15/10/2021 10:19 GMT+7

Giáng sinh năm nay có kịp nhận quà?

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Người tiêu dùng tại nhiều nước phương Tây được cảnh báo tình trạng hàng hóa cho mùa Giáng sinh năm nay sẽ thiếu, hoặc không thiếu nhưng cũng ít lựa chọn hơn và giá cả cũng cao hơn so với mọi năm.

Giáng sinh năm nay có kịp nhận quà? - Ảnh 1.

Một khách hàng đang chọn mua đồ chơi tại cửa hàng Target ở bang Pennsylvania (Mỹ) hồi tháng 11-2020 - Ảnh: Reuters

Ông Steve Pasierb - giám đốc Công ty đồ chơi Toy Association - đã nhắn nhủ các phụ huynh Mỹ là "nếu con bạn thích món gì rồi thì hãy mua ngay đi và đừng chờ đợi".

Không công ty nào thoát

Do bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, mạng lưới kết nối và vận hành tinh vi, phức tạp giữa các nhà máy, bến cảng, tàu chở hàng, xe tải và dịch vụ vận tải đường sắt giữa các nước đã không thể bắt kịp sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu thị trường tại các nước đang mở cửa lại.

Theo đó, chuỗi cung ứng của mọi thứ, từ thực phẩm đến quần áo, sách, đồ điện tử, đồ chơi... đều bị ảnh hưởng. Các công ty dù sốt ruột nhưng không thể có hàng vì không có đủ tàu và container lúc này.

Phí vận tải một container hàng trước đây tầm 3.200 USD nay tăng lên 20.000 USD. Vào thời điểm này, chuỗi các tàu biển xếp hàng dài chờ bốc dỡ tại cảng Los Angeles (Mỹ) đã kéo tới hơn trăm cây số. Theo báo Washington Post, thời gian chờ đợi sẽ còn tiếp tục nhiều tuần.

Mạng xã hội tràn lan hình ảnh những kệ hàng trống trơn ở Walmart - chuỗi siêu thị lớn nhất của Mỹ. Nhiều nhà hàng phải bỏ bớt món khỏi thực đơn vì không thể mua nguyên liệu.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể cảm nhận rõ ràng từ việc người dân đi xếp hàng mua xăng ở Anh cho đến mức lạm phát lên tới 5,4% - mức cao nhất trong 13 năm qua ở Mỹ.

Tại Anh, để trấn an dân chúng, ngày 13-10 cả thủ tướng lẫn bộ trưởng tài chính đều cam kết người dân vẫn có thể mua sắm bình thường trong dịp Giáng sinh và chuỗi cung ứng sẽ vẫn "mạnh mẽ".

Dĩ nhiên chính phủ phải can thiệp vì chuỗi cung ứng tại Anh và một số nước thuộc Liên minh châu Âu đang có nguy cơ bị gián đoạn cục bộ vì thiếu nhân công do hậu quả của Brexit và sự dịch chuyển thị trường lao động thời kỳ hậu COVID-19. Anh thiếu tới 100.000 tài xế xe tải và cả châu Âu thiếu tổng cộng 400.000 tài xế.

Ngoài ra còn là sự khác biệt trong quan niệm chống dịch của các nước. Việc Trung Quốc vẫn trung thành với chiến lược "zero COVID", trong khi nhiều nước đã chấp nhận sống chung với COVID-19, đặt ra thách thức lớn trong việc thống nhất các quy tắc và quy định mà công nhân ra vào các cảng và trung tâm vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới phải tuân thủ.

Chạy nước rút "cứu" Giáng sinh

Để cứu chuỗi cung ứng, vấn đề đang đe dọa sự phục hồi kinh tế của Mỹ, ngày 13-10 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã họp bàn với tổng giám đốc các công ty lớn liên quan đến vận tải hàng hóa như Walmart, FedEx, UPS, Target, Samsung...

Theo đó, tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng ở Mỹ, bắt đầu từ bến cảng, phải chạy nước rút từ nay đến cuối năm. Cảng Los Angeles đồng ý vận hành 24/7 để bốc dỡ hàng hóa. Theo Hãng tin Reuters, ước tính có khoảng 500.000 container đang chờ trên các tàu.

Hai nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Walmart và Target cam kết tăng cường bốc dỡ hàng xuyên đêm tại cảng và đẩy nhanh tốc độ phân phối hàng hóa đi cả nước theo nhịp độ 24/7.

Nhà Trắng hy vọng ngành vận tải đường bộ và đường sắt cũng sẽ tăng ca, trong khi chính quyền liên bang Mỹ thảo luận với các bang đẩy mạnh việc cấp bằng lái xe thương mại.

Tổng thống Biden tin tưởng việc triển khai bốc dỡ hàng hóa 24/7 sẽ giúp thay đổi tình hình. Song tổng giám đốc điều hành của Target, ông Brian Cornell, không lạc quan như vậy. Ông Cornell cho biết công ty ông đã vận hành chuỗi cung ứng của họ 24/7 trong nhiều năm qua chứ không phải bây giờ mới thế. Do đó lúc này Target chỉ có thể cam kết tăng thêm 10% lượng hàng được bốc dỡ trong 90 ngày tới.

Sau các biện pháp tạm thời, về lâu dài, theo ông Biden, cần giải quyết những điểm yếu lâu nay trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Đó là cần nâng cao năng lực sản xuất ngay tại Mỹ để đáp ứng nhu cầu nội địa và thế giới. Qua đó, ông Biden kêu gọi sự ủng hộ cho dự luật cơ sở hạ tầng và Đạo luật xây dựng lại tốt hơn của ông. Tiền từ dự luật sẽ đầu tư vào chuỗi cung ứng và sản xuất, tăng cường khả năng sản xuất "từ A đến Z" nhiều loại hàng hóa hơn tại Mỹ.

"Mắt xích yếu nhất"

Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s Analytics cảnh báo sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn xấu đi. Báo cáo ngày 11-10 của Moody’s cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế di chuyển, nhu cầu bị dồn nén... đã khiến sản xuất toàn cầu bị cản trở vì giao hàng chậm trễ, chi phí và giá cả tăng lên. Moody’s nhận định thiếu tài xế có thể là "mắt xích yếu nhất".

Các hãng điện Singapore có nguy cơ đóng cửa vì khủng hoảng năng lượng Các hãng điện Singapore có nguy cơ đóng cửa vì khủng hoảng năng lượng

TTO - Hai nhà cung cấp điện của Singapore đã buộc phải rút khỏi thị trường, trong khi ít nhất ba công ty khác tại đây phải ngừng tiếp nhận khách hàng mới vì khủng hoảng năng lượng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp