Điều quan trọng hơn cả là con người. Quý chỉ bị trật khớp tay phải. Mặt bị vài vết xước nhẹ. Nó bảo khi thấy mình bổ vào đánh mấy thằng F.4 sau cùng, nó vẫn chưa thấy thằng địch nào. Đến khi thấy một chiếc F.4 phía sau thì: rầm... Người bị hất tung lên. Thế là nó nhảy dù.
Trận đầu gặp địch là thế đấy. Đây là bài học lớn cho mình về cách chuẩn bị đánh nhau cho bộ phận..., cho anh em lái mới.
(trích nhật ký phi công Nguyễn Đức Soát)
Tiếng hát đêm Noel
Đêm 23 không có chiếc B-52 nào rơi. Đêm 24 thời tiết xấu, sương mù dày đặc, Mig 21 của ta cũng không xuất kích.Theo tướng Nguyễn Đức Soát, đêm ấy sương mù rất dày, nhưng còn lý do nữa mà trong những công bố chính thức về sau, người ta cũng ngại đưa: đường băng của các sân bay Kép, Gia Lâm, Hòa Lạc, Đa Phúc... đã bị oanh tạc liên tục sáu đêm liền, đường băng nát bươm, cất cánh hạ cánh chỉ trệch vài centimet là vướng bom nổ chậm.
Công binh và dân công đã được điều đến cấp tốc phá bom, lấp đường băng trong đêm. Và đêm 24 hầu như không còn sân bay nào có thể cất cánh được. Nhưng trước đó ngày 23-12, một biên đội của Trung đoàn không quân 927 xuất kích và phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã bắn rơi một chiếc F4.
Chiến công hạ B-52 đêm Noel thuộc về những người lính của Quân khu Việt Bắc. Họ bảo vệ mục tiêu là Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, cơ sở công nghiệp nặng lớn nhất lúc bấy giờ ở miền Bắc Việt Nam. Sáu chiếc B-52 chia làm hai tốp vào Thái Nguyên từ lối hồ Ba Bể. Tiêu đồ đã quen “bắt B-52” dù nhiễu dày và đường bay liên tục bị đứt đoạn. Đến cự ly 18km thì trung đoàn phó cao xạ 256 Đồng Quốc Huệ ra lệnh bắn.
Tất cả các đại đội cao xạ trong tiểu đoàn cùng bắn một lúc, tập trung mục tiêu. Ông Huệ hồn nhiên kể trong ngày gặp lại bạn bè ở Hà Nội tại Bảo tàng phòng không: “Lúc ấy bắn xong cũng không biết máy bay rơi. Thấy có điểm nổ, nhưng ở xa quá không biết có phải do mình bắn không. Trời thì sương mịt mù, đặc quánh. Hôm sau mới được cấp trên thông báo: E256 đã bắn rơi được B-52, xác nó đến tận biên giới Lào mới tìm thấy. Trung đoàn được thưởng một con bò”.
Những đoàn người và xe thồ, xe đạp vẫn tiếp tục rời khỏi Hà Nội. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Anh Dũng, lúc đó là một cậu bé 12 tuổi vẫn nhớ: thành phố như một bãi chiến trường, tan hoang. Sợ thì rất sợ, nhưng đi cũng phải có tổ chức. Nhà trong khu tập thể quân đội ở Ngọc Hà, các gia đình được bố trí đi sơ tán lần lượt vì còn liên quan đến xe cộ, rồi địa phương nơi sơ tán, chỗ học của trẻ con... Bố đi chiến trường, sáng 23 mẹ cậu bé Nguyễn Anh Dũng mới đưa các con ra khỏi Hà Nội bằng xe đạp.
Gần Giáng sinh, những người Công giáo cũng có một niềm tin mơ hồ là “người Mỹ cũng theo đạo, không ném bom đêm Giáng sinh nên trong ngày 23 và 24 lại có một số trai thanh gái lịch lục tục đạp xe về Hà Nội vì nhớ phố phường, nhớ không khí nhà thờ đêm Noel.
Nhạc sĩ Vũ Thảo, lúc đó là nhạc công của Dàn nhạc giao hưởng VN, còn nhất định tổ chức đám cưới vào đêm Noel: “chiến tranh, nó ném bom là việc của nó. Chuyện đám cưới là chuyện thiêng liêng cả đời. Hai họ chọn ngày chọn tháng rồi, đám cưới vẫn cứ tiến hành thôi”. Đêm Noel trong khu văn công Mai Dịch không có đèn điện, đám cưới thời chiến chỉ có bánh kẹo trà thuốc, khách toàn nghệ sĩ. Mọi người vẫn hát. Nhưng năm đêm trước B-52 đánh đủ ba lần, nên tối 23 và 24 mọi người vẫn thấp thỏm. Đám cưới của ông Vũ Thảo cũng phải kết thúc sớm để mọi người trở về nơi sơ tán. Một năm rưỡi sau, con trai đầu lòng của ông bà ra đời: đó chính là bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy.
Bà Vũ Thi Vượng, nhân viên kế toán Bệnh viện Bạch Mai, nhớ cái không khí lạnh lẽo, chết chóc nhưng lại rất ấm áp của thời ấy: “Máy bay đến, ném bom thì đất rung bần bật, bom nổ ì ầm, chúng tôi cũng hoảng loạn, mấy chị em ôm chặt lấy nhau. Nhưng ngớt tiếng bom thì biết là sống rồi. Lại còn bảo nhau: cứ nằm trên giường, có chết cũng chết sạch, chui vào hầm nó đánh trúng lại bị chết bẩn”.
Nhưng bà Vượng và các bạn đồng niên cũng còn nhớ một sự thật khác nữa: “Người ta thương nhau lắm, tôi là đàn bà đi tiếp tế cho chồng con ở nơi sơ tán, một mình đêm hôm giữa đồng không mông quạnh vẫn không thấy sợ sệt, mình lỡ đường vào nhà dân ai cũng sẵn lòng mở cửa, cho ăn uống, cho ở nhờ”. Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cũng nhớ nguyên vẹn cảm giác mỗi khi quay trở về thành phố từ nơi sơ tán để nhận tiếp tế lương thực, dầu, thuốc...: “Thành phố vắng ngắt, nhà cửa bị bom đánh bay tung nguyên cánh cửa, nguyên những thanh xà xuống vỉa hè, ra đường, kính vỡ tung tóe trên nền đất. Những đội cứu hộ đi thu dọn xác người, cấp cứu người bị thương, dọn chướng ngại vật trên vỉa hè, lòng đường, nhưng không một ai nghĩ đến việc lấy đi một cái gì trong những ngôi nhà vắng chủ đã bung hết cửa. Lũ trẻ con chúng tôi đạp xe về ngôi làng sơ tán trong đêm, hơn 40 cây số, không hề có cảm giác sợ hãi điều gì dưới mặt đất, chỉ sợ bom từ trên trời trút xuống thôi”.
Phóng to |
Con trai ơi, giờ này con ở đâu?
Chúng tôi tụ tập ở sảnh khách sạn cùng đón Giáng sinh.Người Pháp, người Ba Lan, người Ấn Độ, người Cuba và người Việt Nam.Cây thông nhỏ khách sạn dành tặng mang đến sự ngọt ngào cho bài thánh ca quen thuộc.Nhưng sự linh thiêng của những lời nguyện cầu vỡ tan theo cơn bão bom khốc liệt.Trở lại căn hầm tránh bom nơi có hai người phụ nữ ở đó.Với tài năng tuyệt vời, tinh thần không hề sợ hãi và rất đỗi dịu dàng.Đưa tất cả chúng tôi về với bình yên bằng tiếng hát vút cao cùng niềm hân hoan dâng trào.Rực sáng hơn hết thảy những quả bom ném xuống Hà Nội đêm hôm đó.Ta hát lên với sự quả cảm.Nhưng con trai ơi, giờ này con ở đâu?Ôi những con người của căn hầm ấy, những món quà vô giá họ dành tặng tôi.Họ cười với tôi và tôi âm thầm chia sẻ sự đau đớn tột cùng.Và tôi chỉ có thể cúi đầu với sự khiêm nhường tuyệt đối.Để xin được khoan dung, khoan dung để vượt qua quá khứ đau thương...
Đó là lời một ca khúc đáng nhớ của một nữ ca sĩ nổi tiếng. Ca khúc được cô ghi âm dưới hầm tránh bom, sau khi trở về từ phố phường Khâm Thiên tan nát. Cô kể: “Chúng tôi đến cái nơi trông giống như quang cảnh một bộ phim màn ảnh rộng, quay cảnh trên Mặt trăng. Những người đàn ông đang gào lên, người chết lên đến con số hàng trăm... Đây là một đôi giày... kia là chiếc áo len trẻ con cháy dở, một vài mảnh đĩa vỡ... một quyển sách mở trang, những trang giấy bết vào nhau... Ngay cạnh đó, một phụ nữ tập tễnh bước tới bước lui, miệng không ngớt gọi: “Con trai, con trai, con đang ở đâu?”.
Ca sĩ đó chính là Joan Baez, đến Hà Nội từ nước Mỹ.
Kỳ 1: " Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:
_______________
Kỳ tới: Joan Baez hát dưới mưa bom
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận