Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết sau ba năm thực hiện, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết được 137 vụ việc với tổng số tiền bồi thường hơn 23,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thủ tục để dân được bồi thường còn quá rườm rà, luật còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo quy định, một trong những điều kiện để được Nhà nước bồi thường là phải có văn bản của cơ quan nhà nước xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ trái pháp luật hoặc bản án, quyết định trong tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại được bồi thường.
Nhiều người cho rằng để có văn bản xác định hành vi sai trái của người thi hành công vụ là cả một vấn đề, bởi nhiều cơ quan né tránh không ra văn bản hoặc có ban hành văn bản thì mang tính chất chung chung, không ghi nhận sự sai trái.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Một bên là cán bộ công chức được trang bị đầy đủ các quyền lực, một bên là người dân chẳng có gì, mà bắt dân phải có văn bản công nhận sai phạm của người có quyền lực ban hành.
Trong thực tế dân khó lấy được văn bản này, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế làm việc của người ta thì làm sao họ ban hành văn bản cho dân. Đây là điểm đầu tiên và cũng là điểm trọng yếu đã loại trừ đi tất cả các quyền của người yêu cầu bồi thường”.
Bà Ung Thị Xuân Hương (giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) đặt câu hỏi: “Trong vụ việc có nhiều cơ quan liên quan thì trách nhiệm bồi thường thuộc về ai, liệu cơ quan thụ lý cuối cùng có phải chịu trách nhiệm? Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn nếu lỗi của nhiều cơ quan thì phải xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính, nhưng cách xác định như thế nào thì chưa có căn cứ nên còn có việc các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm bồi thường cho nhau. Trên thực tế, nhiều trường hợp dân bị bắt giữ, đã có kết luận oan sai và được trả tự do nhưng khi yêu cầu bồi thường, dân phải chạy đi chạy lại giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án”.
Cho rằng luật này có nhiều bất cập khi đến nay còn ba văn bản hướng dẫn chưa ban hành, nhiều nơi có kết luận về việc bồi thường nhưng thủ tục chi trả quá phiền hà.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Tôi cảm giác Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vào cuộc sống quá ít. Tôi kiểm điểm lại xem mình có lỗi gì không mà kết quả chưa đạt được như mong muốn. Công tác bồi thường nhà nước là lĩnh vực đáng quan tâm. Hiệu quả của luật này không phải là việc bồi thường càng nhiều càng tốt. Nhưng một khi Nhà nước gây thiệt hại cho người dân, cho tổ chức, doanh nghiệp thì phải bồi thường đàng hoàng, xác đáng, kịp thời. Đặc biệt càng không được để người dân ở vị thế xin - cho. Tôi có cảm giác ở đâu đó có quyền lực vẫn xem đây là cơ chế xin - cho. Có nơi dân đòi bồi thường 20 tỉ đồng nhưng cơ quan nhà nước chỉ trả 20 triệu đồng, có phải như thế là đúng hay ở vị thế đó người dân phải chịu?”.
Ông Hà Hùng Cường kiến nghị các cơ quan nếu có vướng mắc liên quan đến luật này thì phải có đề xuất phù hợp với Quốc hội. “Như tôi biết có những vụ việc yêu cầu bồi thường kéo dài 3-4 năm mới có kết luận, bộ phải tổ chức 3-4 phiên họp để giải quyết. Luật áp dụng thế nào, đừng để xã hội rối loạn lên” - bộ trưởng nói.
Không thấy ai chịu trách nhiệm khi người dân sụp hố ga Luật sư Nguyễn Huy Thiệp kiến nghị: “Nhiều người dân bị thiệt hại, thiệt mạng khi sử dụng các tài sản mà Nhà nước quản lý như các công trình giao thông, công trình công cộng như bị sụp hố ga, bị tai nạn do các công trình giao thông đang thi công. Trong trường hợp này nếu cần văn bản xác nhận hành vi trái pháp luật của Nhà nước thì không bao giờ dân được bồi thường. Thiệt hại này xuất phát từ quá trình quản lý, khai thác tài sản của Nhà nước nhưng chúng ta thường đổ lỗi cho thiên tai, trong khi thiệt hại gây ra vô cùng lớn nhưng chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận