Huỳnh Như (thứ 2 từ phải qua) và thủ môn Kim Thanh chào cờ trước trận gặp Thái Lan ở vòng bảng - Ảnh: N.KHÔI
Điển hình là ba tuyển thủ Việt Nam đang theo học chính quy tại Trường đại học Sư phạm (ĐHSP) TP.HCM là đội trưởng Huỳnh Như, tiền vệ Trần Nguyễn Bảo Châu (cùng 28 tuổi) và thủ môn Trần Thị Kim Thanh (26 tuổi).
Không biết bao giờ tốt nghiệp
Được tuyển vào ĐHSP TP.HCM năm 2010 nhờ thành tích vô địch quốc gia cùng CLB nữ TP.HCM nhưng Bảo Châu đã quyết định bảo lưu một năm vì không có thời gian theo học. Năm 2015, Bảo Châu ra trường.
"Tôi học và ra trường đúng năm nhờ không được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam trong suốt thời gian đó. Lúc đó, ngoài giờ tập ở CLB nữ TP.HCM, tôi lại thu xếp để đến lớp. Nếu được triệu tập vào đội tuyển quốc gia khi đó, chắc chắn tôi phải ra trường trễ hơn...", cô chia sẻ.
Nhưng không phải cầu thủ nữ nào cũng may mắn như Bảo Châu. Chẳng hạn, đội trưởng Huỳnh Như đã học sang năm thứ... 5 mà vẫn chưa biết chắc thời gian sẽ tốt nghiệp do bận khoác áo đội tuyển Việt Nam thi đấu liên tục kể từ khi trúng tuyển vào trường năm 2014 đến nay.
Chỉ tính trong năm 2019, Huỳnh Như chỉ có mặt ở TP.HCM chưa đầy một tháng. Thời gian đó chỉ đủ giúp cô kịp hoàn thành phần đi thực tập lần 1 (trợ giảng, tập làm giáo án, tập đứng lớp) còn nợ tại một trường THPT ở Bình Chánh. Đợt thực tập này cũng được thông cảm cho rút ngắn thời gian khi cô ra Hà Nội tập trung chuẩn bị vòng loại thứ hai Olympic 2020 tại Uzbekistan. Còn lại, Huỳnh Như bỏ học và bỏ thi đến 4 môn.
Xót tiền thi lại
Huỳnh Như kể năm học đầu tiên là cực nhất vì phải học cả sáng lẫn chiều, học suốt từ thứ hai đến thứ bảy. Với thời khóa biểu như thế, nếu không thể xin trường du di cho nghỉ học quá buổi quy định, Huỳnh Như lại xin ban huấn luyện của CLB cho nghỉ và sẽ tự tập riêng để duy trì thể lực.
Cô kể: "Đi học cả ngày, đến lúc về tập riêng để rèn thể lực, tôi tập không muốn nổi. Nhưng cứ nghĩ đến tương lai sau này, tôi tự nhủ phải cố gắng".
Mọi thứ chỉ trở nên ổn hơn với Huỳnh Như ở năm thứ hai, khi bắt đầu chọn môn để học và thi. Nhưng điều đó cũng không ngăn được việc cô bị cấm thi hoặc không tham dự được kỳ thi khi đang bận tập trung đội tuyển.
"Các thầy cô cũng hiểu và tạo điều kiện cho tôi được thi nếu nghỉ quá số tiết quy định. Nhưng cũng có vài môn không thể xin được. Thế là số môn nợ cứ càng tăng lên theo năm.
Học ở đại học sư phạm thì không tốn học phí nhưng học kỳ nào tôi cũng phải đóng tiền nợ tín chỉ. Có khi phải đến hơn 1 triệu cho một môn học lại, xót tiền nhưng biết sao bây giờ", Huỳnh Như cười.
Thủ môn Kim Thanh cũng thế. Bận bịu tập trung đội tuyển nên cô cũng nợ nhiều môn sau khi trúng tuyển vào trường năm 2017. Thậm chí, Kim Thanh còn chưa có thời gian thực hiện chuyến đi thực tập lần 1 ở năm nhất theo quy định của trường dù đã bước sang năm thứ 3.
Rụt rè khi nói về chuyện học nhưng khi nói về trận chung kết với Thái Lan, mắt Kim Thanh sáng lên: "Trong trận hòa Thái Lan 1-1 ở vòng bảng, tôi ra hơi trễ và không thể ngăn Taneekarn Dangda đánh đầu ghi bàn gỡ hòa. Nhưng lần này, tôi đã rút kinh nghiệm và sẽ chiến đấu hết mình để đưa đội tuyển nữ Việt Nam giành chiến thắng".
Lại tiếp tục chuỗi ngày vắng học
Dù vắng học thường xuyên nhưng Huỳnh Như và Kim Thanh vẫn luôn nhận được sự quan tâm của thầy cô và bạn bè trong lớp. Khi thi đấu ở SEA Games 30, các bạn trong lớp vẫn nhắn tin chúc cả hai thi đấu tốt để đem vinh quang về cho đất nước.
Sau SEA Games 30, tuyển nữ Việt Nam dự kiến nghỉ ngơi một tuần trước khi tập trung trở lại cho vòng loại thứ 3 Olympic Tokyo 2020 tại Hàn Quốc vào tháng 2. Và như thế, các cầu thủ nữ lại tiếp tục chuỗi ngày vắng học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận