Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào đã dành cho Tuổi Trẻ buổi trò chuyện xoay quanh vấn đề thanh toán điện tử và triển vọng tại thị trường trong nước.
Thưa bà, hiện tại, bối cảnh thanh toán không tiền mặt của Việt Nam được nhận định như thế nào?
Thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ trên thị trường và xu hướng này được thể hiện bằng những số liệu khác nhau. Bằng chứng là tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 39%, trong khi tổng số giao dịch tăng 54% (số liệu VisaNet từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018). Nhìn chung, mọi người đang sử dụng thẻ Visa thường xuyên hơn, với tần suất cao hơn để chi tiêu mua sắm. Theo tôi, đây là xu hướng rất tích cực.
Theo Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa uỷ quyền thực hiện, 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng tăng cường sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt trong vòng 12 tháng tới.
Khảo sát tương tự cũng được thực hiện trên một số thị trường ở Đông Nam Á và ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều phản hồi đồng tình nhất cho câu hỏi này. Điều này thể hiện sự tích cực và mức độ quan tâm rất thực tế đối với thanh toán kỹ thuật số của người tiêu dùng Việt Nam.
Thanh toán không tiếp xúc là một trong những phương thức thanh toán kỹ thuật số có tầm ảnh hưởng nhất. Bà có thể cho biết, người tiêu dùng đang bắt đầu sử dụng công nghệ mới này như thế nào?
Thanh toán không tiếp xúc cho phép người dùng chỉ cần chạm thẻ Visa, điện thoại hoặc các thiết bị thông minh vào máy đọc thẻ để thanh toán. Dựa trên công nghệ chip bảo mật, thẻ không tiếp xúc có một ăng-ten nhỏ có thể được đọc bởi các máy đọc thẻ POS trong phạm vi tối đa 4cm và chỉ mất chưa đến nửa giây. Trong quá trình thanh toán, thẻ không bao giờ rời khỏi tay chủ thẻ, đảm bảo thông tin được bảo mật.
Trong quá trình thanh toán, thẻ không tiếp xúc không bao giờ rời khỏi tay chủ thẻ, và quá trình này diễn ra rất nhanh chóng - chỉ mất chưa đến nửa giây để đọc thẻ không tiếp xúc hoặc các thiết bị không tiếp xúc khác.
Người tiêu dùng Việt Nam đang đón nhận thanh toán không tiếp xúc như một cách thức thanh toán nhanh chóng, bảo mật và tiện lợi. Có đến 37% người tiêu dùng đang thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, thú vị là 42% người dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động, và 85% người đang sử dụng thẻ không tiếp xúc ít nhất một lần một tuần.
Theo bà, các điểm chấp nhận thanh toán có được những lợi ích gì khi chấp nhận thanh toán kỹ thuật số?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất, khi chấp nhận thanh toán kỹ thuật số, các điểm chấp nhận thanh toán đang mở rộng doanh nghiệp của họ đến các khách hàng tiềm năng trên khắp thế giới. Việc chấp nhận thanh toán kỹ thuật số sẽ giúp cửa hàng không bỏ lỡ những khách hàng ít dùng tiền mặt, từ đó tăng thêm doanh số và hiệu quả kinh doanh.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp có nhiều khách du lịch ghé đến - những đối tượng thường không mang theo nhiều ngoại tệ, và thường mua hàng một cách "ngẫu hứng".
Thực tế là các giao dịch không tiền mặt có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, và những lợi ích này mang tính hỗ trợ lẫn nhau
Ngoài ra, thanh toán kỹ thuật số giúp cắt giảm khối lượng công việc và thời gian cần thiết cho nhân viên khi phải xử lý tiền mặt, giảm tải việc kiểm tra số tiền và thực hiện các dịch vụ ngân hàng sau đó. Những hoạt động này cần nhiều thời gian, khiến nhân viên không tập trung vào những hoạt động hiệu quả hơn.
Thực tế là các giao dịch không tiền mặt có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng - khi người tiêu dùng có trải nghiệm tốt hơn, các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc sẽ có thêm nhiều giao dịch cùng với lòng trung thành từ người tiêu dùng. Và khi các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc hoạt động hiệu quả, người tiêu dùng sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Đây là một bước đi mà cả hai bên đều có lợi.
Bà có thể cho biết, để khuyến khích nhiều người tiêu dùng Việt Nam không dùng tiền mặt, những công tác nào cần được triển khai thực hiện?
Đầu tiên tôi muốn nói rằng Visa ủng hộ mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt của Chính phủ Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam cũng thể hiện một thái độ tích cực với tỷ lệ 79% người được hỏi cho biết họ ủng hộ mục tiêu "không tiền mặt" của Chính phủ. Khảo sát này được thực hiện bởi ENGINE Insights vào năm 2019 trên 5.102 người tiêu dùng tại 7 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar.
Trước hết, tôi nghĩ giúp người tiêu dùng và các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc hiểu được lợi ích của thanh toán kỹ thuật số là công tác quan trọng. Thứ hai, chúng tôi cần đem đến cho người tiêu dùng nhiều cơ hội hơn để sử dụng thanh toán kỹ thuật số.
Người tiêu dùng Việt Nam cho biết lý do để họ mang ít tiền mặt hơn chính là ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán kỹ thuật số. Nếu mạng lưới các điể m chấp nhận thanh toán kỹ thuật số tiếp tục được mở rộng, nhiều người tiêu dùng có thể sẽ chuyển sang thanh toán bằng thẻ hoặc bằng điện thoại thay vì thanh toán bằng tiền mặt.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thử các phương thức thanh toán mới, nhằm vào mục tiêu cuối cùng là giúp thay đổi hành vi thanh toán trong tương lai.
Bà nhìn nhận hệ sinh thái thanh toán ở Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong thời gian sắp tới và trong tương lai xa hơn?
Chúng tôi đang nhận thấy những cơ hội to lớn khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tham gia vào thương mại điện tử và thực hiện thanh toán bằng các thiết bị di động. Tôi tin rằng một trong những thay đổi lớn mà chúng ta sẽ thấy được là sẽ sớm có một thế hệ người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng thanh toán kỹ thuật số như một phương thức thanh toán phổ biến.
Thực tế là người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận các công nghệ mới rất nhanh chóng, và khi nền kinh tế kỹ thuật số đang dần trở thành một phần không thể thiếu, thanh toán kỹ thuật số cũng sẽ được ghi nhận như một yếu tố quan trọng trong cuộc sống thường ngày của người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận