05/04/2019 16:52 GMT+7

Giang hồ online, giang hồ livestream, giang hồ 'như phim'

VÕ THÀNH NHÂN
VÕ THÀNH NHÂN

TTO - Giang hồ gì mà "hết ngày dài rồi lại đêm thâu" livetream "chém gió, chửi thề", đóng phim đủ kiểu. Dường như 'giang hồ mạng' thoát khỏi nghĩa đen của nó, khi họ là những người có lượt lớn người theo dõi (follows); tỉnh bơ đưa tin "như phim".

Giang hồ online, giang hồ livestream, giang hồ như phim - Ảnh 1.

Dương Minh Tuyền làm clip tương tác với người xem

Giang hồ thích online

Khá Bảnh, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc Hà Đông và Huấn Hoa Hồng là bốn giang hồ nổi đình đám trên mạng xã hội hiện nay. Công thức chung của sự nổi tiếng này là: giang hồ + từng đi tù + dám chơi "trội” và chăm chỉ livestream, làm clip, phim ngắn rồi phát trên các mạng xã hội.

Nội dung chia sẻ thường là những hành vi ngông nghênh, lệch lạc chuẩn mực văn hóa và đầy rẫy những phát ngôn gây sốc khi đề cập đến một nhân vật, sự kiện thời sự nào đó.

Địa bàn hoạt động của các giang hồ ngày xưa có khi ở chợ, ở khu dành cho người lao động, ở những góc khuất tăm tối của xã hội. Thì nay, địa bàn hoạt động của giang hồ mạng là… trên Facebook, YouTube. Điều này khiến thế giới giang hồ tiếp cận mỗi người già trẻ lớn bé một cách dễ dàng hơn bao giờ hết.

Giang hồ online, giang hồ livestream, giang hồ như phim - Ảnh 2.

Huấn Hoa Hồng livestream khoe vàng

Livestream giúp giang hồ đi khắp nơi

Từ năm 2011, YouTube đã ra mắt tính năng phát video trực tiếp (video streaming) với hi vọng sẽ giúp những người làm nội dung và người xem tương tác trực tiếp với nhau. Năm 2017, mạng xã hội video này chính thức ra mắt tính năng phát sóng trực tiếp video trên thiết bị di động (Mobile live streaming).

Còn với Facebook, tính năng livestream được giới thiệu lần đầu vào tháng 12-2015, người dùng tại Việt Nam được dùng tính năng này vào cuối tháng 3- 2016.

Để bắt đầu một buổi phát trực tiếp, người dùng chỉ cần mở YouTube hoặc Facebook rồi nhấn nút quay trực tiếp là xong.

Livestream như một làn gió mới, thay đổi cách thức làm việc của nhiều nhà sáng tạo nội dung. Tính năng này giúp người làm content (nội dung) có cơ hội chia sẻ suy nghĩ, thông tin một cách trực quan với khán giả của mình một cách rất ngẫu hứng, gần gũi, tự nhiên không có kịch bản.

Livestream đến với Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… thì rõ ràng là sẽ rất hấp dẫn (không bàn về chất lượng nội dung).

Thử tưởng tượng, khi bạn follow Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền. Vào khung giờ cố định mỗi buổi tối thì ứng dụng Facebook hoặc YouTube thông báo "Khá Bảnh đang phát trực tiếp", "Dương Minh Tuyền đang phát trực tiếp"… Bạn chỉ cần bấm vào xem là sẽ được tận mắt thấy các "tay anh chị" một cách chân thực, khác xa phim ảnh và tiểu thuyết.

Không chỉ xem Khá hôm nay nói gì, Tuyền hôm nay sẽ chửi ai, họ còn có thể tương tác bằng cách bình luận một câu hỏi gì đó, ngay lập tức Khá, Tuyền sẽ trả lời. Rồi được xem các tay giang hồ này khoe tiền, khoe vàng, phát thẻ điện thoại cho những ai tương tác, like, share video thì còn gì thú vị hơn?

Khi có một lượng fan đông đảo, cuồng nhiệt dõi theo mình, những tay giang hồ này ảo tưởng rằng mình có một thứ quyền lực mềm, không là đánh đấm, không là bạo lực, mà bằng những phát ngôn, hành động ngông cuồng. 

Họ hãnh tiến và ảo tưởng khi thấy lời nói, hình ảnh của mình đi khắp nơi trên mạng. Nhưng đâu ngờ phần lớn cộng đồng mạng xem họ như những người mua vui cũng được một vài trống canh.

Rồi đây, những video, clip, trang cá nhân Facebook và kênh YouTube của những người này đã và sẽ biến mất trên Internet, nhưng ở ngoài đời những cái tên Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng trọc… sẽ được nhớ đến như một thế hệ giang hồ 4.0 đầu tiên.

Giang hồ online, giang hồ livestream, giang hồ như phim - Ảnh 3.

Trang từ điển trực tuyến Wikipeadia đã điền tên Khá Bảnh

‘Giang hồ mạng’ không phải là ‘giang hồ’

Với những trang Facebook hàng trăm ngàn người theo dõi, những group kín hàng trăm ngàn thành viên, những kênh YouTube hàng triệu subscribers, mỗi status hay một clip được đăng tải dễ dàng "đong" được hàng nghìn likes, hàng triệu views.

Sức lan tỏa thông tin ở những kênh phi chính thống này là rất lớn. Bản thân mỗi người dùng tham gia các kênh này góp phần tạo nên một thế lực trên mạng xã hội.

Đã có nhiều người là nạn nhân của tin giả, tin thất thiệt được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Họ khốn khổ, bị tra tấn tinh thần lên bờ xuống ruộng vì bị lôi vào một cuộc "đấu tố" tập thể, bằng những lời lẽ xúc phạm, thóa mạ của cư dân mạng.

Bị cộng đồng mạng bêu riếu vì nhầm lẫn với một học sinh cùng lớp có quan hệ tình cảm với cô giáo, nam sinh lớp 10 ở Ninh Thuận đã phải nghỉ học 1 tuần vì quá suy sụp. Đây là một trong nhiều nạn nhân của giang hồ mạng phiên bản 2.0.

Trong MV Tình anh em của Khá Bảnh có một câu thoại rất viral, được trích dẫn rất nhiều trên Facebook, đó là: "Ở cái xã hội này không có chuyện đúng sai. Chỉ có kẻ mạnh và kẻ yếu thế thôi".

Khá đã bị công an khởi tố, kênh YouTube cũng đã bị xóa, vì thế xin khẳng định rằng: Này Khá Bảnh ơi, Bảnh đã sai rồi!

Bạn có cho rằng giang hồ mạng là một hiểm họa?

Xu hướng thích thể hiện mình là anh hùng trên mạng có đáng lo ngại?

Làm cách nào để người trẻ tăng sức đề kháng với những trào lưu xấu xí?

Cần sự góp sức của nhà trường, phụ huynh, thiết chế văn hóa, pháp luật không?

Mời bạn gửi ý kiến về địa chỉ [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài.

Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

TTO - Bùng lên như các trào lưu gây sốt từng tồn tại, những giang hồ mạng thu hút hàng triệu người hiếu kỳ theo dõi. Chuyện này thật ra không mới và cũng chẳng lạ.

VÕ THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp