29/12/2020 10:59 GMT+7

Giành mạng sống từ tử thần

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Lá ngón độc đến nỗi chỉ cần vò nát một nắm lá, cầm ở tay cũng có thể bị ngộ độc. Dân bản chặt bụi lá ngón, để khô, đem đốt ở bờ nương, con trâu hít phải khói cũng lăn đùng ra...

Giành mạng sống từ tử thần - Ảnh 1.

Cô gái ăn lá ngón được cấp cứu sớm, gây nôn ói ở Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông- Ảnh: TTYTĐBĐ

Chiếc xe máy chở ba em học sinh của Trường Dân tộc nội trú THPT huyện lao đến sát cửa khoa cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). "Cứu! Cứu bạn cháu đi!" - tiếng thanh niên lái xe náo loạn cả một vùng. 

Phía sau xe, Hầu Thị Mỉ (xin được đổi tên) ngất lịm từ lúc nào. Một ngón chân cái mài xuống đường vẹt đến tận xương, tứa máu.

"Cấp cứu ngộ độc lá ngón phải xử trí suy hô hấp, co giật trước. Nếu bệnh nhân rối loạn ý thức, phải để nằm nghiêng khi rửa dạ dày, nếu hôn mê phải đặt nội khí quản. Đưa người ăn lá ngón đến trạm y tế trước sáu giờ vẫn có thể còn cứu được nhưng càng sớm càng tốt.

Y sĩ Giàng A Sếnh

Ba lần chết hụt vì lá ngón

Mỉ mạch đã rất yếu, ngừng thở, hôn mê vì ăn lá ngón. Ca cấp cứu giành lại em từ tay thần chết cũng là ca đầu tiên cứu sống được người bị ngộ độc lá ngón ở đây khi đã hôn mê. Bác sĩ nhận ra chính em học sinh này đã được cứu đến lần thứ ba và cả ba lần em đều ăn lá ngón tự tử. 

Lý do để cô nữ sinh lớp 11 này tìm đến lá ngón chỉ vì một bộ phim Hàn Quốc không phát sóng nữa. "Con thần tượng anh ấy vì anh ấy cho con nghị lực - Mỉ nói - Nhưng thầy giáo bảo con dốt, không chịu học...".

Ca cấp cứu cụ bà 90 tuổi ở Háng Lìa (Điện Biên Đông) đơn giản hơn. Năm năm trước, cụ Vàng Mí Súa (xin được đổi tên) được người nhà đưa ra tận Trung tâm Y tế huyện cấp cứu vì biết cụ ăn lá ngón. 

Bác sĩ nội soi, lấy ra nguyên ba chiếc lá trong dạ dày. Bà Súa không còn răng, không nhai được lại là cơ may không phải hấp thụ nhiều độc chất lá ngón.

Bác sĩ, công an nghi ngờ cụ bị con cháu bạo hành hay đối xử tàn tệ nên gặng hỏi. Cụ gạt nước mắt, vẫn muốn được chết. Người phụ nữ Mông hơn 90 tuổi vẫn còn rất yêu người chồng trước đã mất từ lâu. 

Khi chồng thứ hai mất, con cháu đã lớn, đã dựng vợ gả chồng, cụ lại nhớ người chồng cũ. Cụ bảo "ăn lá ngón để lên cõi Giàng nhanh nhất, chỉ mong được gặp chồng cũ thôi"...

Giàng A Sếnh, anh cán bộ trạm y tế Háng Lìa, bất chợt nhìn sang đỉnh núi Pú Hồng, đôi mắt cố giấu đi những câu chuyện buồn.

A Sếnh là một trong những y sĩ đỡ đẻ giỏi nhất, rửa dạ dày giỏi nhất ở các trạm y tế trong huyện. Anh cũng không nhớ đã cứu bao nhiêu người vì ngộ độc lá ngón. 

Và chính cuộc đời Sếnh cũng là bi kịch của tử thần mang tên một loại lá: bà nội anh đã chết vì lá ngón, bố anh cũng quyên sinh vì lá ngón... Anh mất người bố vì hiểu lầm ông.

Mẹ anh mất sớm, bố anh lúc về già muốn lấy vợ nữa, con cháu rất bất ngờ. Họ nghĩ ông lão hơn 70 tuổi vẫn còn ham muốn. Con cháu toàn làm cán bộ... Họ ngăn cản. Sếnh nói khéo: "Bố xin lỗi mẹ đi! Mẹ chết rồi vẫn còn chúng con...". Ông không nói gì, chỉ buồn. Ít lâu sau thì ông ăn lá ngón tự vẫn.

Đám tang bố, Sếnh ôm anh đồng nghiệp khóc nức nở: "Em sai rồi! Lẽ ra em phải hiểu bố già vẫn cần có người để tâm sự, cần người chia sẻ... Con cháu đi làm hết, để bố ở một mình, chẳng ai hiểu bố...".

Giành mạng sống từ tử thần - Ảnh 3.

Cấp cứu ca ngộ độc lá ngón nặng, nguy hiểm tính mạng ở Điện Biên - Ảnh: VŨ TUẤN

Loài cây quỷ dữ

Cán bộ trước đây ở Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông từng tha thiết xin huyện ủy đưa thêm một chỉ tiêu vào nghị quyết: giảm tỉ lệ người tự tử, ngộ độc lá ngón.

Huyện có hẳn một phong trào ra quân triệt phá cây lá ngón, xã nào triệt hạ được nhiều cây sẽ được khen thưởng. 

Thế nhưng việc chặt bỏ, nhổ gốc thứ cây của quỷ dữ này phải dừng lại ngay lập tức. "Nó quá độc! - bác sĩ Minh, nguyên giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, thảng thốt - Chặt cây xong rồi để ở đâu? Chôn xuống đất làm ô nhiễm đất, chôn gần nguồn nước chết cả cá. Phơi khô, đem đốt thì nguy hiểm. Hít phải khói cây lá ngón cũng bị ngộ độc".

Loại cây này sống khỏe như lũ vắt trong rừng. Chặt một cây, vài tháng sau nó mọc thành một bụi. Đào rễ lên, chỉ sót một mẩu như đầu tăm nó cũng sống lại thành cây. Loại cây này chỉ có con dê ăn được vài lá, không con vật nào ăn được.

Năm năm trước, cũng trong phong trào diệt cây lá ngón, dân bản Háng Lìa đốt một đống ở bìa rừng. Khói bay là là quẩn quanh ngọn cây, trâu trong bản hít phải, cả bản chết bảy con trâu.

Độc thế, lấy mạng người nhanh thế nhưng đội ngũ bác sĩ ở Điện Biên cho hay trước đây trong y văn chưa có sách dạy chuyên sâu về chẩn đoán, xử lý ngộ độc lá ngón. 

Những năm trước, trung bình cả tỉnh Điện Biên có khoảng 200 ca ngộ độc lá ngón mỗi năm, một nửa số này ở huyện Điện Biên Đông.

Phải đến khoảng năm 2018, Bộ Y tế mới công nhận bộ quy tắc hướng dẫn chẩn đoán, cấp cứu người bị ngộ độc lá ngón. Hàng loạt các trạm y tế xã ở Điện Biên được trang cấp thiết bị để rửa dạ dày, trợ thở và thuốc men cấp cứu người ăn lá ngón. 

Cán bộ, nhân viên y tế ở núi rừng vui hẳn lên. Họ đã có "bí kíp" chính thức để giành mạng sống với tử thần mang hình hài một loại lá.

Anh Hạng A Sình, trưởng Công an xã Tìa Dình, nhăn mặt kể: "Người chết vì lá ngón nhìn còn nặng nề, ghê hơn người chết trôi. Chẳng phải như người ta bảo là chết "êm", về cõi Giàng nhanh đâu". 

A Sình có nhiều năm làm công an phụ trách xã. Anh thường xuyên phải bảo vệ hiện trường các vụ chết vì lá ngón, mà mỗi vụ là một chuyện buồn, chẳng vụ nào giống nhau. 

"Chỉ giống mỗi chuyện là người ta bảo ăn lá ngón lên cõi Giàng nhanh thôi, nhưng sự thật không phải thế" - A Sình nói.

Giành mạng sống từ tử thần - Ảnh 4.

Triệt phá cây lá ngón ở huyện Nậm Pồ, Điện Biên - Ảnh: VŨ TUẤN

Một số người trong vùng đồn thổi lá ngón ăn ba lá thì ruột sẽ đứt thành chín đoạn. Hai người ăn chung một cây thì "con ma" chỉ bắt đi một người. A Sình chỉ tay lên đỉnh núi Phú Hồng, kể hai đứa ấy có vợ, có chồng rồi nhưng đi chợ gặp nhau, thích nhau. 

"Đều là người xã Keo Lôm, chúng rủ nhau lên lán coi nương ở đỉnh Phú Hồng kia kìa. Lấy dây lưng buộc vào nhau rồi cùng ăn lá ngón. Đứa con gái chết, con trai không chết. Nó thấy bạn gái đã chết, lại vơ thêm mấy lá ăn tiếp nhưng người ta đi nương kịp chở ra trạm y tế cứu được".

Cán bộ trung tâm y tế huyện cho rằng có thể do nhai nát ngay lá ngón hay không (ngộ độc nhanh hoặc chậm hơn) nhưng không có chuyện hai người cùng ăn một cây thì chỉ chết một. Lá ngón cũng không có "liều trung bình". Ăn một lá cũng có thể chết, dính phải nhựa cây cũng ngộ độc...

Thứ cây quỷ dữ này là cách kết thúc cho nhiều câu chuyện buồn ở Điện Biên. Nó dễ kiếm, không mất tiền, gần gũi với bản làng. Ngay vài hôm trước, trung tâm y tế huyện lại cứu sống một cụ bà 83 tuổi. 

Cụ cảm ơn bác sĩ nhưng vẫn muốn được chết. Cụ là mẹ kế sống với con chồng, khi sức khỏe yếu cụ tìm lá ngón để không muốn con cháu phải vất vả chăm sóc mình.

Cấp cứu ngộ độc lá ngón

Theo cán bộ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn, uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch.

Sau đó, cần nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc và tích cực tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy cơ dẫn đến tử vong. Thời gian tốt nhất là trước một giờ.

Phận đời mong manh như... lá ngón Phận đời mong manh như... lá ngón

TTO - Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) nhớ chính xác trong thời gian 21 năm anh công tác có 3.199 ca tử vong vì ngộ độc lá ngón.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp