Các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng đã giành lại sự sống cho nhiều người bằng kỹ thuật ECMO - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
ECMO - hệ thống có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi nhằm cứu sống người bệnh đang được triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng được xem là cứu cánh cuối cùng của người bệnh trước lằn ranh sinh tử.
Người về từ cõi chết
Tình cờ đọc được một bức thư cảm ơn của chị L.T.S, trú Kon Tum gửi các bác sĩ của BV Đà Nẵng thật xúc động. Chị S. viết: Vào một buổi sáng thứ bảy, một tai nạn ập đến tôi trong sự bất ngờ, hoang mang, hoảng loạn của người thân.
Sau 20 ngày, từng phút, giây giành giật với tử thần để ba đứa con thơ được gọi tiếng Mẹ ơi, để người chồng vẫn luôn nói lời yêu mãi mãi, để cha mẹ già không phải chịu cảnh "Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
Hôm nay tôi lại được ngồi đây giữa Thành phố văn minh hiện đại mà chan chứa tình người để nói lời cảm ơn, tri ân tận đáy lòng mình đến các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng. Chính họ đã sinh ra tôi lần thứ hai.
Những người bác sĩ giỏi về chuyên môn, bắt kịp với công nghệ hiện đại của y học thế giới. ECMO quả là một phép màu kỳ diệu, là ông tiên làm cho người đã chết sống lại như trong chuyện cổ tích…".
"Ông tiên" như lời chị S. viết lại tiếp tục xuất hiện và cứu sống 2 người. Ngày đến BV Đà Nẵng, bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu - khoa Hồi sức tích cực-chống độc mời ăn bánh tráng.
Đó là món quà rặt quê Quảng Ngãi do người thân của bệnh nhân T.H.V, 36 tuổi, trú Quảng Ngãi gửi tặng. Bệnh nhân V. là người đã đặt chân vào "cửa tử" khi ngưng tim một giờ đồng hồ.
Bác sĩ Hà Sơn Bình - phó khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết, V. nhập viện đầu tháng 5. Bệnh nhân này được bệnh viện ở Quảng Ngãi phẫu thuật điều trị tiêu hóa, chuyển ra Đà Nẵng trong tình trạng mệt, khó thở, có biểu hiện suy hô hấp độ 2.
Đưa vào khoa điều trị, sau 12 tiếng thì bệnh nhân suy hô hấp nặng phải thở máy. Do biểu hiện của bệnh nhân sau khi đã phẫu thuật tiêu hóa nên rất khó chẩn đoán. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp, các nhánh nhỏ cũng bị bít.
Bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện suy tuần hoàn và ngưng tim 1 giờ đồng hồ. Nhiều ê kíp bác sĩ của nhiều chuyên khoa đã nhanh chóng vừa tiến hành nhồi tim, vừa khởi động ECMO- là cứu cánh cứu cùng của bệnh nhân này.
Bác sĩ Hiếu cho biết thêm, tắc mạch phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu phải điều trị bằng tiêu sợi huyết hoặc đưa dụng cụ vào. Bệnh nhân V. phức tạp hơn rất nhiều vì bị rối loạn đông máu sau phẫu thuật, vị trí tắc lại ở sâu trong các nhánh.
"Vừa phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp vừa triển khai kỹ thuật ECMO hỗ trợ tim. Sau thời gian ECMO gần 1 tuần thì anh V. đã có thể tuần hoàn tự nhiên" - bác sĩ Hiếu cho biết.
Trước đó, các bác sĩ cũng đã cứu sống bệnh nhân P.T.Z. bằng ECMO. Bệnh nhân Z. có tiền sử hen phế quản từ nhỏ nhưng không điều trị dự phòng đúng phác đồ. Khi chuyển vào viện thì tình trạng "phổi câm" - không có khí vào hoặc ra.
Nhiệm vụ khẩn cấp
Bác sĩ Bình cho biết vào tháng 4-2015, BV Đà Nẵng đã thành công ca đầu tiên bằng kỹ thuật ECMO sau quá trình học hỏi của các bác sĩ và sự hỗ trợ của BV Bạch Mai. Từ năm 2015 đến nay, với kỹ thuật này các bác sĩ của BV Đà Nẵng đã cứu sống hàng chục người bệnh.
Theo bác sĩ Bình, một trong những khó khăn khi triển khai kỹ thuật này là đồi hỏi sự ăn ý, liên kết của nhiều khoa, mỗi lần khởi động hệ thống cần tới 10-20 người. Việc xử lý biến chứng rất khẩn cấp nếu không hậu quả vô cùng nặng nề.
"Có nhiều ca phải chạy ECMO đúng vào ngày nghỉ, ngày lễ nhưng khi nhận được báo động thì tất cả các bác sĩ đều phải có mặt ngay lập tức" - bác sĩ Bình cho biết.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, giám đốc BV Đà Nẵng cho biết thêm ECMO được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp; các bệnh lý về tim khiến tim không hoạt động được. Khi ECMO hoạt động, tim và phổi thật của người bệnh sẽ tạm nghỉ và người bệnh sống hoàn toàn nhân tạo.
Theo bác sĩ Nhân, hiện ngoài Hà Nội và TP.HCM thì Đà Nẵng là trung tâm thứ 3 triển khai kỹ thuật cao này. Sau 2 ca trên, BV Đà Nẵng được đánh giá là 1 trong 675 trung tâm ECMO của thế giới.
Đội ngũ bác sĩ thực hiện ECMO là những người rất xuất sắc và chuyên nghiệp.
"Bất cứ khi nào, bệnh viện báo động có ca ECMO là lập tức họ có mặt. Có trường hợp bác sĩ đang mặc quận sọc ở nhà nhưng lập tức tới bệnh viện. Những bác sĩ trong ê kíp thậm chí không đi ra khỏi Đà Nẵng" - bác sĩ Nhân tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận