HoSE đang xác định nguyên nhân gặp sự cố giao dịch trong phiên 9-6 - Ảnh: BÔNG MAI
Cuối phiên giao dịch ngày 9-6, trong đợt khớp lệnh định kỳ giá đóng cửa (ATC) đã xảy ra sự cố đối với hoạt động giao dịch tại HoSE khi hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa.
Điều này đã gây ảnh hưởng đến tất cả các lệnh giao dịch tại phiên ATC đối với toàn bộ các mã chứng khoán niêm yết tại HoSE.
Phản hồi thông tin đến Tuổi Trẻ Online, HOSE cho biết đang xác định nguyên nhân. Đồng thời quyết định tạm ngừng giao dịch và hủy đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 9-6. Giá đóng cửa của chứng khoán hôm nay sẽ là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày.
Điều này căn cứ vào quy định tại điểm a, khoản 1, điều 4 thông tư số 203/2015/TT-BTC ngày 21-12-2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán và điểm a, khoản 1, điều 5 quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ban hành kèm theo quyết định số 66/QĐ-SGDHCM ngày 2-3-2018.
Chốt phiên giao dịch ngày 9-6, VN-Index không thể vượt qua mốc 900 điểm sau khi giảm 0,49 điểm (-0,05%) xuống còn 899,43 điểm, mã giảm giá áp đảo mã tăng giá. Giá trị giao dịch hôm nay khá cao, đạt trên 7.177 tỉ đồng.
Rổ VN30 cũng đạt thanh khoản cao khi giá trị giao dịch xấp xỉ 3.437 tỉ đồng. Rổ này cũng chứng kiến việc sụt giảm 1,5 điểm (-0,18%) xuống 837,02 điểm.
Trái ngược, cả sàn HNX và rổ HNX30 đang giữ được phong độ khi lần lượt tăng nhẹ 0,03 điểm lên 120,13 điểm và 0,31 điểm lên 237,16 điểm.
Phiên này nhiều mã ngân hàng đã xô VN-Index ngã xuống mức âm, trong đó có các gương mặt nổi bật như TCB (Techcombank, -0,69%), VPB (VPBank, -1,43%), BID (BIDV, -1,48%), CTG (VietinBank, -2,81%)...
Chưa kể, hàng loạt doanh nghiệp có vốn hóa lớn cũng bị bán ra, cổ phiếu rớt giá, bao gồm MWG (Thế giới di động), VHM (Vinhomes), GAS (PetroVietnam Gas), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), SAB (Sabeco)...
Dù nằm trong tăng trưởng âm nhưng mức giảm hôm nay không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp vẫn nâng đỡ thị trường khá tốt, trong đó có các cổ phiếu tăng mạnh như VNM (Vinamilk), HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet Air), BVH (Tập đoàn Bảo Việt), POW (PetroVietnam Power), VIC (Vingroup), HDB (HDBank), HNG (Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai)...
Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho rằng các nhà đầu tư cần thận trọng, vì hiện nay chỉ số VN-Index đang tiệm cận đường trung bình 200 ngày. Theo lý thuyết, đây là điểm kháng cự. Có khả năng các phiên giao dịch tới chỉ số VN-Index đang phải đối mặt áp lực điều chỉnh. Chưa kể VN-Index đang áp sát mức 900, nên cần quan sát nhà đầu tư mua vào để thị trường gia tăng hay chịu áp lực chốt lời.
Có thể thấy thị trường đang có độ rủi ro nhất định, khi nhiều cổ phiếu đã có chuỗi tăng kéo dài. Kịch bản điều chỉnh rất lớn trong những phiên tới. Những phiên tới có thể chứng kiến thị trường đi lên, qua khỏi đường trung bình 200 ngày, tiến về ngưỡng 990 điểm hay điều chỉnh ở vùng 900 và tích lũy thêm thời gian trong tháng 6 rồi tăng tiếp.
Dù vậy, ông Minh chia sẻ, thị trường vẫn có điểm sáng là dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra mà có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt trong thời gian gần đây dòng tiền tập trung khá mạnh ở nhóm MidCaps (cổ phiếu vốn hóa trung bình), SmallCaps (cổ phiếu vốn hóa nhỏ). Do đó các phiên giao dịch tới sự phân hóa này vẫn tiếp tục diễn ra.
Điều này cho thấy áp lực thị trường có diễn ra, nhưng cũng xảy ra sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Dòng LargeCaps (cổ phiếu vốn hóa lớn) sẽ bị áp lực chốt lời, điều chỉnh trong các phiên giao dịch tới. Dòng MidCaps và SmallCaps có thể vẫn hút dòng tiền và duy trì đà tăng.
Với lực điều chỉnh lớn, ông Minh nhận định nhà đầu tư cần dừng lại trạng thái mua mới để hạn chế rủi ro, đặc biệt tiết chế ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn. Nếu áp lực điều chỉnh diễn ra thì có thể lướt sóng trong ngắn hạn bằng cách chốt lời một phần tỉ trọng và đợi thị trường điều chỉnh để quay trở lại thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận