Kỳ 1:
Phóng to |
Để có phần mộ ở nghĩa trang xã này, gia đình phải lo được... giấy tạm trú của người chết - Ảnh: Chính Thành |
15 triệu đồng để vào nghĩa trang nhà nước
Theo quy định, nghĩa trang ở ấp Cây Trắc do xã Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) quản lý chỉ dành cho những người có hộ khẩu thường trú tại xã Phú Hòa Đông và xã Phạm Văn Cội yên nghỉ khi lâm chung. Tuy nhiên, người từ địa phương khác đến muốn có một phần đất huyệt ở nghĩa trang này chỉ cần có tiền là được “cò” phục vụ tận tình.
Trưa tháng 7 nắng gắt, chúng tôi vừa ghé vào một quán nước gần khu vực nghĩa trang hỏi thăm việc tìm đất huyệt trong nghĩa trang nhà nước để cải táng mộ người thân, chị chủ quán giới thiệu gặp một người tên Giang. Ông Giang được cho là “cao tay ấn” nhất trong khoản lo liệu cho người ở địa phương khác muốn có một huyệt mả trong nghĩa trang do xã Phú Hòa Đông quản lý.
Chúng tôi đưa cho ông Giang tờ giấy cấp phép bốc mộ của người thân ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nói là mộ của bà nội, gia đình muốn cải táng lên đây và hỏi có lo giúp được một huyệt trong khu vực nghĩa trang của xã không. Nhìn lướt qua giấy tờ, ông Giang thủng thẳng trả lời: “Thật ra cũng không cần giấy này đâu, chỉ cần anh đưa chứng minh nhân dân của anh, chứng minh nhân dân của bố anh và của người mất là tui lo được cho anh tới nơi”. Nói rồi ông Giang dẫn chúng tôi đi loanh quanh trong nghĩa trang xã để xem thế đất, vừa đi vừa giải thích: “Đầu tiên tui sẽ chạy cho anh, bố anh và bà nội anh có tên tạm trú hợp pháp ở xã. Trước ngày cải táng, tui sẽ dẫn anh lên xã làm thủ tục xin đất để chôn người thân. Khó là công đoạn tạm trú thôi, chứ còn làm thủ tục xin chôn thì dễ lắm, mình chỉ đóng thêm lệ phí 1 triệu đồng cho xã để được cấp giấy phép, rồi ra trình với ông quản trang là vào hạ quan thôi”.
Chỉ vào phần đất kế bên hai mả mới xây xong, ông Giang bảo: “Đây, nếu vài ngày nữa cải táng thì bà cụ anh nằm ở đây. Ngày mai đưa chứng minh nhân dân, cộng thêm đưa trước cho tui 5 hoặc 6 triệu đồng gì đó để tui lo. Khi nào hạ huyệt xong xuôi thì đưa đủ 15 triệu đồng!”. “15 triệu đồng thì tôi bù thêm mấy triệu nữa là có mả đẹp trong các đất tư nhân xung quanh đây rồi còn gì?”, chúng tôi mặc cả. “Đó là giá “mấy người kia” yêu cầu để lo liệu giấy tờ chứ không phải tui đưa ra. Trước đây dễ làm lắm, nhưng giờ bị siết lại dữ quá. Ở vùng này còn mình tui là còn đường để chạy thôi. Không tin ông cứ việc hỏi xung quanh thử!”, ông Giang nói chắc chắn.
Theo những người dân quanh nghĩa trang Phú Hòa Đông, trước đây có tình trạng người trong xã chung chi cho quản trang để “đặt trước” mộ giả rồi bán lại giá cao cho người từ địa phương khác. Vụ việc bị phát hiện, từ đó việc “chạy” rất khó khăn.
Trao đổi về vấn đề “chạy huyệt” này, ông Nguyễn Văn Vững, chủ tịch xã Phú Hòa Đông, cho biết: “Từ khi phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm vào hai năm trước, chúng tôi đã siết chặt lại công tác kiểm tra, cấp giấy cho phép chôn trong nghĩa trang của xã. Chúng tôi còn ban hành thêm quy định người chết phải có hộ khẩu thường trú thuộc xã Phú Hòa Đông hoặc ít nhất phải có sổ tạm trú ở xã Phạm Văn Cội trên sáu tháng mới được chôn trong nghĩa trang của xã”.
Phóng to |
Bảng giá đất nghĩa trang ở Cần Giờ. Nhiều người mua cả chục huyệt để bán kiếm lời - Ảnh: Chính Thành |
Có tiền là có huyệt
...Chúng tôi vừa dừng xe ở cổng nghĩa trang Gò Dưa, một người đàn ông đi chiếc cúp 81, trên tay cầm bay thợ hồ sà đến hỏi ngay: “Tìm mua huyệt hả? Tôi có mấy miếng đất riêng nè, đi coi thử đi”. Ông chỉ cho chúng tôi bốn miếng đất huyệt và “hét” giá 55 triệu đồng một huyệt, ông “tiếp thị” thêm: “Đất của tui từ xưa đến giờ, anh thấy người ta xây kín rồi không”. Chúng tôi lần lữa bảo đi xem thêm mấy miếng nữa rồi có gì gọi sau, ông Tùng bỏ đi. Mới men qua được mấy ngôi mộ, một người đàn ông khác đã tới hỏi ngay: “Cần mua đất nhà nước à? Tui có một miếng gần đây nè, rẻ thôi, 15 triệu đồng!”. Chúng tôi lại men theo bậc thềm của các ngôi mộ san sát nhau mà đi xem miếng đất của người đàn ông này chỉ. Miếng đất rộng chưa đầy 2x3m nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang, nếu người này không đưa tay gạt những lùm cỏ hôi ra chắc chúng tôi không cách nào biết nơi đó có một “miếng đất trống”.
Quản lý nghĩa trang Gò Dưa cho hay cả hai người xưng là chủ đất trên đều là những người dắt mối bán đất chứ “không ông nào có đất đai gì sất”. Người làm nghề thợ xây, làm nghề giữ mộ. Sau khi mời chào nồng nhiệt như vậy, nếu khách hàng đồng ý mua đất thì họ sẽ dẫn đến chủ thật sự của miếng đất huyệt trên và lấy tiền hoa hồng hoặc chênh lệch.
Chúng tôi tới nghĩa trang Già Đỏ ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) vào buổi chiều muộn. Lác đác trong nghĩa trang lau sậy và cỏ mọc rậm rạp xen lẫn với mộ phần. Trong căn nhà cấp bốn mái tôn, một người đàn ông cởi trần mặc quần xà lỏn bước ra tự giới thiệu ông tên Chinh, quản trang nghĩa trang Bình Khánh.
Nghe chúng tôi muốn cải táng mộ người thân về đây, ông Chinh cho biết những người muốn chôn nhưng không có hộ khẩu cư trú tại huyện đều không được chấp nhận. Chần chừ một hồi ông cũng mách nước: nếu có tiền, ông sẽ giới thiệu cho một số người cần sang lại mộ phần. Giá đúng 10 triệu đồng một huyệt.
Theo ông Chinh thì có nhiều người mua huyệt mộ từ những năm trước với giá một hai triệu đồng/huyệt, nay sang bán lại cho ai có nhu cầu. Ông Chinh chỉ những khu đất trống rộng rãi trong nghĩa trang và cho biết tất cả đều đã có chủ. “Nhiều người có tiền mua đất huyệt đợi giá tăng cao rồi bán lại kiếm lời. Ở nghĩa trang này, người mua mấy chục suất là chuyện bình thường”, ông Chinh cho biết. Như ông Tấn, đại gia sà lan dầu ở quận 7, đặt mua 60 huyệt từ nhiều năm qua nhưng đến nay chưa dùng suất nào, ông T. cũng vài chục huyệt... Người mua lẻ tẻ năm mười phần đất rất nhiều. Theo người dân xung quanh nghĩa trang, nhiều người nói mua đất để dành cho người thân chứ thực chất là mua đất huyệt rồi chờ giá lên bán kiếm lời. Có nhiều người chỉ chuyên đi buôn đất nghĩa trang.
_______________________
Kỳ tới: “Luật” ở nghĩa trang
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận