cũng cho rằng các trường ĐH cần có mục tiêu đúng, chính sách, bối cảnh, con người, nguồn lực đúng... nhưng phải làm sao để các yếu tố này có thể "chạy" được.
Theo ông Chính, cần xây dựng hệ sinh thái học tập giúp người học chủ động, được trải nghiệm và hướng dẫn học tập suốt đời. Tuy nhiên, cần thấy rằng bối cảnh Việt Nam là nguồn lực hạn chế nên cần triển khai thí điểm trước khi thực hiện đại trà.
"Đối với ĐH Quốc gia TP.HCM cần tập trung xây dựng nguồn học liệu mở cho một số môn học. Hệ thống online có thể giúp học sinh, sinh viên các trường học một số môn cơ bản. Sau đó có thể công nhận những tín chỉ đó. Việc công nhận này với hai mục đích: để tuyển sinh, thí điểm một loạt hình thức học trải nghiệm ở một số môn học" - ông Chính đề xuất.
Theo TS Megan Bulloch - giám đốc phụ trách kiểm định, đổi mới và văn hóa ĐH - ĐH Fulbright Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đối với hoạt động giảng dạy ở trường ĐH.
"Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, câu hỏi đặt ra là không phải chúng ta phải dạy gì, mà cần hỏi tại sao chúng ta phải dạy điều đó. Chính các giảng viên phải nhận diện được những kỹ năng nào cần nên trang bị cho sinh viên" - bà Megan Bulloch nói.
Đào tạo định hướng kiến thức toàn diện
PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng các trường ĐH cần tính đến việc khuyến khích chuyển đổi chương trình đào tạo từ đào tạo theo định hướng nghề nghiệp sang đào tạo định hướng kiến thức toàn diện; khuyến khích sinh viên học nhiều hơn một chuyên ngành; trang bị thêm kỹ năng hội nhập quốc tế; gắn chặt với doanh nghiệp thông qua các hoạt động trải nghiệm; thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời; đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo.
"Nên chăng chúng ta quyết liệt áp dụng các phương pháp, mô hình giảng dạy mới, áp dụng các phương pháp học bằng trải nghiệm, học bằng đồ án, học thích nghi, cá nhân hóa quá trình học tập, học pha trộn. Đồng thời tận dụng tối đa sự trợ giúp của công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khen thưởng cho giảng viên có thành tích, kinh nghiệm giảng dạy tốt. Đặc biệt, cần mạnh mẽ đổi mới mô hình quản trị ĐH hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm" - ông Quân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận