Vào mùa mưa, đèo Khánh Lê thường xuyên bị sạt lở khiến giao thông từ Đà Lạt đi Nha Trang và ngược lại bị ngưng trệ - Ảnh: LÂM THIÊN.
Đèo Khánh Lê nổi tiếng với cảnh đẹp hai bên và sương mù dày đặc vào buổi chiều tối, tối và sáng sớm. Khi sương mù dày hai xe đi cách nhau chỉ vài chục mét đã không nhìn thấy nhau, đây cũng là điểm kích thích sự khám phá của các "phượt thủ".
Tuy nhiên, đường đèo quanh co, hẹp và hiểm trở nên rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại đây. Hơn một năm về trước, tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu tiến hành cho sửa chữa, mở rộng tuyến đường đèo này.
Đi suốt 29 km chiều dài đèo Khánh Lê, có hơn chục điểm sạt lở lớn nhỏ. Có những điểm bị sạt lở có rộng và cao hơn trăm mét.
Từ đó, hàng ngàn công nhân từ khắp nơi đổ về, ngày đêm vùi mình trong sương lạnh hàng năm trời trời để đắp vá, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các điểm sạt lở trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn đủ bề.
Công nhân ở đây chủ yếu là người tứ xứ, tha phương mưu sinh. Có những người từ bắc vào "cắm chốt" hơn năm trời ở đây.
Một vụ tai nạn trên đèo Lê Khánh do khúc cua gấp, tầm nhìn hạn chế - Ảnh: LÂM THIÊN
Một điểm sạt lở lớn trên đèo Khánh Lê. Đá từ trên cao rơi xuống đường và lăn xuống vực sâu khiến một đoạn đường dài bị hư hỏng. Ảnh: LÂM THIÊN.
Công nhân làm việc tại một điểm sạt lở lớn ngay khúc cua tay áo, nguy hiểm bởi vách đá dựng đứng, đường hẹp. Đây cũng là điểm sửa chữa, vá đèo nguy hiểm nhất vì phải nổ mìn phá đá để mở rộng đường - Ảnh: LÂM THIÊN.
Các công nhân mạo hiểm với việc di chuyển trên vách đá dựng đứng - Ảnh: LÂM THIÊN
Hơn chục điểm sạt lở cũng là hơn chục túp lều trú ngụ của anh em công nhân được dựng lên ngay gần điểm sạt, sát cạnh mép vực thẳm phía bên kia đường.
Công việc ở đây chủ yếu là dọn dẹp đất đá bị sạt lở, xây đắp kè móng, đường mương thoát nước và nổ mìn mở rộng đường đèo…
Mọi người phải làm việc bên dưới những vách đá, núi sạt lở, dốc thẳng, đất đá lởm chởm treo lơ lửng trên đầu. Trong khi đó, đường đèo khá hẹp và xe đông.
Anh Nguyễn Xuân Tình (39 tuổi), một thợ sửa chữa trên đèo Khánh Lê cho biết: "lúc mới vào đây, tôi với anh em thấy công việc, điều kiện mọi thứ là chỉ muốn rút lui vì quá xa, quá heo hút. Điện đóm không có, nước thì phải lấy từ khe suối. Muốn mua thứ gì thì phải đi hơn chục cây số. Nhưng rồi nghĩ đã lên đây mà về thì lại không được gì. Vậy là anh em động viên nhau làm chứ ai cũng bỏ đi thì đường xá còn gì cho xe chạy".
Trong khi đó, chị Phạm Thị Quyên (38 tuổi, ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã gắn bó với công trình sửa đèo Khánh Lê hơn một năm nay. Chị tâm sự: "Làm ở đây khổ lắm. Một ngày làm 8 tiếng mà mất 4 tiếng để cho xe chạy. Cứ 20 phút nổ mìn thì phải nhường 20 phút cho xe qua trong khi khối lượng công việc lại quá lớn".
Các công nhân làm việc trong điều kiện rất khó khăn, nguy hiểm, một bên là vách núi dựng đứng vẫn tiềm tàng nguy cơ sạt, một bên là xe vun vút qua lại - Ảnh: LÂM THIÊN
Không gian làm việc chật hẹp, mỗi lần các xe chạy qua, công nhân lại phải hứng chịu một đợt bụi mù mịt. Mỗi ngày, có đến hàng nghìn lượt xe qua lại - Ảnh: LÂM THIÊN.
Để làm chân kè giữ đất, các công nhân phải đan rọ sắt lớn sau đó cho đá vào. Đây là công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức - Ảnh: LÂM THIÊN.
Sau khi làm kè xong, các công nhân tiến hành xây mương thoát nước để tạo dòng chảy an toàn. Trong ảnh, các công nhân tiến hành đo đạc để lắp những khối bê tông thành mương nước - Ảnh: LÂM THIÊN.
Khoảng 3h chiều, sương mù bắt đầu bao phủ. Các công nhân phải dầm mình giữa sương lạnh để làm việc, việc bị cảm lạnh khá thường xuyên. Ở đèo Khánh Lê, buổi chiều, tối và sáng sớm sương dày đặc hai xe cách nhau vài chục mét là đã không nhìn thấy nhau - Ảnh: LÂM THIÊN.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, các công nhân phải tăng ca làm đêm trong điều kiện thiếu thốn ánh sáng. Thiết bị chiếu sáng được tận dụng là đèn điện thoại - Ảnh: LÂM THIÊN.
Mọi sinh hoạt của công nhân gói ghém trên diện tích nhỏ, xung quanh là đất đá lởm chởm, gập ghềnh - Ảnh: LÂM THIÊN.
Tại các lều công nhân, những phụ nữ chịu trách nhiệm đi chợ, nấu cơm cho anh em. Mỗi ngày, các chị phải đi chợ gần 20 km để lo cơm nước cho mọi người. Ảnh: LÂM THIÊN.
Gần 10 nhân công quây quần trong căn chòi khoảng 10m2 để ăn cơm. Đây cũng chính là chỗ ngủ nghỉ của họ - Ảnh: LÂM THIÊN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận