22/08/2021 10:47 GMT+7

Gian nan bầu bì, 'vượt cạn' mùa dịch - Kỳ cuối: Cuộc 'vượt cạn' tử - sinh

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Sản phụ bị nhiễm COVID-19 ở Lai Vung (Đồng Tháp) được đưa đến Cần Thơ khi sức khỏe đã nguy kịch. Thế rồi, phép mầu xuất hiện, các bác sĩ quyết tâm giành giật sự sống của hai mẹ con từ tay tử thần.

Gian nan bầu bì, vượt cạn mùa dịch - Kỳ cuối: Cuộc vượt cạn tử - sinh - Ảnh 1.

Ca mổ cứu lấy sự sống của mẹ con chị Huyền - Ảnh: BVCC

Những người ơn chưa biết mặt

"Đến giờ em không biết nói sao cho vừa ơn bác sĩ đã cứu vợ con em trong cơn thập tử nhất sinh" - người chồng trẻ xúc động chia sẻ kiếp nạn gia đình anh vừa trải. Những người mà anh nhắc đến với lòng biết ơn đó, đến giờ anh cũng không hề biết mặt.

Mới nửa tháng trước, gia đình vợ chồng Đặng Tuấn Anh và Ngô Thị Ngọc Huyền ở Lai Vung, Đồng Tháp tưởng đã rơi vào bi kịch. "Đùng một cái cả nhà em nhiễm bệnh. Mẹ, vợ chồng em... cả 7 người phải đi cách ly, trị bệnh" - Tuấn Anh kể. Nguy hiểm nhất, trong đó có vợ anh đang mang thai đứa con cận kề ngày sinh. Anh chỉ biết cầu mong ơn trên phù hộ cho vợ con được qua khỏi kiếp nạn.

Trong khu cách ly, anh được báo tin bệnh tình của vợ và con trong bụng chuyển biến xấu. Bệnh viện Sa Đéc phải chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ (BVĐKT.Ư CT) để có điều kiện cứu chữa. Chiều 24-7, xe cấp cứu từ Sa Đéc chuyển BVĐKT.Ư CT một ca bệnh rất khó, bệnh nhân là thai phụ được tuyến trước chẩn đoán: Nhiễm SARS-CoV-2 suy hô hấp tiến triển nhanh, viêm phổi nặng, thai 34 tuần đang thở máy. Tình trạng rất nguy kịch cả mẹ và con.

"Dù còn một tia hy vọng cũng phải cứu cho bệnh nhân" - bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong, phó giám đốc phụ trách chuyên môn BVĐKT.Ư CT, chia sẻ. Đây là ca bệnh đầu tiên thai phụ bị nhiễm COVID-19 được đưa đến bệnh viện trong nguy kịch. Một thử thách không hề nhỏ với quyết tâm cứu người của các y bác sĩ ở đây.

Tuy nhiên, với các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì có nhiều kinh nghiệm cứu chữa các ca tương tự. Vì vậy, các bác sĩ ở Cần Thơ đã nhanh chóng đề nghị hỗ trợ từ các bác sĩ ở TP.HCM và được nhiệt tình chấp nhận. Bác sĩ CK2 Dương Thiện Phước, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc BVĐKT.Ư CT, nhớ lại Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử bác sĩ Phan Thị Xuân, trưởng khoa hồi sức tích cực, tham gia từ xa để cứu mẹ con chị Huyền.

Gian nan bầu bì, vượt cạn mùa dịch - Kỳ cuối: Cuộc vượt cạn tử - sinh - Ảnh 2.

Gia đình nhỏ của Ngọc Huyền - Tuấn Anh sau khi được cứu khỏi bạo bệnh, mẹ tròn con vuông - Ảnh: GĐCC

Nỗ lực của bác sĩ hai bệnh viện

Sau khi tiến hành hội chẩn trực tuyến giữa nhiều chuyên khoa của BVĐKT.Ư CT với Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai để cứu con và cũng để giảm áp lực lên hệ hô hấp của mẹ. "Vừa mổ lấy thai, đội ngũ y tế phải vừa thực hiện chặt chẽ quy định của Bộ Y tế về phòng chống lây nhiễm chéo COVID-19. Bởi chính bệnh nhân mà chúng tôi tiếp xúc là nguồn lây" - một bác sĩ trong êkip mổ hôm ấy chia sẻ.

Kết quả là bé gái nặng 2,1kg chào đời nhưng bị suy hô hấp nặng, được các bác sĩ hồi sức và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị.

Tuy nhiên, sau khi cứu được con ra ngoài, bệnh tình người mẹ diễn biến rất xấu do nhiễm COVID-19. Bệnh nhân bị tổn thương hoàn toàn cả hai phổi và rơi vào tình trạng suy hô hấp nguy kịch, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch.

Bác sĩ Phước kể lúc này bác sĩ Phong, bác sĩ Phước cùng các bác sĩ BVĐKT.Ư CT hội chuẩn trực tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định phải cấp cứu bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo, hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) mới có thể giữ được sinh mạng chị Huyền.

Bác sĩ Phước cũng tình thật rằng kỹ thuật ECMO mới được triển khai tại bệnh viện này, kế hoạch là các chuyên gia ở BV Chợ Rẫy sẽ xuống tập huấn cho các bác sĩ tại BVĐKT.Ư CT. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến nên chương trình tập huấn bị đình lại. Nhưng khi biết chỉ có thể cấp cứu bằng kỹ thuật này mới giữ được sự sống cho chị Huyền, các bác sĩ đã quyết tâm áp dụng kỹ thuật ECMO với sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy. Êkip gồm khoa bệnh nhiệt đới, khoa hồi sức tích cực - chống độc tiến hành áp dụng kỹ thuật ECMO và lọc máu liên tục với sự hỗ trợ trực tuyến của chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau 120 phút căng thẳng, phối hợp các biện pháp hồi sức để duy trì sinh mạng người bệnh, êkip đã thực hiện thành công thiết lập hệ thống ECMO, giúp bệnh nhân tạm thời thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ CK2 Dương Thiện Phước cho biết tuy qua cơn nguy kịch, nhưng bệnh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp thụ cytokines, chống đông phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng... Riêng khâu dinh dưỡng cho bệnh nhân, một lần nữa các bác sĩ ở Cần Thơ nhờ hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Vì sau phẫu thuật, nếu bệnh nhân không hấp thu được dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Chuyên gia dinh dưỡng Lưu Thị Ngân Tâm của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hỗ trợ từ xa.

Thế rồi mười ngày sau, chức năng phổi và tình trạng bệnh nhân dần bình phục, cai được ECMO và máy thở, xét nghiệm âm tính với COVID-19. Riêng cháu bé, sau khi sinh được đặt nội khí quản và chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị. Tình trạng lúc nhập viện: trẻ sinh non bị rối loạn đông máu, thiếu máu, viêm phổi nặng, suy hô hấp. Sau 10 ngày được các bác sĩ tận tình điều trị và chăm sóc, sức khỏe của bé đã ổn định (đã ngưng thở máy), không cần hỗ trợ hô hấp, bú tốt.

Từ khu cách ly ở Đồng Tháp, nghe tin vợ con thoát khỏi tử thần và đã bình phục, anh chồng trẻ Tuấn Anh không cầm được nước mắt. "Ơn bác sĩ cứu mẹ cứu con sánh bằng ơn tái sinh", dù rằng anh không hề được biết mặt những ân nhân của mình.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong chia sẻ: "Đây không chỉ là niềm vui của gia đình, mà còn là niềm vui của cả êkip, của bệnh viện. Cứu được thai phụ, bệnh nhân nặng đầu tiên, chúng tôi tự tin sẽ cứu chữa được cho những bệnh nhân tiếp theo". Ông cũng gửi lời cảm ơn chân tình đến các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tận tâm hỗ trợ từ xa.

Trở lại gia đình nhỏ của Ngọc Huyền - Tuấn Anh, họ đã đặt tên con mình là Khánh Vy như niềm vui có được khi vượt qua đại dịch "Côvy".

Bác sĩ nỗ lực 200, 300%

Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Lữ Thị Khánh Phương, chuyên khoa 1 về gây mê hồi sức Bệnh viện Hùng Vương, cho biết đối với những ca F0 nặng, các y bác sĩ đều nỗ lực 200, 300% để chạy đua với tử thần. "Và những ca không qua được, tôi sẽ nhớ nhiều hơn những ca đã khỏi" - bác sĩ Phương xúc động nhớ lại một trường hợp sản phụ F0 không qua khỏi cách đây không lâu, đó là một hộ lý trẻ của bệnh viện, đang mang thai con đầu lòng.

"Ca này tôi không nằm trong êkip tham gia cứu chữa vì những ngày em ấy mổ và trở nặng, tôi được phân công nhiệm vụ ở vị trí khác, đêm em ấy mất thì tôi được nghỉ ở nhà. Nhưng đây là ca bệnh tôi đau lòng nhất. Em ấy có bầu gần ngày sanh, vẫn đi làm vì bệnh viện thiếu người do nhiều đồng nghiệp đã bị nhiễm và đi cách ly. Bụng bầu to khó thở mà phải mặc đồ phòng hộ trong áp lực những ngày này nữa.

Khi nhiễm COVID-19 vào nằm tại khoa K1, phải mổ bắt con gấp vì mẹ suy hô hấp. Hai ngày sau mổ thì tình trạng tiến triển tệ hơn, thở máy và ngưng tim. Em được chuyển qua khu hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Bệnh viện dã chiến số 16) để tiếp tục cứu chữa thì ngưng tim lần hai khi vừa đến cổng bệnh viện" - bác sĩ Phương ngậm ngùi kể.

DIỆU QUÍ

Gian nan bầu bì, Gian nan bầu bì, 'vượt cạn' mùa dịch - Kỳ 4: 'Vượt cạn' giữa bão dịch

TTO - Sinh đẻ ngay thời điểm dịch bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, nhiều sản phụ lo lắng đủ thứ. Đặc biệt là các mẹ bầu không may mắc COVID-19 thì muôn vàn khó khăn, vừa phải cách ly điều trị, vừa giữ an toàn cho thai, đợi ngày em bé ra đời.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp