28/05/2018 11:32 GMT+7

Giận Tổng thống, giáo sư Ý không thèm làm Thủ tướng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Giáo sư luật Giuseppe Conte, người được chỉ định làm Thủ tướng Ý, rốt cuộc quyết định từ bỏ chiếc ghế quan trọng này vì Tổng thống không chấp thuận vị trí Bộ trưởng do ông đề cử.

Giận Tổng thống, giáo sư Ý không thèm làm Thủ tướng - Ảnh 1.

Giáo sư luật Giuseppe Conte cương quyết bỏ ghế Thủ tướng sau khi một đề cử của ông bị Tổng thống bác bỏ - Ảnh: REUTERS

Giới truyền thông nhận định đây là một cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý bởi sự can thiệp quá sâu của Tổng thống và các thị trường tỏ ra lo ngại trước ý định thành chính phủ "chống châu Âu".

Ngày 27-5, Phủ Tổng thống Ý cho biết Thủ tướng được chỉ định là Giáo sư luật Giuseppe Conte đã từ chức do không có khả năng thành lập được một chính phủ liên minh giữa đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn.

Giáo sư Conte được Tổng thống Sergio Mattarella giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới vào hôm 23-5 nhưng nỗ lực của ông Conte trong những ngày qua đã bị thất bại do Tổng thống đã "phủ quyết" và không chấp thuận việc đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona - nhân vật được cho là có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.

Nguồn tin từ Phủ Tổng thống Ý cho hay sự phủ quyết của Tổng thống Mattarella đã khiến Giáo sư Conte quyết định từ bỏ nỗ lực thành lập một chính phủ mới.

Lập tức ông Conte đã bàn giao trở lại trách nhiệm này cho Tổng thống Mattarella.

Tuy nhiên phát biểu trên truyền hình vào tối 27-5 (giờ địa phương), Tổng thống Mattarella cho biết nguyên nhân dẫn đến thế bế tắc chính trị hiện nay không phải là do lỗi của cá nhân ông.

Giận Tổng thống, giáo sư Ý không thèm làm Thủ tướng - Ảnh 2.

Tổng thống Sergio Mattarella bị giới chính trị trong nước cho rằng đang yếu đuối trước sự o ép của các nước chủ nợ - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc gặp với Giáo sư Conte cùng ngày 27-5, ông Mattarella đã đề xuất một số nhân vật thay thế khác cho chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Tuy nhiên, các đề xuất này đã bị cả hai đảng M5S và Liên đoàn bác bỏ.

Chính trị gia Luigi Di Maio - lãnh đạo đảng M5S có tư tưởng phản hệ thống, cho rằng việc Tổng thống Mattarella bác bỏ việc đề cử ông Savona làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính là "không thể chấp nhận được".

"Đây là cuộc khủng hoảng hiến pháp chưa từng có", ông Di Maio tuyên bố trong livestream phát trên Facebook.

Theo ông, sự thực là các bên không muốn M5S thành lập một chính phủ và ông kêu gọi phế truất Tổng thống vì tội "bội phản Hiến pháp".

Ông Di Maio thậm chí đe dọa vấn đề này hiện vẫn chưa kết thúc, ám chỉ rằng M5S có thể tìm cách để luận tội Tổng thống Mattarella.

Trước đó, ông Matteo Salvini - lãnh đạo đảng Liên đoàn có tư tưởng cực hữu, từng tuyên bố Ý sẽ phải tiến hành tổng tuyển cử trở lại nếu Tổng thống không chấp thuận để ông Savona làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.

"Chúng tôi đã mất nhiều tuần lễ để hình thành một chính phủ bảo vệ quyền lợi của người dân Ý. Nhưng ai đó (do chịu áp lực từ ai?) đã nói KHÔNG" - ông Salvini tố cáo Tổng thống Mattarella trên mạng xã hội.

Chúng ta không phải là quân hầu của ai cả. Ý không phải là thuộc địa, chúng ta không phải nô lệ của người Pháp hay người Đức do lẽ đã vay mượn tài chính"

Ông Matteo Salvini - lãnh đạo đảng Liên đoàn

Giận Tổng thống, giáo sư Ý không thèm làm Thủ tướng - Ảnh 4.

Ông Carlo Cottarelli - cựu giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), được chỉ định thành lập chính phủ mới - Ảnh: REUTERS

"Mất công đi bầu làm chi khi mà các cơ quan xếp hạng tín dụng quyết định chuyện nhân sự của chính phủ?", ông Di Maio bày tỏ bức xúc khi cho rằng Tổng thống Mattarella thò tay phủ quyết nhân sự vì sợ phản ứng của thị trường.

Thực tế là trước khả năng hình thành chính phủ mang tư tưởng hoài nghi với châu Âu, hôm 25-5, Cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's đã đánh giá triển vọng dài hạn của Ý xuống mức Baa2 tức mức cần theo dõi với độ tiêu cực.

Mức đánh giá đó dựa trên lo ngại liên minh cầm quyết sẽ tiến hành các dự án đầu tư ngân sách lớn gây ảnh hưởng cho ngân sách nhà nước còn đang mong manh của Ý.

Trước nguy cơ khủng hoảng chính trị lún sâu, Tổng thống Mattarella đã triệu tập ông Carlo Cottarelli - cựu giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để bàn khả năng thay thế giáo sư Conte.

Ông Cottarelli nổi tiếng với việc cắt giảm chi tiêu công tại Ý nên sự lựa chọn này được xem là động thái cho thấy khả năng Tổng thống Mattarella sẽ đề nghị ông Cottarelli lãnh đạo một chính phủ kỹ trị.

Trong khi đó, hầu hết các chính đảng ở Ý đều khẳng định sẽ không ủng hộ một chính phủ kỹ trị khi bỏ phiếu tại Quốc hội, đồng thời sẽ thúc đẩy bầu cử sớm vào mùa Thu tới nếu không có một chính phủ liên minh.

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4-3 của Ý, phe cánh hữu giành được nhiều phiếu bầu nhất, nhưng không đủ đa số cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ.

Đảng M5S về vị trí thứ hai với 33% phiếu bầu và đảng PD về thứ ba với 23% số phiếu.

Hôm 18-5, Đảng Liên đoàn và đảng M5S đã ký thỏa thuận để thành lập liên minh cầm quyền, cam kết tăng chi tiêu ngân sách và phản đối các hạn chế về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU).

Liên minh này được khoảng 60% người dân ủng hộ, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do nhật báo La Repubblica công bố ngày 20-5.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp