ĐH Đà Nẵng bế tắc khi xử lý giảng viên đi học nước ngoài đã hết thời gian nhưng không về nước - Ảnh: Đ.CƯỜNG |
Trong đó có những giảng viên được đi theo diện đề án với mức đầu tư gần nửa tỉ đồng/năm cho việc ăn học. Giảng viên dứt áo ra đi trong khi nhiều trường của ĐH Đà Nẵng hiện lại thiếu người...
Chúng tôi cũng rất muốn khởi kiện để lấy lại sự công bằng, nhưng nếu họ vẫn ở nước ngoài thì rất khó. Thật sự là bế tắc |
GS.TS Trần Văn Nam (giám đốc ĐH Đà Nẵng) |
Viện lý do đi chữa bệnh
Theo thông tin có được, từ năm 2008-2015 trung bình một năm ĐH Đà Nẵng có 428 người đi học bồi dưỡng trong và ngoài nước, trong đó 90% học ở nước ngoài.
Năm 2014 có 52 tiến sĩ tốt nghiệp (trong đó có 46 người học từ nước ngoài về). Đây là nguồn lực rất lớn làm tăng chất lượng giảng viên, các nhà khoa học tại ĐH Đà Nẵng, nâng tỉ lệ tiến sĩ tại đây lên 22%.
Giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài gồm nguồn từ đề án 322, 911, 599 bằng ngân sách của Nhà nước; các học bổng của đối tác, hợp tác song phương của ĐH Đà Nẵng hoặc bản thân cán bộ tự tìm kiếm.
Các giảng viên đi học bằng đề án thường bằng tiền của Nhà nước, các diện còn lại thường được đối tác đài thọ. Các đối tượng thuộc biên chế khi đi học ở nước ngoài sẽ được hưởng 40% lương, được hưởng các chế độ BHXH...
Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ sau khi đi học ở nước ngoài không trở về Đà Nẵng. Điển hình như bà N.P.X.N. (khoa tin Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) được cử đi đào tạo tiến sĩ tại Nhật Bản từ tháng 4-2010 đến tháng 4-2013.
Sau khi quá hạn, ĐH Đà Nẵng đã hai lần ra văn bản yêu cầu bà N. về nước báo cáo kết quả học tập và tiếp nhận công tác nhưng không được.
Đến tháng 10-2013, bà N. viết đơn xin nghỉ việc, tiếp đó ĐH Đà Nẵng có văn bản yêu cầu bà N. phải thực hiện nghĩa vụ của giảng viên như cam kết trước khi đào tạo nhưng cũng bất thành. Vì thế, ĐH Đà Nẵng đã đề nghị Trường ĐH Sư phạm cho thôi việc bà N..
Còn trường hợp giảng viên N.N.N. (khoa điện - viễn thông ĐH Bách khoa Đà Nẵng) được cử đi đào tạo thạc sĩ tại Anh và Đức từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2013, quá thời hạn trên ĐH Đà Nẵng đã bốn lần thông báo yêu cầu ông N. về nước nhưng cũng không thành công.
Những trường hợp phải gửi bốn thông báo như ông N. không phải ít. Điển hình như ông N.T.H. (khoa toán Trường ĐH Sư phạm), ông N.P.H. (khoa tin Trường ĐH Sư phạm), ông L.T.N. (khoa điện tử viễn thông ĐH Bách khoa), N.T.M.P. (khoa tiếng Anh ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng), N.T.T. (khoa vật lý ĐH Sư phạm Đà Nẵng), N.H.A.P. (khoa thương mại ĐH Kinh tế Đà Nẵng) - học viên đề án 322, ông P.K.S. (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) - đề án 322...
Chủ yếu là kêu gọi... lòng yêu nước
Liên quan vấn đề này, GS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng - xác nhận có tình trạng giảng viên đi học ở nước ngoài và đi luôn, không trở lại ĐH Đà Nẵng. Ông Nam thông tin thêm có TS đi học ở Úc, ĐH Đà Nẵng có qua gặp động viên và họ trở về Đà Nẵng, nhưng sau đó lại bỏ đi với lý do phải qua chữa bệnh.
Hay như ông N.Q.M. học tiến sĩ tại Anh về được bổ nhiệm trưởng khoa cơ khí, sau đó lấy vợ cũng làm ở ĐH Đà Nẵng. Tiếp đó cả hai người nghỉ việc đi nước ngoài luôn.
Còn trường hợp giảng viên P.K.S. (đề án 322, học tại Nhật Bản) về được bố trí làm phó giám đốc một trung tâm. Nhưng trong thời gian đi học TS này đã đưa vợ qua Nhật Bản, sau đó anh S. viện lý do bị thoát vị đĩa đệm và qua đó chữa bệnh, ở lại luôn bên đó.
Về quy trình đưa giảng viên đi nước ngoài học tập, ông Trần Văn Nam cho biết các giảng viên trước khi đi học thường cũng phải viết giấy cam kết có cha mẹ bảo lãnh, sau khi hoàn thành việc học phải trở về báo cáo và công tác tại đơn vị cũ là ĐH Đà Nẵng.
Tuy nhiên, sự ràng buộc này thực tế vẫn không hữu hiệu. Nhiều giảng viên đã không trở về, không thực hiện cam kết.
Ông Nam cho rằng việc xử lý các giảng viên vi phạm hiện khá khó khăn, nhất là với học viên đi học theo đề án bằng nguồn ngân sách nhà nước, vì khó yêu cầu họ đền bù chi phí đào tạo. Việc xử lý các giảng viên vi phạm chủ yếu là cho thôi việc.
Theo TS Đoàn Gia Dũng - trưởng ban tổ chức cán bộ ĐH Đà Nẵng, tổng số giảng viên học tại nước ngoài đã tốt nghiệp xong nhưng chưa về nước là 18 người, trong đó Trường ĐH Bách khoa 7 người, ĐH Kinh tế 3 người, ĐH Sư phạm 5 người, CĐ Công nghệ 2 người... ĐH Đà Nẵng đã gửi thông báo đến trường và gửi trực tiếp qua email các giảng viên này.
Hiện ĐH Đà Nẵng đã xử lý kỷ luật và cho thôi việc sáu trường hợp, yêu cầu những trường hợp đi học theo đề án phải bồi hoàn kinh phí. Trong đó có một trường hợp tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã chủ động xin bồi hoàn chi phí, học phí đào tạo tại nước ngoài.
Cũng theo ông Nam, việc phòng ngừa những trường hợp tương tự hiện cũng không phải đơn giản, chủ yếu là kêu gọi ý thức, trách nhiệm, lòng yêu nước...
Giải pháp tình thế Ông Đoàn Gia Dũng cho biết hiện đang xây dựng quy chế nhằm phát huy tiềm năng của những giảng viên ở lại nước ngoài, như việc một năm họ có bài gửi về tạp chí của ĐH Đà Nẵng. Hoặc có ít nhất 15 ngày đến 1 tháng về làm việc để chuyển tải kiến thức, ý tưởng mới. ĐH Đà Nẵng cũng đang làm chính sách để động viên những người này quay lại. Ông Dũng cho rằng cần có cách nghĩ tốt hơn, những người ở lại cũng có lợi thế nhất định như TS T.L.S. đang làm việc tại Thụy Sĩ là một nhà khoa học rất uy tín, hiện đã có 30 bài báo khoa học.TS Đ.B.K. hiện cũng có 15 - 16 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Ở nước ngoài họ có điều kiện để nghiên cứu. Đây là nguồn lực tiềm năng nếu kết hợp với họ để tìm kiếm các kênh học tập giúp các giảng viên trẻ. Theo ông Nam, chi phí giảng viên đi học của đề án tùy theo từng nước, bao gồm sinh hoạt phí và học phí. Tại một số nước được miễn học phí, nhưng những nước khác như Anh, Mỹ chi phí khá lớn, mỗi năm khoảng 27.000 USD/người với thời gian học TS ba năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận