23/08/2017 07:58 GMT+7

Giáo dục của TP.HCM đang chờ đợi gì?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Việc TP.HCM đề xuất với Chính phủ xin thực hiện cơ chế đặc thù cho ngành GD-ĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, như tạo thêm hứng khởi cho những người làm công tác giáo dục của thành phố vào đầu năm học mới.

Hứng khởi - đối với các giáo viên - là vì họ hi vọng mình sẽ được tăng lương, đồng lương đủ sống giữa một thành phố đắt đỏ nhất nước.

Vì họ hi vọng mình sẽ được làm việc trong một môi trường có đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị dạy học, với một cơ chế quản lý theo ngành dọc vừa khoa học vừa sâu sát.

Hứng khởi - đối với cán bộ quản lý giáo dục - là vì họ hi vọng sẽ được “cởi trói” khỏi những quy định khắt khe về thu - chi, về tài chính, về việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục kỹ năng sống, về việc trả lương, thưởng cho giáo viên...

Họ có quyền hi vọng bởi nếu cơ chế đặc thù được Chính phủ phê duyệt, tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT sẽ quy về một đầu mối quản lý: Sở GD-ĐT (thay vì bị “cắt khúc” như hiện nay: Sở GD-ĐT quản lý các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên; UBND các quận, huyện quản lý các trường THCS, tiểu học, mầm non).

Như thế, việc quản lý chuyên môn, bổ nhiệm nhân sự, phân bổ ngân sách... cũng sẽ thống nhất một mối theo ngành dọc. Thật ra, trong nhiều cuộc họp trước đây, nhiều người đã nêu lên những ưu điểm của việc quản lý theo ngành dọc, rằng nó sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển nhanh hơn, đổi mới giáo dục tốt hơn, hiệu quả hơn.

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi Sở GD-ĐT TP.HCM chọn Trường THPT Lê Quý Đôn để thực hiện mô hình trường tiên tiến, hiện đại (với việc thu phí cao hơn trường công lập gấp nhiều lần, nhà trường hoạt động theo hướng tự chủ tài chính một phần), dư luận đã phản ứng gay gắt về việc ngành GD-ĐT biến trường công lập thành trường tư thục.

Để rồi sau nhiều năm trải nghiệm, người ta mới chấp nhận mô hình Trường Lê Quý Đôn: một ngôi trường công lập có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại mà sĩ số học sinh/lớp rất lý tưởng với chỉ 30 em, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh, mà học phí lại rất mềm so với nhiều trường trung học tư thục khác.

Trong bối cảnh ngân sách cấp cho giáo dục còn eo hẹp, việc đề xuất cho nhà trường tự chủ để các trường nổi tiếng có thể tự thu tự chi (dĩ nhiên không vì mục đích lợi nhuận), không nhận ngân sách nhà nước là một bước đột phá.

Thay vào đó, ngân sách nhà nước - đáng lẽ cấp cho những trường nổi tiếng - nay san sẻ cho những trường khó khăn, thúc đẩy giáo dục phát triển ở những “vùng trũng”. Và điều quan trọng hơn, đó chính là phương pháp căn cơ làm tăng thu nhập cho giáo viên ở các trường.

Cái mới thường gây nhiều nghi vấn, nhưng cũng mang đến nhiều kỳ vọng. Bởi trong thời đại cơ chế thị trường, những “kỹ sư tâm hồn” vẫn luôn mong mỏi một đồng lương tương xứng, đủ sống, để họ an yên cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người.

Đây cũng chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành - bại của công cuộc đổi mới giáo dục sắp tới.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp