09/11/2013 08:42 GMT+7

Gian nan đưa hàng vào siêu thị

DŨNG TUẤN
DŨNG TUẤN

TT - Nhiều nhà sản xuất cho biết rất khó đưa hàng vào siêu thị, nhưng khi vào rồi cũng không dễ “sống” được. Trong khi đó, các siêu thị lại “tố” nhà sản xuất còn manh mún, chất lượng chưa đồng đều.

n3mkkEFw.jpgPhóng to
Nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết rất khó đưa hàng vào siêu thị. Trong ảnh: khách hàng chọn mua hàng hóa tại Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chiều 8-11 - Ảnh: Q.Định

Không chỉ là kênh bán hàng, siêu thị còn là nơi để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã... đưa hàng vào siêu thị rất ít, chưa kể phải tốn nhiều chi phí không tên khác.

Nhà sản xuất kêu khó

* Ông Võ Thành Dương (chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Phước An, Bình Chánh, TP.HCM):

Chợ truyền thống thiếu đầu mối phân phối rau VietGAP

Hiện rau an toàn VietGAP chỉ nằm trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, còn bên ngoài quá ít. Nhiều người ở nội thành không biết mua rau VietGAP ở đâu. Để cải thiện điều này cần có đơn vị đứng ra mua và phân phối rau an toàn VietGAP ở chợ truyền thống của các quận huyện, có như vậy thị phần rau an toàn VietGAP mới nâng lên, người tiêu dùng cũng an tâm và dễ dàng hơn khi tìm mua rau an toàn VietGAP.

Nguyễn Trí

Loạt sản phẩm cháo dinh dưỡng của đơn vị Saigon Food được tung ra cách đây hơn nửa năm nhưng người tiêu dùng bước chân vào nhiều siêu thị tìm mua một gói cháo mang nhãn hiệu này lại rất khó, thậm chí nhân viên một số siêu thị còn không biết sản phẩm nằm chỗ nào, mẫu mã ra sao bởi sản phẩm không có vị trí trưng bày tốt. Bà Lê Thị Thanh Lâm - phó tổng giám đốc Saigon Food - bức xúc: “Các siêu thị lúc nào cũng kêu sản phẩm phải có doanh số mới có vị trí tốt. Nhưng sản phẩm mới, thị trường còn chật vật chứ nói gì doanh số. Nói thế khác nào đánh đố doanh nghiệp”.

Bà Lê Thị Cẩm Duyên, đại diện cơ sở nước mắm Hòa Hiệp (Vĩnh Long) cũng cho rằng chen chân vào siêu thị rất khó khăn, trụ lại cũng vất vả không kém. Theo bà Duyên, sản phẩm của doanh nghiệp đã được xuất khẩu ra nhiều nước, nhưng bán ở hệ thống phân phối trong nước lại rất chật vật. “Hàng đã vào được siêu thị Co.op Mart nhưng họ cũng chỉ cho trưng bày một vị trí rất khiêm tốn ở một vài siêu thị, thậm chí lúc nào cũng ở trong tâm trạng hàng bị đẩy ra ngoài nếu bán không được. Trong khi đó, Maximark từ chối luôn vì họ đã có quá nhiều nước mắm” - bà Duyên nói.

Bà Đinh Thị Bích Ngọc, giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam bộ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang, cho biết để làm ăn với các nhà phân phối phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt. Cụ thể, mặt hàng gạo phải có chứng nhận GlobalGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các kênh bán lẻ có khi đòi hỏi hỗ trợ chi phí trưng bày, các chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao... trong khi lợi nhuận từ mặt hàng gạo thấp nên gặp khó khăn. Theo ông Phạm Xuân Thái - giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Long Khê, rất khó cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ lẻ tự mình tìm đến các kênh bán lẻ do quy mô nhỏ, uy tín chưa cao, phải có thời gian tạo uy tín cho sản phẩm cũng như quan hệ tốt với các nhà phân phối.

Nhà phân phối chê chất lượng

Trong khi đó, nhiều hệ thống bán lẻ cho biết hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất không ổn định chất lượng, nguồn hàng còn thiếu ổn định. Bà Bùi Hạnh Thu - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết không phải tất cả doanh nghiệp ký với Saigon Co.op đều thỏa mãn được các tiêu chí của siêu thị, đặc biệt là về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng ta nên quan tâm hơn nữa về quy trình sản xuất, có những doanh nghiệp sau khi đã ký, đến thực tế thì điều kiện an toàn thực phẩm không đạt” - bà Thu nói.

Ông Nguyễn Xuân Hải - phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C - cho hay điểm yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất nhóm hàng nông sản là siêu thị không thể ký trực tiếp với nông dân được, chủ yếu phải mua qua hợp tác xã hoặc doanh nghiệp thu mua. “Khi chúng tôi có những nhu cầu về số lượng lớn hàng hóa thì không đáp ứng được hoặc chất lượng không ổn định, trái cây có tỉ lệ chín hoặc sống nhiều. Điều đó gây trở ngại cho siêu thị” - ông Hải nói. Ngoài ra, nhà vườn sản xuất chưa tập trung, còn dàn trải. Trồng nhiều loại giống khác nhau cũng khó mua và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thực phẩm thì lại còn khó khăn về giấy tờ chứng nhận vệ sinh chưa có hoặc đã cũ, hoặc thiếu giấy tờ công bố chất lượng sản phẩm.

Trao đổi về vấn đề chiết khấu cao, đại diện một nhà bán lẻ cho hay việc chiết khấu giữa các siêu thị hoàn toàn không giống nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tiêu chí kinh doanh, lợi nhuận của từng siêu thị. Hiện nay một vài siêu thị lợi dụng vị trí ảnh hưởng sẵn sàng thẳng tay loại hàng hóa của doanh nghiệp ra khỏi siêu thị nếu không chịu nổi các điều kiện về giá cả, chiết khấu, chi phí quầy kệ.

DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp