03/05/2018 09:25 GMT+7

Gian nan mở đường xuống biển: Giật mình sửa sai

ĐOÀN CƯỜNG - K.NAM - MINH TRÂN - T.MAI
ĐOÀN CƯỜNG - K.NAM - MINH TRÂN - T.MAI

TTO - Sau một thời kỳ trải thảm đỏ, bất chấp quy hoạch để mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch - nghỉ dưỡng, giờ đây nhiều địa phương ven biển từ Bắc đến Nam đã phải giật mình nhìn lại chính sách đầy bất cập đó.

Gian nan mở đường xuống biển: Giật mình sửa sai - Ảnh 1.

Dãy nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng án ngự "mặt tiền" biển - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

TP Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc sửa sai nói trên. Thậm chí nhiệm vụ thu hồi đất, mở lối xuống biển đã được chính quyền TP này đưa thẳng vào nghị quyết của HĐND TP.

Ken dày dự án

Nhà bà Lê Thị Tâm tọa lạc trên đường Hồ Xuân Hương (P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) từ những năm 1980. Bà Tâm bảo lúc đó đứng trước nhà là thấy biển, thấy bờ. 

Nhưng cách đây hơn 10 năm, một loạt 3 dự án resort mọc lên, chắn ngang con đường xuống biển của cư dân địa phương. 

"Trước đi bộ xuống biển, giờ muốn tắm phải chạy xe máy vòng vèo cả cây số. Dân bức xúc lắm, nói hoài mà chẳng đến đâu".

Chạy dọc theo tuyến đường ven biển dài hơn 10km từ Đà Nẵng vào giáp tỉnh Quảng Nam, hình ảnh ức chế nhất có thể thấy được đó là cảnh "kín cổng cao tường" của những khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp ken dày "phong tỏa" toàn bộ đường xuống biển của người dân. 

Cụ thể, nằm cạnh dự án khu nghỉ dưỡng Furama là quần thể đô thị du lịch quốc tế Ariyana, kế đó là khu du lịch biển The Song rồi dự án Future Property Invest... 

Gian nan mở đường xuống biển: Giật mình sửa sai - Ảnh 2.

Mới đây nhất, nhà đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô (Q.Liên Chiểu) đã lập rào bịt đường xuống biển của hàng nghìn cư dân địa phương khiến họ vô cùng bức xúc. 

"Dân không được nhìn thấy biển, muốn ra biển phải trình báo bảo vệ" - ông Nguyễn Đức Minh, người làng Nam Ô, nói trong chua xót.

Gian nan mở đường xuống biển: Giật mình sửa sai - Ảnh 3.

Các khách sạn, resort án ngữ phía trước bãi biển ở Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường

Đưa vào nghị quyết để thực thi

Không phải đến giờ "cuộc chiến" giành lại bãi biển cho người dân mới nổ ra. Từ năm 2015, chính quyền TP Đà Nẵng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo việc xử lý các dự án "treo" để trả lại biển cho dân. Cùng với đó là cam kết mở lối xuống biển cho dân. 

Thậm chí, trong nghị quyết HĐND TP Đà Nẵng về nhiệm vụ năm 2018 ghi rõ: "Hoàn thành việc mở lối xuống biển khu vực giữa khách sạn Furama và Ariyana trong quý 3-2018; riêng các lối xuống biển còn lại sẽ thống nhất với các nhà đầu tư về thu hồi đất, báo cáo HĐND trong kỳ họp giữa năm 2018".

Giải quyết bài toán này, ngày 27-3-2018, chính quyền TP Đà Nẵng đã yêu cầu các sở, ngành rà soát tổng thể quy hoạch các lối xuống biển, nhất là tại Q.Ngũ Hành Sơn, nơi có nhiều bãi biển bị "bịt kín", báo cáo TP xem xét, quyết định. Trong đó, tập trung mở lối xuống biển giữa dự án Furama và Ariyana.

Riêng tại dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, qua thị sát mới đây chính quyền Đà Nẵng đã quyết định rà soát, điều chỉnh quy hoạch của dự án này. Ngay sau đó bãi tắm công cộng cùng 5 lối dẫn xuống biển cho dân được xác định. Những đề xuất trên đã được phía chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô điều chỉnh.

Đại diện chủ đầu tư một khu resort ven biển Đà Nẵng cho biết đã nhận được quyết định của TP về việc mở đường qua dự án và cam kết sẽ thực hiện. 

Tuy nhiên, theo vị này, lãnh đạo TP nên có sự nhất quán trong quy hoạch. Trước đây quy hoạch như thế nào thì giờ thực hiện như vậy để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. 

"Nhà đầu tư nhìn vào quy hoạch và các yếu tố phù hợp mới đầu tư, còn nếu biết có sự thay đổi thì e là doanh nghiệp sẽ không đổ tiền vào đầu tư loại hình này" - vị đại diện này nói.

Gian nan mở đường xuống biển: Giật mình sửa sai - Ảnh 4.

Chính quyền TP Đà Nẵng đã yêu cầu điều chỉnh quy hoạch 5 dự án ven biển để mở 5 lối đi xuống biển. Cụ thể, lối xuống biển cuối tuyến đường Hồ Xuân Hương; lối đi tiếp giáp giữa 2 dự án Furama và Ariyana, rộng tối đa 40m; lối đi công cộng 10m phía bắc dự án khu du lịch biển The Song; lối đi công cộng 4m phía nam dự án Future Property Invest và lối đi công cộng 3,5m ở phía bắc dự án khách sạn và biển Đông Phương - Đồ họa: N.KH.

Không giao bờ biển cho doanh nghiệp

Ông Trương Quang Nghĩa - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng: quan điểm chỉ đạo đối với các lối đi xuống biển là sẽ cùng doanh nghiệp thực hiện Luật biển. Bãi biển là của cộng đồng. 

"Hiện nay sự đồng thuận của doanh nghiệp và cơ sở pháp lý là hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong việc giao đất, chúng ta không giao bờ biển cho doanh nghiệp, từ mép nước đi lên 50m là không giao. Theo Luật biển thì bờ biển là của cộng đồng. Hiện TP đang làm việc này". Vì vậy ông Nghĩa cho biết sẽ rà soát hết các lối dẫn xuống biển.

Còn theo ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: "Cùng với chủ trương mở lối xuống biển, hiện một tuyến đường đi bộ ven biển cũng đang được gấp rút triển khai. Chúng tôi đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông điều hành dự án. Không chỉ bằng tiền mà bằng tinh thần và sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Có thể chưa làm hết tất cả được mà làm từng tuyến".

Mời nhà đầu tư ngồi lại


ong huy

KTS Hoàng Quang Huy (nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng cần phải rà soát toàn bộ các dự án ven biển Đà Nẵng.

Dự án nào đúng thì thực hiện, còn sai thì sửa. Tuy nhiên, cái khó là doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền mà cái sai lại do Nhà nước gây ra thì phải bồi thường.

Theo ông Huy, TP Đà Nẵng cần tính toán thu hồi chỗ nào, bao nhiêu đất rồi mời nhà đầu tư ngồi lại để đưa ra giải pháp tốt nhất.

"Du khách đến Đà Nẵng rất cần không gian công cộng ở biển, lối đi xuống biển. Việc triển khai chủ trương này muốn nhanh cần phải có sự vào cuộc, ủng hộ của doanh nghiệp" - ông Huy nhìn nhận.

Đủ cơ sở thực hiện


duy diem1

KTS Hồ Duy Diệm (nguyên trưởng Ban quy hoạch TP Đà Nẵng, chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam) cho rằng việc mở lối xuống biển sẽ thực hiện được bởi hiện nay Luật biển đã có và quy định từ mép nước lên bao nhiêu mét là của cộng đồng.

Vì thế, dự án nào đã giao nhưng chưa triển khai thì áp dụng theo luật này để thu hồi phần diện tích công cộng.

Đối với các dự án đã triển khai, cần kiểm tra, rà soát xem đất đã cấp cho doanh nghiệp bao nhiêu, họ làm tới đâu.

Nếu làm lấn ra không gian công cộng thì xử lý. "Doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với cộng đồng và với bãi biển" - ông Diệm nói.

Phú Quốc: không còn tầm nhìn ra biển nữa

pq

Khách sạn Seashells Phú Quốc che khuất tầm nhìn ra biển - Ảnh: K.Nam

Sau 13 năm kể từ thời điểm được định hướng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ khu vực, đến nay sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, 100% diện tích bờ biển ở đây đã được các dự án khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng phủ kín.

Bãi biển đầu tiên bị các resort chiếm lĩnh chính là Bãi Trường. Đây là bãi biển dài nhất ở phía tây đảo Phú Quốc, với chiều dài gần 13km từ thị trấn Dương Đông tới xã Dương Tơ.

Trên 13km bãi biển này có thể điểm danh các khách sạn, resort: Sài Gòn Phú Quốc, Tràng An, Hương Biển, Sassco, Salinda, Long Beach, CEO, Mường Thanh, Lan Anh...

Mới đây nhất là khách sạn Seashells chắn bãi biển công cộng cuối cùng ở ngay trung tâm thị trấn Dương Đông. Tương tự, xuôi về nam đảo, khu vực Bãi Kem ken dày các resort.

Các bãi biển còn sót lại ở phía nam đảo như bãi Đất Đỏ cũng đã có quy hoạch. Phía bắc đảo từ bãi Ông Lang lên tới Gành Dầu đều không còn chỗ trống.

Ông V.H.P. - nguyên lãnh đạo huyện Phú Quốc - cho rằng: quá trình phát triển đảo Phú Quốc đã phải đánh đổi bằng chủ trương "đổi đất lấy hạ tầng", trong đó có cả đất bãi biển.

Theo ông P., cái mất lớn nhất của Phú Quốc là tầm nhìn hướng ra biển đã không còn. Theo vị này, nếu bây giờ đặt lại vấn đề bao chiếm, che chắn bờ biển sẽ rất khó vì không thể đền bù cho các dự án.

Trong khi đó, một lãnh đạo địa phương này cho hay các bãi biển ở Phú Quốc vẫn dành cho công cộng, cụ thể là các lối đi ra biển giữa các resort.

Nói vậy, nhưng trên thực tế người dân lẫn du khách không mấy ai đi xuống biển bằng những lối đi này, bởi có quá nhiều phiền toái từ các nhân viên bảo vệ resort.

Ninh Thuận: biển bị che kín vì quy hoạch "ngược"

ninh thuan

Sáu kiôt, nhà hàng xây trên bãi biển thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm che chắn hướng nhìn ra biển - Ảnh: MINH TRÂN

Nhiều du khách khi đến bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ (Ninh Thuận) không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng loạt khu du lịch, resort, khách sạn mọc lên che kín hướng ra biển.

Bãi biển này dài hơn 6km và là một trong những bãi biển đẹp nhất được quy hoạch thành vùng kinh tế du lịch trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên, thay vì cấp phép cho hơn 10 dự án du lịch ở phía tây đường ven biển Yên Ninh, địa phương này lại quy hoạch "ngược", cấp phép hàng loạt dự án ở phía đông con đường, ngay trên các bãi tắm công cộng.

Khởi đầu việc phá rừng dương, bao chiếm bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ là việc cấp phép cho khu du lịch Hoàn Cầu vào năm 2000. Đến nay, bãi biển này đã có trên 10 dự án khác được cấp phép và 3 dự án "treo" nhiều năm.

Anh Lê Văn Tiến - người dân địa phương, ngụ phường Phước Mỹ, TP Phan Rang-Tháp Chàm - cho rằng: "Cả một dãy resort trải dài, phủ kín bãi biển hơn 6km nhưng chỉ có 4 nhánh "xương cá" cho người dân ra biển.

Vào mùa hè, hàng ngàn người dân lẫn du khách bị dồn vào 4 điểm tắm công cộng này khiến bãi tắm trở nên ngột ngạt, bức bối".

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình, việc cấp phép các dự án ở phía đông đường Yên Ninh trước đây đều sai về quy hoạch không gian kiến trúc. Bây giờ nếu muốn thu hồi dự án, trả lại bãi biển thông thoáng thì phải chờ hết hạn thuê đất, ít nhất phải 32 năm nữa.

Được biết, mới đây qua thanh tra việc sử dụng đất đai tại các khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Sở TN-MT Ninh Thuận phát hiện nhiều dự án "treo", chờ sang nhượng.

Quảng Ngãi: 8km có một lối ra biển?

binh sơn quang nga

Một góc bãi biển ở Bình Sơn, Quảng Ngãi - Ảnh: T.Mai

Tại Quảng Ngãi, dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn (FLC Quảng Ngãi) đang khiến dư luận "dậy sóng".

Lý do ngoài dự án chồng dự án, trong công văn hỏa tốc mà chính quyền Quảng Ngãi phát đi có đoạn "trung bình 8km bố trí một tuyến đường ra biển".

Theo ông Nguyễn Văn Hóa (xã Bình Hải, huyện Bình Châu): "Nếu 8km có một lối ra biển thì chẳng khác nào đầu dự án cho một lối, cuối dự án cho một đường. Không lẽ dân phải đi vòng 4km mới ra đến biển?".

Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, người dân vùng dự án đã chất vấn ông Lê Viết Chữ - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - rằng: "Dự án này mang lại phúc lợi gì cho dân, hay chỉ làm giàu cho FLC nếu đến 8km mới mở một lối đi cho dân xuống biển?".

Trả lời chất vấn này, ông Chữ cho biết tỉnh đang tính chuyện đó, sẽ "nghiên cứu, bố trí xen kẽ một số tuyến đường ra biển và không gian bờ biển dùng chung cho cộng đồng".


Bài học về chuyện

TTO - Là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn, nhưng Đà Nẵng đang phải thương lượng với doanh nghiệp để mở lối ra biển cho dân.

ĐOÀN CƯỜNG - K.NAM - MINH TRÂN - T.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp