Tuyên bố đó từng bị xem là trò cười khi kết thúc giai đoạn vòng loại không một VĐV leo núi thể thao nào của Indonesia giành vé dự Olympic Tokyo 2020.
Tầm nhìn của thể thao Indonesia
Nhưng sau 3 năm (do Tokyo 2020 lùi lại vào năm 2021), không còn ai dám cười cợt Indonesia nữa. Veddriq Leonardo đi vào lịch sử thể thao Indonesia khi giành HCV leo núi thể thao, nội dung tốc độ (speed) ở Olympic Paris 2024. Không chỉ vậy, Indonesia còn có 2 VĐV nữ tham dự môn thể thao này ở Paris 2024, và họ cũng chỉ cách tấm huy chương đúng 0,05 giây.
Như bất kỳ huy chương Olympic nào khác, kỳ tích giành HCV của Leonardo đến từ một thời gian dài đầu tư, nỗ lực và hoạch định mục tiêu hợp lý. Hai năm trước, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia Zainuddin Amali tuyên bố xếp leo núi thể thao vào nhóm môn trọng điểm ngang với cầu lông và cử tạ.
"Trong thiết kế thể thao của chúng tôi, leo núi là một trong những môn thể thao vượt trội. Chúng tôi có những nhà vô địch thế giới và giữ cả kỷ lục thế giới, đó là lý do tại sao chính phủ đang hỗ trợ hết mình cho môn leo núi", ông Amali nói.
Từ năm 2021, Chính phủ Indonesia đưa ra hướng dẫn chi tiết đến từng địa phương về việc phải phát triển các môn trọng điểm như thế nào, trong đó có leo núi. Sau đó 1 năm, Indonesia tham gia nhóm quốc gia đăng cai hệ thống giải World Cup - một sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường phát triển môn leo núi của Indonesia.
Indonesia phát triển leo núi từ khi nào? Câu trả lời là từ hàng thập niên qua. Khi Leonardo giành HCV Olympic, đã có nhiều tranh luận trên các diễn đàn thể thao về lý do tại sao một quốc gia từ "vùng trũng" Đông Nam Á lại có thể bắt nhịp nhanh đến vậy với một môn thể thao chỉ vừa đi vào Olympic.
Sức mạnh xã hội hóa
Sau nhiều thập niên chỉ biết trông cậy vào cầu lông ở Olympic, thể thao Indonesia ngày một phát triển đa dạng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Và quả ngọt của họ đến ở Paris 2024, khi cầu lông thất thế, Indonesia có cử tạ cùng leo núi thể thao bùng nổ để bù đắp.
Đã phát triển cầu lông nhà nghề hàng chục năm qua, Indonesia từ lâu đã tìm ra công thức xã hội hóa phù hợp. Các tay vợt đỉnh cao của Indonesia không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà tài trợ. Nói cách khác, các nhà tài trợ tự tìm đến họ. Nhưng với cử tạ hay leo núi thể thao thì khác. Indonesia cần đến chính sách đặc biệt của Nhà nước để tạo cú hích, và sự hỗ trợ không chỉ đến từ ngành thể thao.
Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước (BUMN), ông Erick Thohir, cho biết từ nhiều năm qua BUMN đã không ngần ngại tham gia cuộc chơi thể thao. Đồng thời khẳng định sự hỗ trợ của họ với thể thao là "mang lại lợi ích cho đôi bên, không bị ép buộc từ bất kỳ ai". Tỉ phú Thohir vốn là một ông chủ tiếng tăm trong làng bóng đá châu Âu khi từng sở hữu CLB Inter Milan của Ý, trước khi tham gia chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joko Widodo.
Chính sách hỗ trợ thể thao là một phần trong Chương trình Trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp (CSR) do BUMN đặt ra.
3 năm trước, họ kêu gọi được nguồn tài trợ khổng lồ từ Tập đoàn phân bón PT Pupuk Indonesia (Persero), cùng với ba công ty con là Petrokimia Gresik, Pupuk Kalimantan Timur và Pupuk Sriwidjaja Palembang. Nhóm công ty này trở thành nhà tài trợ chính cho các giải đấu toàn quốc cũng như công tác đào tạo trẻ của môn cử tạ.
Đô cử 21 tuổi Rizki Juniansyah là một trong số những quả ngọt từ chương trình phát triển có chiều sâu đó. Juniansyah là lứa đầu tiên nhận được sự đầu tư đặc biệt của chương trình này. Trong 3 năm qua, Juniansyah được tạo điều kiện tham dự hàng loạt giải đấu quốc tế lớn nhỏ.
Anh có một đội ngũ hỗ trợ, huấn luyện khoa học, chỉn chu. Và kết quả là chiếc HCV hạng cân 73kg nam ở Olympic Paris 2024. Đây là thành tích đáng nể, bởi từ trước đến nay, các hạng cân trên 70kg thường chỉ nằm trong vòng tranh chấp của Trung Quốc cùng các nước phương Tây.
Tầm nhìn đáng nể của Indonesia
Kaorley, một nhà báo Thái Lan, nhận xét: "Indonesia có một tầm nhìn và sự kiên nhẫn đặc biệt với các môn thể thao. Từ những năm thập niên 1960, họ đã tập trung phát triển môn cầu lông. Đến năm 1972, cầu lông được Munich đưa vào chương trình Olympic và Indonesia đọat 2 HCV.
Phải 16 năm sau đó, cầu lông mới trở lại Olympic ở Seoul 1988 và từ đó trở thành môn thể thao chính thức của Olympic. Indonesia chưa bao giờ thôi đầu tư cho cầu lông, và họ gặt hái thành công một cách xứng đáng bằng sự kiên nhẫn của mình. Câu chuyện về leo núi thể thao cũng vậy, người Indonesia, tương tự như phương Tây, đã yêu thích leo núi từ hàng thập niên trước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận