Ông Trương Đình Thịnh - 1 trong 569 trường hợp bị tạm dừng trợ cấp thương binh - nói sẽ khiếu nại vì mình là thương binh thật - Ảnh: DOÃN HÒA
Tuy nhiên, việc truy thu số tiền này đang gặp nhiều khó khăn do có người đã qua đời, cao tuổi hoặc có hoàn cảnh khó khăn...
Cắt trợ cấp 569 thương binh
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, vào năm 2014 và 2016, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng rà soát khoảng 37.000 hồ sơ thương binh của 4 huyện, TP ở Nghệ An gồm: TP Vinh, huyện Đô Lương, Hưng Nguyên và Nghi Lộc thì phát hiện 336 trường hợp không hợp lệ.
Đoàn thanh tra yêu cầu Nghệ An đình chỉ trợ cấp và truy thu hơn 33 tỉ đồng. Số tiền mỗi người đã nhận 120 - 200 triệu đồng.
Năm 2017, đoàn thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục mở rộng rà soát hồ sơ toàn tỉnh Nghệ An và kết luận đình chỉ trợ cấp 569 trường hợp, yêu cầu truy thu hơn 88 tỉ đồng. Tổng cộng sau các đợt thanh tra, Nghệ An phải truy thu hơn 118 tỉ đồng.
Những trường hợp bị tạm dừng trợ cấp và chế độ ưu đãi thương binh đều được chỉ rõ các lý do như giấy chứng nhận bị thương có dấu hiệu chỉnh sửa, làm giả con dấu, chức danh của người cấp giấy chứng nhận bị thương hoặc không có tên trong sổ đăng ký quân nhân bị thương (bản gốc) tại đơn vị.
Mặc dù bị kết luận là hưởng sai chế độ và có dấu hiệu làm giả hồ sơ nhưng tiếp xúc với Tuổi Trẻ, nhiều người vẫn khẳng định mình là... thương binh thật.
Ông Trương Đình Thịnh (66 tuổi, ngụ xã Hưng Đạo) là một trong sáu trường hợp của huyện Hưng Nguyên bị tạm dừng trợ cấp gần 1,6 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-8, do không có tên trong danh sách quân nhân bị thương của đơn vị. Tuy nhiên, ông Thịnh khẳng định ông là thương binh thật và rất bất ngờ khi nhận quyết định tạm dừng trợ cấp.
"Tôi sẽ quay lại đơn vị để làm rõ tại sao có nhầm lẫn này. Tôi đã đổ xương máu cống hiến cho Tổ quốc và lý tưởng, chứ không làm giả hồ sơ để trục lợi chế độ chính sách" - ông Thịnh nói.
Gian nan truy thu
Bà Nguyễn Thị Thanh An - phó trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Vinh - cho biết toàn TP có 200 người bị đình chỉ trợ cấp, số tiền đang phải truy thu hơn 23 tỉ đồng.
"Trong hai năm qua, chúng tôi mới truy thu hơn 800 triệu đồng. Có 4 trường hợp đã qua đời nên không thể truy thu được. Số còn lại phải truy thu cũng rất nan giải bởi họ đều già yếu, bệnh hiểm nghèo, neo đơn. Việc truy thu cũng chỉ ở mức tuyên truyền, vận động, chứ không có chế tài nào" - bà An nói.
Ông Nguyễn Đăng Dương - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An - cho hay sở đã tạm dừng chi trả chế độ thương binh với 569 trường hợp theo kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH.
"Trách nhiệm chính là của các cơ quan quân sự làm hồ sơ thương binh, chúng tôi chỉ là đơn vị tiếp nhận chi trả sau khi phía quân đội chuyển sang. Nguyên nhân sai sót là từ cơ quan quân đội" - ông Dương giải thích.
Ông Dương cũng khẳng định việc truy thu tiền đã chi rất khó khăn bởi phần lớn các đối tượng già yếu, hoàn cảnh khó khăn hoặc qua đời. Sở đã có công văn hướng dẫn gửi các địa phương rà soát, phân loại các đối tượng như: có điều kiện và có khả năng truy thu, đã qua đời, mắc bệnh hiểm nghèo; thuộc diện hộ nghèo...
"Với những đối tượng không có khả năng truy thu, chúng tôi sẽ lập danh sách, nêu lý do cụ thể gửi ra bộ để có hướng xử lý" - ông Dương nói.
Nghệ An đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 77.000 đối tượng người có công, với số tiền chi trả gần 115 tỉ đồng/tháng. Sau các đợt thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Nghệ An phải truy thu hơn 118 tỉ đồng chi sai đối tượng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - cho biết trong những năm qua, Nghệ An quyết liệt xử lý vấn đề trục lợi chính sách. Trường hợp làm giả hồ sơ thì xử lý nghiêm theo pháp luật, trường hợp chưa đủ hồ sơ thì yêu cầu điều chỉnh bổ sung để đảm bảo quyền lợi. Những trường hợp khó thu hồi tiền đã cấp sai phải có báo cáo cụ thể để đảm bảo công bằng, tránh thiệt thòi cho những người khác.
Kiểm tra hồ sơ các trường hợp thương binh bị cắt trợ cấp tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Khó cũng phải thu!
Vấn đề đặt ra là có truy thu số tiền đã chi được không và phải truy thu như thế nào, cũng như xử lý trách nhiệm của những người liên quan được hay không?
Thạc sĩ luật Phạm Văn Chung cho biết trước hết, việc những người này làm giả hồ sơ giấy tờ để được công nhận thương binh và hưởng các chế độ, chính sách, nhất là nhận số tiền trợ cấp thương binh hằng tháng là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, những người làm giả hồ sơ để nhận tiền thương binh có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Theo đó, tại khoản 126 điều 1 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 thì: "Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm". Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị xử phạt đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 5 - 50 triệu đồng.
Như vậy, đương nhiên những người có hành vi gian dối như trên thì buộc phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận, kể cả những người thuộc hộ nghèo, khó khăn...
Ngày 2-7-2015, PC46 Công an tỉnh Nghệ An khám xét khẩn cấp nhà ông Đặng Hồng Tư (63 tuổi, ngụ P.Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An), thu giữ trên 70kg tài liệu với 60 loại tài liệu khác nhau. Trong đó có các giấy chứng nhận về thương tật, giấy chứng nhận về giám định sức khỏe. Các loại tài liệu này đều có dấu đỏ và chữ ký của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội.
Tuy nhiên, đối với những thương binh giả nhận tiền nhưng họ không trực tiếp làm giả, mà nhờ người khác làm thì có thể miễn trách nhiệm hình sự, nhưng về mặt dân sự thì phải trả lại số tiền đã nhận sai quy định.
Cơ quan có thẩm quyền cần buộc những thương binh giả trả lại tiền, trường hợp những người này không trả thì có thể khởi kiện ra tòa để đòi. Khi đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành thi hành án, kê biên tài sản... để đảm bảo việc truy thu toàn bộ, đầy đủ số tiền thương binh giả đã nhận.
Cũng theo ông Chung, thương binh là chế độ gắn liền với nhân thân của người được hưởng chế độ, nên số tiền hằng tháng mà thương binh giả nhận nhưng nay họ đã chết thì pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể để có thể truy thu đối với những người thừa kế của thương binh giả. Tuy vậy, nếu tiền mai táng, thờ cúng mà thân nhân nhận sau khi thương binh giả mất thì phải trả lại cho ngân sách nhà nước.
Pháp lệnh người có công còn lỗ hổng
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: "Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, nếu là người có công thật sự thì phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách ưu đãi đúng đối tượng. Đối với những trường hợp làm hồ sơ giả thì kiên quyết thu hồi và xử lý. Kể cả các cấp, các ngành, cá nhân, tập thể có liên quan đến việc làm sai hồ sơ thì kiên quyết xử lý trách nhiệm".
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng cho rằng pháp lệnh người có công vẫn còn lỗ hổng trong quy định pháp luật, dẫn tới tình trạng hưởng sai chế độ ưu đãi người có công. Đặc biệt, các hình thức chế tài đối với những người trục lợi chính sách hiện nay chưa cụ thể, sắp tới sẽ sửa toàn diện pháp lệnh ưu đãi người có công theo hướng khắc phục khiếm khuyết, bất cập còn tồn tại.
"Những trường hợp đã chết thì đang xin ý kiến Chính phủ. Đối với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, bệnh hiểm nghèo thì thu hồi là khó, nhưng không có nghĩa sẽ xóa cho họ. Nếu chưa trả được ngày nay thì lúc nào có điều kiện là phải trả. Nguyên tắc là sai thì phải thu hồi" - ông Dũng nói.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sáng 3-8, bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
"Việc quan trọng nhất lúc này là đình chỉ thực hiện chính sách, tiếp đó phải truy thu số tiền đã chi sai đối tượng. Để truy thu được tiền thì quan điểm của bộ là sẽ rà soát, phân loại đối tượng để xử lý hợp tình hợp lý" - bộ trưởng Dung nói. (ĐỨC BÌNH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận