14/06/2024 14:02 GMT+7

Giao dịch không tiền mặt đã rất phổ biến, cần tập trung bảo đảm an toàn cho người sử dụng

Hội thảo 'Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt' do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước ), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Napas, Sở Công thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức.

Hội thảo

Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" vinh dự tiếp đón lãnh đạo chính phủ và nhiều bộ, ban, ngành trung ương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngay vào đầu giờ chiều nay 14-6, hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" đang được tổ chức tại hội trường Dinh Thống nhất (Quận 1, TP.HCM).

Bạn đọc có thể xem tường thuật trực tiếp hội thảo TẠI ĐÂY.

Tại sự kiện, ban tổ chức vinh dự đón tiếp lãnh đạo chính phủ, nhiều bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM, các sở ban ngành các địa phương. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của đại diện các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế…

Ông Lê Thành Long -  Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (trái), bắt tay ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Thành Long - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (trái), bắt tay ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bàn giải pháp nâng cao an toàn giao dịch không tiền mặt

Ông Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (giữa), cùng ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính (trái) và ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (phải) tham dự hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (giữa), cùng ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính (trái) và ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (phải) tham dự hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hội thảo được tổ chức thành hai phiên chính. Trong đó, phiên 1 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng". Các tham luận tập trung vào các nội dung: Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa; Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Phiên 2 có chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân". Xoay quanh nội dung về ứng dụng AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến, giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng - Ngân hàng đã triển khai Quyết định 2345 /QĐ-NHN của NHNN như thế nào?

Mỗi phiên bao gồm phần thảo luận về giải pháp để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an ninh, an toàn, liên tục giải pháp để nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân, bảo vệ người dùng.

Đông đảo khách mời tham dự hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đông đảo khách mời tham dự hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hội thảo này thuộc khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt - 16-6" do Báo Tuổi Trẻ phát động chính thức và phối hợp cùng Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) tổ chức từ năm 2016, đến nay đã bước sang năm thứ 6.

Song song đó, các hoạt động tại "Lễ hội không tiền mặt" đang thu hút nhiều người dân tham gia:

Khách hàng mở thẻ ngân hàng BIDV tại lễ hội sáng 14-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng mở thẻ ngân hàng BIDV tại lễ hội sáng 14-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân viên của VNPAY tư vấn máy pos để thanh toán bằng các dịch vụ của VNPAY và của các ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân viên của VNPAY tư vấn máy pos để thanh toán bằng các dịch vụ của VNPAY và của các ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng tạo tài khoản tại gian hàng ngân hàng SHB - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng tạo tài khoản tại gian hàng ngân hàng SHB - Ảnh: QUANG ĐỊNH

6 năm kiên trì thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, chia sẻ cách đây 6 năm, lần đầu tiên tổ chức chương trình Ngày không tiền mặt, việc người dân không mang tiền mặt khi đi chợ, sử dụng dịch vụ công, ăn ở quán bình dân… hầu hết chỉ đơn giản là do... quên ví. Việc chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt lúc đó còn ít và khá xa lạ.

Ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước thực tế đó, nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, Báo Tuổi Trẻ cùng Vụ truyền thông, Vụ Thanh toán - Ngân hàng nhà nước, Napas quyết định tổ chức chương trình Ngày không tiền mặt. Trong suốt 6 năm qua, các bên đã kiên trì và linh hoạt tổ chức thực hiện nhiều nội dung, hoạt động truyền thông khác nhau.

Trong đó, Ngày không tiền mặt đã tổ chức 5 hội thảo quốc gia với các chủ đề khác nhau như: xây dựng và hiến kế để tiến đến quốc gia không tiền mặt, chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt, kết nối dữ liệu thúc đẩy thanh toán không tiền mặt…

Đặc biệt, chương trình năm 2023 đã gặt hái được nhiều thành công vượt bậc cả về số lượng, hình thức chương trình tổ chức cũng như hiệu quả mang lại. Trong đó, khóa tập huấn kỹ năng quản lý thu chi không tiền mặt dành được tổ chức cho hàng trăm nhân viên thu ngân, hoạt động phát động dán mã thanh toán không tiền mặt cho hàng ngàn điểm thanh toán và lễ hội không tiền mặt với hơn 50.000 lượt người tham dự.

Ông Lê Thế Chữ cho biết, bước sang năm thứ sáu - 2024, như trên báo Tuổi Trẻ đã phản ánh, tình hình dường như đã đảo ngược so với những ngày đầu. Rất nhiều quán ăn bình dân, nơi bán những món đồ rất nhỏ cũng in mã QR để khách “quét, chạm”. Thậm chí với rất nhiều anh xe ôm, tờ giấy in mã QR trở thành vật bất li thân, luôn để trong túi quần. Lý do đơn giản vì nó tiện dụng và thực sự tiện ích.

Phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu

Ông Lê Thế Chữ chia sẻ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi, ăn theo những tiện ích của không tiền mặt. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỉ đồng.

Thanh toán không tiền mặt đã trở nên phổ biến nhưng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo cần có những biện pháp kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thanh toán không tiền mặt đã trở nên phổ biến nhưng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo cần có những biện pháp kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Vấn đề an ninh, an toàn được rất nhiều bạn đọc phản ánh về Báo Tuổi Trẻ. Những người làm báo chúng tôi nhận thấy: cùng với việc ủng hộ thanh toán không tiền mặt thì mong muốn giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tốt hơn an ninh, an toàn khi người dân kích hoạt phương thức thanh toán không tiền mặt sau mở tài khoản đang là nhu cầu thực tế”, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho hay.

Chính vì vậy, ban tổ chức đã quyết định chọn chủ đề chương trình Ngày không tiền mặt 2024 là “Thúc đẩy phát triển giao dịch không tiền mặt an toàn.” Chương trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: hội thảo, lễ hội không tiền mặt, cuộc thi hiến kế giao dịch an toàn, livestream bán hàng không tiền mặt, tháng khuyến mại tập trung không tiền mặt, tập huấn giao dịch không tiền mặt an toàn cho công nhân, tiểu thương, đi bộ hưởng ứng ngày không tiền mặt... Tất cả hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.

“Chúng ta tự tin với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ ngành, địa phương cùng sự truyền thông chủ động của các cơ quan báo chí, thanh toán không tiền mặt sẽ còn phát triển nhanh hơn, an toàn nữa”, ông Lê Thế Chữ chia sẻ.

Thanh toán không tiền mặt là tiêu chí triển khai đề án Kinh tế đêm

Đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của đơn vị tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Ngày không tiền mặt đã góp phần thúc đẩy Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại TP.HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thành phố đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Lãnh đạo TP.HCM xác định giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và từ năm 2020 đến nay, TP đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.

Đến nay, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.

Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng cũng thừa nhận trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.

Thanh toán không tiền mặt là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện chủ đề 2024 của TP.HCM là thực hiện hiệu qủa chuyển đổi số và nghị quyết 98.

Tại hội thảo, lãnh đạo TP.HCM cũng nêu một số biện pháp để vừa đảm tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân.

Thứ nhất, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai, cập nhật các vấn đề phát sinh để bổ sung, hoàn thiện các giao dịch không tiền mặt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới. Cùng với đó, hoàn thiện trách nhiệm các bên liên quan trong giao dịch không tiền mặt.

Thứ hai, đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn. Phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hoá dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thứ ba, đưa yêu cầu giao dịch, thanh toán không tiền mặt là một nhóm giải pháp bắt buộc trong các sự kiện, lễ hội. Trong đó, đưa thanh toán không tiền mặt thành tiêu chí để triển khai phát triển Đề án Phát triển kinh tế ban đêm.

Thứ 4, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Các sở, ban, ngành thành phố, phối hợp với Báo, đài, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giao dịch không tiến mặt cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và an toàn của giao dịch không tiền mặt;

Hướng dẫn người dân cách sử dụng các dịch vụ giao dịch không tiến mặt một cách an toàn, phòng ngừa các rủi ro mất an toàn trong giao dịch. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành để hình thành hệ sinh thái số, phục vụ thanh toán thông minh trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN trình bày tham luận Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN trình bày tham luận Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tăng cường bảo mật để bảo vệ khách hàng

Theo ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...

Để tăng cường bảo mật, từ ngày 1-7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Hội thảo này là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong chương trình Ngày không tiền mặt 2024, do Báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ truyền thông Ngân hàng nhà nước tổ chức, với sự phối hợp của Sở Công thương TP.HCM, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và sự đồng hành của Vietcombank, Vietel Money cùng một số đối tác khác.

Ngay sau hội thảo, sẽ khai mạc Lễ hội Ngày không tiền mặt 2024, chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2024, chào đón người dân, du khách đến trải nghiệm lễ hội tưng bừng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.


Giao dịch không tiền mặt đã rất phổ biến, cần tập trung bảo đảm an toàn cho người sử dụng- Ảnh 13.'Mưa' quà tặng và tiệc âm nhạc tại lễ hội Không tiền mặt 2024

Chiều nay 14-6, lễ hội Không tiền mặt 2024 sẽ khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) với nhiều hoạt động, quà tặng hấp dẫn.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp