28/04/2019 09:17 GMT+7

Giáo dục cần thước đo khác ngoài điểm số

MINH GIẢNG thực hiện
MINH GIẢNG thực hiện

TTO - Giáo dục Việt Nam giờ quá chú trọng vào kết quả qua điểm số. Khi thước đo giáo dục chỉ chú trọng đến điểm số, thì việc cha mẹ, giáo viên, nhà trường, xã hội... thường xuyên đặt tâm điểm hay kỳ vọng vào điểm số cũng là điều dễ hiểu.


Giáo dục cần thước đo khác ngoài điểm số - Ảnh 1.

Chị Cao Phương Hà - Ảnh nhân vật cung cấp

Đây là những chia sẻ của chị Cao Phương Hà, tổng giám đốc Tổ chức giáo dục quốc tế EF Việt Nam. Học dự bị ĐH tại Anh, ĐH tại Mỹ, thạc sĩ ĐH Harvard, chị làm việc cho nhiều tổ chức và công ty khác nhau tại Mỹ, Trung Quốc trước khi về Việt Nam. 

"Sau khi làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, tôi chọn làm giáo dục vì đó là cái gốc của mọi thứ" - chị Hà chia sẻ.

Giáo dục áp đặt

* Từng học trong môi trường giáo dục Việt Nam và Anh, Mỹ, chị thấy có điểm nào chung và khác biệt?

- Chuyện khác biệt là rất rõ ràng và đã được nhiều người nói đến. Cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều điều mà cha mẹ Việt gây áp lực cho con. Họ áp đặt mong muốn của mình lên đứa trẻ dù có thể nó không muốn. Như thế họ vô tình đã tạo áp lực cho con và gieo mầm mống phiền não cho chính họ. Quả thật, việc con cái phải chịu trách nhiệm mang lại niềm vui cho cha mẹ là một trách nhiệm quá lớn.

Từ đó, cha mẹ Việt thường có xu hướng can thiệp sâu vào chuyện của con, kể cả chuyện riêng tư, tình cảm. Có thể cha mẹ có kinh nghiệm sống, từng trải nên có cái nhìn toàn diện hơn nhưng không hẳn lúc nào cũng đúng, song lại buộc con cái theo ý của mình. Khi con cái không được tự quyết rất dễ có tâm lý chán nản, buông xuôi bởi họ không được trải nghiệm những điều mình mong muốn. Phần lớn trong nhiều gia đình, cha mẹ và con cái chưa tìm được cách làm bạn với nhau.

* Chị từng thi và học THPT tại trường điểm Hà Nội Amsterdam, phải chăng đó cũng là kỳ vọng của cha mẹ?

- Cha mẹ cũng có thể có kỳ vọng cho tôi nhưng chưa bao giờ cho tôi biết về những mong muốn ấy. Mẹ luôn khuyến khích, khích lệ tôi và không bao giờ áp đặt, hỏi điểm số tôi, hay so sánh tôi với người khác. 

Còn tôi vốn cứ nghĩ rằng mình sẽ cố gắng thi hết mình, nếu vào được trường Ams thì tốt mà không thì cũng không sao. Tôi chỉ biết đi thi nhưng không có áp lực phải đậu. Có lẽ tâm lý an ổn, nhẹ nhàng đã giúp tôi đạt điểm cao trong cuộc thi vào trường (cười).

* Nhiều ý kiến đánh giá khả năng tư duy phản biện của học sinh, sinh viên Việt Nam kém. Liệu có phải do giáo dục áp đặt?

- Tôi cho là đúng. Với phương pháp giáo dục áp đặt ngay từ trong gia đình từ nhỏ nên đa phần học sinh Việt Nam không nói ra suy nghĩ của mình. Và khi không được nói ra tiếng nói của chính mình, trong sâu thẳm con người cảm thấy không thoải mái, tự tin, bị bó buộc và sẽ quay ra phán xét người khác. 

Trong văn hóa phán xét này, con người dần hình thành thói quen ngại trực diện nói ra chính kiến của mình dù không phải họ không có ý kiến riêng. Khi gặp hay thấy một vấn đề, thay vì trực diện bày tỏ, đối diện và giải quyết vấn đề, mọi người thường im lặng để bảo toàn.

Khi đến trường, phương pháp giáo dục truyền thống thầy giảng - trò ghi cũng tiếp tục khiến học trò trở nên thụ động trong suy nghĩ. Dần dần học sinh Việt Nam mất đi khả năng tư duy phản biện. Thường người Việt không thích những người suy nghĩ khác mình mà không nhận ra rằng, những suy nghĩ khác biệt ấy là quan trọng và giúp ta hoàn thiện hơn tầm nhìn và sự hiểu biết của chính mình.

Giáo dục cần thước đo khác ngoài điểm số - Ảnh 2.

Phụ giúp việc nhà giúp trẻ học được sự chia sẻ với người khác. Chơi với bạn bè giúp trẻ học về giao tiếp. Gần gũi với thiên nhiên giúp trẻ kết nối và quan tâm tới cuộc sống... - Ảnh: M.THƯƠNG - N.C.T. - P.DUYÊN

Học không chỉ nghe giảng, làm bài ở trường

* Học sinh Việt Nam học khá nặng nề, học ở trường xong phải đi học thêm. Học sinh phương Tây có học như vậy không?

- Học sinh phương Tây, trừ học sinh quá yếu có thể cần ở lại sau lớp để thầy cô hướng dẫn thêm, còn lại phần lớn không có học thêm. Sau giờ học ở trường, học sinh còn có thời gian chơi với bạn bè, gần gũi với thiên nhiên, giúp gia đình làm việc nhà, đọc sách, tìm hiểu những điều yêu thích. Đó cũng chính là học, và rất cần thiết cho cuộc sống.

Thực tế chúng ta cần hiểu rằng học trên lớp chỉ là một phần rất nhỏ của giáo dục. Cuộc sống xung quanh có rất nhiều thứ để học. Phụ giúp việc nhà giúp trẻ học được sự chia sẻ với người khác. Chơi với bạn bè giúp trẻ học về giao tiếp. Gần gũi với thiên nhiên giúp trẻ kết nối và quan tâm tới cuộc sống. Hoạt động văn thể mỹ giúp trẻ hướng đến cái đẹp, sự yêu thương... Có phải vì chúng ta nghĩ những điều đó là "nhỏ nhặt" nên xem thường chăng?

* Như đã nói, kỳ vọng từ gia đình, cách đánh giá kết quả học tập ở trường có phải là nguyên nhân tạo nên cái gọi là "áp lực điểm số"?

- Đúng thế. Giáo dục Việt Nam mình giờ quá chú trọng vào kết quả qua điểm số. Khi thước đo giáo dục chỉ chú trọng đến điểm số, thì việc cha mẹ, giáo viên, nhà trường, xã hội... thường xuyên đặt tâm điểm hay kỳ vọng vào điểm số cũng là điều dễ hiểu. Điểm số quan trọng để đánh giá khả năng của học sinh nhưng không phải tuyệt đối. Học sinh có rất nhiều năng lượng trong khi việc học có thể gây nhàm chán, năng lượng không được giải phóng sẽ bị tích tụ và gây ra những chuyện tiêu cực. Việc các em khỏe hơn, vui hơn, cảm nhận cuộc sống tươi mới hơn, giúp đỡ được cộng đồng nhiều hơn mới là đích đến của những môn học trên chứ không phải điểm số.

Giáo dục từ trên xuống dưới cần phải có thước đo khác nữa. Với các trường học tại nhiều nơi trên thế giới, bao giờ họ cũng nhìn vào người học như một tổng thể gồm điểm số, lý tưởng, mong muốn đóng góp giúp đỡ cho xã hội, kỹ năng sống cũng như sự phong phú phát triển của tâm hồn.

* Gần đây giáo dục Việt Nam có rất nhiều việc như gian lận điểm, bạo lực học đường... Nhiều người đánh giá rằng giáo dục Việt Nam đang xuống cấp, nhiều người cho con du học như một cách "tị nạn giáo dục". Chị thấy quan điểm này thế nào?

- Việc xảy ra những sự kiện đáng tiếc như vừa rồi chỉ là một vài trường hợp trong số hàng triệu học sinh và nhà giáo đang hiện có. Tất nhiên đây là những sự việc đáng tiếc và cần phải xử lý nghiêm minh. Những chuyện tương tự cũng đang và đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả ở những nơi chúng ta cho là có nền giáo dục hàng đầu.

Sẽ luôn có những điều đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống, nhưng cái khác biệt giữa tương lai sáng hay tối là cách chúng ta chọn cách sống và thái độ sống như thế nào.

Cá nhân tôi làm việc nhiều với các trường học, các thầy cô và thấy rằng nhiều thầy cô rất có tâm huyết và đang cố gắng hết mình để làm tròn công việc của mình. Mỗi lời mình nói, mỗi việc mình làm đều có tác động và ảnh hưởng tới người xung quanh.

Chúng ta đang chọn cách nhìn tiêu cực hay tích cực, phê phán hay gợi mở, phán xét hay xây dựng, chúng ta đang là một phần của vấn đề hay một phần của giải pháp? Bởi nếu không tỉnh táo, chúng ta dễ đang cùng chung tay xây dựng một xã hội đầy tiêu cực. Và vô hình trung chúng ta đang gieo vào tâm hồn của các con những hạt giống của sự không tôn trọng, của sự tiêu cực.

Sau khi đi học, đi làm ở nhiều nơi, chị Cao Phương Hà về Việt Nam đã được 7 năm, trong đó có 5 năm làm cho EF Education First. Lý do trở về, chị chia sẻ: “Tôi về Việt Nam vì do cơ duyên đưa mình quay trở về châu Á sau khi tốt nghiệp Harvard. Và khi ở châu Á thì tôi quyết định về Việt Nam vì thấy thích môi trường năng động của Sài Gòn. Cũng có công ty mời tôi làm việc ở Singapore nhưng tôi chọn Sài Gòn vì dù sao Việt Nam cũng là quê hương và mình muốn biết mình có thể làm gì trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Đừng cưỡng đọc, cưỡng học môn Sử vì điểm số!

TTO - Vì sao môn sử 'bị ghét'? Làm gì để học sinh nói riêng, người đọc nói chung có hứng thú với lịch sử? Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại thú vị với hai nhân vật tâm huyết với việc đọc và học môn lịch sử.

MINH GIẢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp