16/07/2013 12:55 GMT+7

Gian nan chẩn bệnh cho tôm

QUANG THÁI
QUANG THÁI

TTCT - Hơn 400 người đại diện các tỉnh duyên hải từ Thừa Thiên - Huế đến Kiên Giang và một số tỉnh phía Bắc đã đến nghe báo cáo nguyên nhân hội chứng chết sớm (Early Mortality Syndrome - EMS) ở tôm tổ chức tại ĐH Nông lâm TP.HCM cuối tháng 6 vừa qua.

Sự quan tâm của họ có thể giải thích bởi thông tin tìm ra nguyên nhân của dịch bệnh gây thiệt hại nặng trong những năm qua.

G2tyDDdy.jpgPhóng to
Tôm thẻ chân trắng được gây bệnh trong điều kiện thí nghiệm: bao tử và ruột giữa trống, gan tụy bị teo nhỏ

“Từ vài năm nay, ngành nuôi tôm ở Việt Nam và trong khu vực chưa bao giờ sôi động như hiện nay” - một giám đốc người Thái Lan đầu tư sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam nhận xét. Sự sôi động này, theo ông, xuất phát từ việc EMS gây tác hại trong thời gian dài.

Hàng tỉ USD thiệt hại

Từ năm 2009 đến nay, ngành nuôi tôm ở Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và một phần nam Trung Quốc đã bị thiệt hại chưa từng thấy do EMS ở tôm. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hội chứng hoại tử gan tụy (AHPNS) do bệnh làm gan tụy của tôm bị teo nhỏ và xuất hiện các đốm đen trong vòng 45 ngày đầu sau khi thả tôm.

Theo TS George Chamberlain - chủ tịch Liên minh nuôi thủy sản toàn cầu (GAA), EMS gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm cho ngành công nghiệp tôm thế giới. Riêng đối với Thái Lan, Malaysia và miền nam Trung Quốc, có đến hơn 80% các trại tôm bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, thống kê về thiệt hại của Tổng cục Thủy sản và các tỉnh có dịch EMS tính từ năm 2010 đến 2012 có thể vượt 10.000 tỉ đồng, đó là chưa tính tác động gián tiếp đến những ngành công nghiệp liên quan như chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản, lao động ngành thủy sản... Lo ngại việc lây lan của EMS, nhiều cơ quan nghiên cứu đã ráo riết vào cuộc.

Đầu năm 2013, nhóm nghiên cứu của phòng nghiên cứu bệnh học thủy sản Trường ĐH Arizona (UAZ-APL) đã xác định được nguyên nhân mầm bệnh từ một dòng đặc biệt của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. “Từ nay, chúng tôi không gọi hoại tử gan tụy là hội chứng nữa mà gọi là bệnh (AHPND)” - ông Trần Hữu Lộc (*) cho biết.

Y0ZF5zVZ.jpgPhóng to
Hai con tôm thẻ chân trắng thu từ một ao nuôi: tôm bên trái có bệnh AHPND với bao tử và ruột giữa trống, gan tụy mất màu và teo nhỏ; tôm bên phải bình thường

Ba năm thực địa và phân tích chuyên sâu

Nhóm của UAZ-APL đi thực địa lần đầu vào tháng 6-2011, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam và Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE), để thu thập thông tin và mẫu vật cần thiết cho các nghiên cứu, qua đó loại trừ các khả năng gây bệnh bởi độc tố nấm mốc, thuốc diệt giáp xác trong ao và mầm bệnh truyền nhiễm do virút và ký sinh trùng. Tháng 12-2011 và tháng 6-2012, nhóm đi thu mẫu thực địa tại các vùng dịch ở các tỉnh duyên hải Việt Nam, tập trung ở vùng dịch đồng bằng sông Cửu Long.

“Tôi trực tiếp thực hiện các nghiên cứu về tảo học, độc chất học môi trường và các thí nghiệm gây nhiễm tại vùng dịch. Dựa vào các kết quả nghiên cứu của tháng 6-2012 và các phân tích chuyên sâu về mô bệnh học, chúng tôi kết luận bản chất của AHPND là bệnh lây và có khả năng liên quan đến hệ vi khuẩn đường ruột. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành các thí nghiệm kế tiếp vào tháng 12-2012 tại Việt Nam, tập trung vào hệ vi sinh đường ruột của tôm và đem mẫu vật về Mỹ để phân tích chuyên sâu” - ông Lộc kể.

Đến tháng 2-2013, nhóm xác định được mầm bệnh là do dòng đặc biệt của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Sau nhiều kiểm chứng, nhóm quyết định công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành bệnh học thủy sản, đồng thời thông báo kết quả cho các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT Việt Nam, các đồng nghiệp tại Việt Nam, các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới và truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng tại đó vì mối quan tâm của người nuôi tôm là làm cách nào ngăn chặn hoặc hạn chế dịch bệnh.

Cá rô phi - “hợp đồng bảo hiểm”

Đó là cách ví von của GS Kevin Fitzsimmons khi đánh giá tác dụng của cá rô phi nuôi trong ao tôm tại buổi báo cáo. “Tháng 6-2012, nhân chuyến công tác tại Việt Nam, GS Kevin Fitzsimmons và tôi đã tranh thủ tổ chức hai hội thảo tại ĐH Nông lâm TP.HCM và tại Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) về tác dụng của cá rô phi trong nuôi tôm. Khá nhiều nông dân áp dụng những điều chúng tôi hướng dẫn và cho biết kết quả khả quan” - ông Lộc cho biết thêm.

Ecuador, Thái Lan, Philippines và Indonesia rất có kinh nghiệm về việc đưa cá rô phi vào hệ thống nuôi tôm thành công. Cá rô phi có thể được nuôi trong ao lắng, trong lồng lưới ao nuôi hoặc thả trong ao nuôi với mật độ thưa, cũng như luân canh tôm - cá rô phi. Có nhiều bằng chứng khoa học và thực nghiệm cho thấy cá rô phi làm tốt hệ sinh thái ao nuôi tôm bằng cách thúc đẩy các dòng tảo tốt trong ao, các nhóm vi sinh không gây hại cho tôm và đồng thời kìm hãm các nhóm vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài ra, màu nước cũng như các chỉ tiêu môi trường của ao tôm, đặc biệt là độ pH, đạt độ ổn định cao hơn nhờ chất thải từ tôm được cá dọn sạch và quần thể tảo được duy trì ở mức độ cân bằng.

“Tuy nhiên, có một số vấn đề về kỹ thuật như việc cá rô phi cạnh tranh thức ăn của tôm, cũng như khi kích cỡ và mật độ cá rô phi không hợp lý thì cá có thể ăn tôm nhỏ và gây xáo động cho tôm. Chúng tôi đang nghiên cứu điều chỉnh làm sao để khắc phục các vấn đề kỹ thuật này và cũng để phù hợp điều kiện canh tác tại Việt Nam” - ông Lộc lưu ý và không quên nhắc rằng đây không phải là giải pháp chữa bệnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu để phân tích xem cơ chế cá rô phi trong ao có thể khống chế hoặc hạn chế bệnh AHPND trên tôm như thế nào” - ông Lộc nói.

rRTkKf1v.jpgPhóng to
Ông Trần Hữu Lộc (phải) cùng GS Donald Lightner trong lần thu mẫu tôm tại Sóc Trăng - Ảnh nhân vật cung cấp

Còn nhiều nghiên cứu sắp tới

Như một thói quen, khi thủy sản bị nhiễm bệnh thì người nuôi dùng kháng sinh để hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều người nhận ra rằng kháng sinh nhanh chóng mất tác dụng ở các vụ nuôi sau, tức vi khuẩn gây bệnh nhanh chóng phát triển cơ chế kháng kháng sinh.

Khi được hỏi về điểm này, ông Lộc lưu ý rằng quỹ các loại kháng sinh có thể được dùng trong thủy sản có giới hạn và việc sử dụng phải dựa trên cơ sở hiểu biết và kết quả kháng sinh đồ. Việc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ ảnh hưởng đến mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam và phản ứng của các nước nhập khẩu tôm do lo ngại dư lượng kháng sinh.

Theo ông Lộc, điều cần nhất là làm sao có được phương pháp PCR - Polymerase Chain Reaction, một kỹ thuật phổ biến trong sinh học phân tử nhằm khuếch đại (tạo ra nhiều bản sao) một đoạn ADN mà không cần sử dụng các sinh vật sống - giúp chẩn đoán nhanh và chính xác, cũng như kết hợp các phương pháp sinh hóa.

Để phát hiện dòng vi khuẩn gây bệnh là hết sức khó khăn vì trong tôm bệnh có thể tìm thấy nhiều dòng vi khuẩn cùng loài Vibrio parahaemolyticus không gây bệnh. Hai hướng nghiên cứu quan trọng khác là tìm hiểu cơ chế vi khuẩn hình thành độc lực và phương pháp khống chế bệnh. Việc khống chế AHPND phải dựa trên cơ sở hiểu biết và phòng ngừa rủi ro tổng hợp, cũng như có phương pháp điều trị nếu cần nhưng phải đúng thuốc, đủ liều và đúng thời điểm.

Nhận xét về công trình nghiên cứu xác định nguyên nhân EMS, GS Kevin Fitzsimmons cho biết: “Không chỉ đóng vai trò chủ lực trong việc phát hiện nguyên nhân chính xác của dịch bệnh, anh Lộc còn là tác giả chính trong những công bố được cộng đồng khoa học thừa nhận.

Ngoài ra, anh ấy còn đóng góp nhiều vào việc thông tin đến cộng đồng nuôi tôm qua các bài báo, báo cáo và hội thảo. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu khác cũng đang chạy đua tái lập và khẳng định kết quả nghiên cứu của anh Lộc và tiếp tục triển khai các phương pháp kiểm soát dịch bệnh”.

“Có thể nói lịch sử của ngành nuôi tôm được viết bởi sự xuất hiện của các dịch bệnh gây thiệt hại lớn, chẳng hạn dịch bệnh do virút gây hoại tử cơ quan dưới da và cơ quan tạo máu (IHHNV) vào đầu những năm 1980 khiến người nuôi tôm ở châu Mỹ chuyển từ con tôm xanh Thái Bình Dương (Penaeus stylirostris) sang tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei). Đầu những năm 1990, đến lượt dịch bệnh đốm trắng do virút WSSV ở châu Á, sau đó lan nhanh khắp thế giới.

Đầu những năm 2000 lại xuất hiện dịch bệnh do virút hội chứng Taura (TSV) ở châu Mỹ và gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi tôm thẻ chân trắng thế giới, rồi dịch bệnh do virút gây hoại tử cơ (IMNV) xuất hiện ở Brazil và bằng cách nào đó đã lây sang Indonesia. Từ năm 2009 đến nay, bệnh EMS hay AHPND thật sự là mối quan ngại lớn nhất của ngành nuôi tôm thế giới” - ông Trần Hữu Lộc.

___________

(*): Ông Trần Hữu Lộc, giảng viên khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, vừa hoàn tất nội dung chương trình tiến sĩ bệnh học thủy sản tại Trường ĐH Arizona (Mỹ) dưới sự hướng dẫn của hai chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực bệnh tôm và thủy sản là GS Donald Lightner và GS Kevin Fitzsimmons.

QUANG THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp