27/08/2017 18:54 GMT+7

​Giảng đường “chông chênh” của cô học trò miền trung du

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Đậu đại học, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa mừng vui thì cô học trò nghèo nơi núi đồi trung du Nguyễn Thị Tâm (thôn 7, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lòng lại nặng trĩu.

Cô học trò Nguyễn Thị Tâm - Ảnh: LÊ TRUNG
Cô học trò Nguyễn Thị Tâm - Ảnh: LÊ TRUNG

Số điểm 27 khối C, trúng tuyển vào Trường ĐH Luật (ĐH Huế) chẳng thể làm Tâm nở nổi một nụ cười, bởi gia cảnh quá khốn cùng, rất có thể khiến em bỏ dở giấc mơ giảng đường.

Cô học trò nhiều lần xin nghỉ

Trong lá thư gửi báo Tuổi Trẻ, thầy Huỳnh Phước Tuấn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12/1 Trường THPT Phan Châu Trinh, chia sẻ mong báo sẽ là nhịp cầu nối ước mơ cho cô học trò mà mình chủ nhiệm. “Tôi viết lá thư này gửi báo không phải vì là giáo viên chủ nhiệm của em. Mà là không thể để một đứa học trò ở vùng quê hiếu học này vì quá nghèo mà phải bỏ dở ước mơ của mình” - thầy Tuấn viết.

Cơn mưa chiều những ngày đầu tháng 8 khiến con đường đất dẫn vào căn nhà xập xệ nằm chót vót trên triền núi của Tâm càng nhão nhoẹt. Trong nhà, người cha già bệnh tật liên miên cùng đứa con gái của mình chống cằm nhìn những hạt mưa mà thở dài.

Trên bàn là một tấm giấy báo nhập học nho nhỏ. “Nó làm phụ bàn cho một nhà hàng ở Đà Nẵng kiếm tiền ăn học, mới vừa về nhà để làm thủ tục nhập học đó” - ông Nguyễn Văn Lộc (60 tuổi, cha của Tâm) buồn buồn, nói.

Tâm là con út trong gia đình có bốn anh chị em, thuộc diện hộ nghèo. Cha em mang trong người nhiều căn bệnh như thấp khớp, viêm đại tràng nên mất sức lao động. Mọi lo toan, trang trải cuộc sống trong nhà đều do một vai người mẹ của em gánh vác.

Cơn ác mộng đầu đời đến cô học trò tội nghiệp ấy khiến tinh thần em tụt dốc khi đến lớp 10, mẹ em qua đời bởi căn bệnh ung thư não quái ác. “Mọi tài sản có giá trị trong nhà đều bán hết, gia đình vay mượn thêm mấy chục triệu để chữa trị nhưng mẹ không qua khỏi” - Tâm nhớ lại.

Tâm bên cạnh cha của mình - Ảnh: LÊ TRUNG
Tâm bên cạnh cha của mình - Ảnh: LÊ TRUNG

Nhìn gia cảnh của mình, cha không lao động được, hai chị có chồng cuộc sống cơ hàn, anh trai đi làm thuê sống chật vật, cô học trò ấy nghĩ quẩn có ý định nghỉ học. “Mẹ mất xong được đâu cỡ một tháng, Tâm đến gặp tôi bật khóc và trình bày nguyện vọng xin được nghỉ học đi làm, phụ giúp cha.

Lúc này tôi biết em đã tuyệt vọng đến đường cùng nhưng tôi đã gạt đi vì trong lớp em học rất giỏi. Thuyết phục mãi em mới thôi ý định đó. Thế là tôi kêu gọi những học trò cũ của mình quyên góp, hỗ trợ thêm cho em ăn học” - thầy Tuấn kể.

Từ nhà đến trường cách chừng 25km, Tâm phải ở trọ tại thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) để học trong ba năm THPT. Vừa học, em vừa đi làm thêm bằng nghề phụ bưng bê ở nhà hàng, quán ăn kiếm tiền ăn học. Mỗi năm đến kỳ nghỉ hè, các bạn trong lớp thì đi chơi, học thêm, còn em xách áo quần ra TP Đà Nẵng xin vào nhà hàng làm kiếm tiền.

Gia cảnh khó khăn, ấy vậy mà Tâm học rất giỏi.  Suốt ba năm THPT em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Điểm trung bình tổng kết năm lớp 12 em đạt 8,7. Lớp 11, em giành huy chương bạc môn văn kỳ thi Olympic của tỉnh.

Đến lúc trước khi thi THPT quốc gia, nhìn lại thấy gia cảnh của mình quá khó khăn, thiếu thốn, không muốn làm nặng gánh cho cha, lại một lần nữa em đến gặp thầy chủ nhiệm.

“Em lấy hết can đảm trình bày rằng gia đình khó quá không đủ điều kiện học đại học nên xin thầy cho em chỉ thi tốt nghiệp thôi, không xét tuyển đại học. Em hứa với thầy em nghỉ và đi làm một năm để kiếm tiền, năm sau sẽ cố gắng thi lại đại học” - Tâm nghẹn ngào kể.

Ý định ấy lại bị thầy chủ nhiệm xua đi. “Thấy em đáng thương, tôi lại động viên em yên tâm cố gắng ôn thi cho tốt, đậu đại học rồi tính, có chi thầy sẽ kêu gọi xã hội, mọi người giúp đỡ em ăn học. Không được nữa thì vợ chồng tôi sẽ lo cho em” - thầy Tuấn xúc động nhớ lại.

Quả thật không phụ lòng thầy chủ nhiệm, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Tâm đạt tổng số điểm khối C sau khi cộng ưu tiên là 27, văn 7, sử 9 và địa 9,5. Và em đã trúng tuyển vào Trường ĐH Luật Huế.

Lấy cố gắng làm điểm tựa

Ông Lộc, cha của Tâm, kể rằng lúc mẹ em mất, câu nói duy nhất vợ nói với ông là cố gắng làm nuôi bé Tâm ăn học. Thương con, ở nhà ông cũng cố gắng đi làm thuê kiếm tiền cho con ăn học. Lúc thì phát rẫy keo thuê, khi thì phụ hồ nhưng được vài ba bữa thì bệnh tật hành hạ, ông phải nghỉ. Lúc mẹ Tâm mất ông đã bán hết trâu bò, gần 1ha đất rừng để lấy tiền chạy chữa, đến giờ trong nhà trống hoác.

Biết gia cảnh nhà mình là vậy nên thi xong tốt nghiệp, trong khi bao bạn bè cùng trong lứa nghỉ ngơi thì Tâm lại bắt xe ra Đà Nẵng xin làm phục vụ ở nhà hàng kiếm tiền. Đến giờ sau gần hai tháng làm, Tâm cũng dành dụm một ít tiền làm hành trang để ra Huế nhập học.

Tâm cho biết hiện giờ em sẽ không có ý định nghỉ học nữa dù biết con đường trước mắt sẽ rất chông gai. “Ra Huế em sẽ vừa học vừa xin việc làm thêm, tự bươn chải cuộc sống của mình bằng mọi cách. Em sẽ lấy cố gắng làm điểm tựa và tin mình vượt qua tất cả” - Tâm quả quyết.

Ông Nguyễn Mỹ Hiệp, chi hội trưởng hội phụ huynh lớp 12/1, chia sẻ trong quá trình học tập, hội phụ huynh lớp luôn để ý đến hoàn cảnh đáng thương của em Tâm. Hội cũng luôn kêu gọi các phụ huynh hỗ trợ, đóng góp, bằng những suất quà, tiền mặt để động viên em vượt khó, vươn lên học tập.

Trong những ngày này, ông Hiệp cùng với thầy Tuấn đã lên Facebook kêu gọi mọi người quyên góp, hỗ trợ Tâm có tiền nhập học. “Tôi có niềm tin vào sự mạnh mẽ, vượt khó của cô học trò mình. Và cũng tin rằng xã hội cũng sẽ với tay cứu vớt em trong những tháng ngày chông chênh nhất đời học trò” - thầy Tuấn bộc bạch.

Để tiếp sức cho Tâm đến giảng đường, một nhóm bạn trẻ ở huyện Tiên Phước đã lên Facebook tổ chức bán trái cây (trái thanh trà, một loại trái đặc sản ở Tiên Phước) để gây quỹ. Toàn bộ số tiền bán được sẽ trao cho Tâm làm hành trang cho em nhập học.
LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp