Sản phụ Chàng Thị Xe và con đã được giúp đỡ kịp thời trong nhà trọ cách ly - Ảnh: TÂM LÊ
Các thai phụ là công nhân, người lao động tự do đơn thân xa nhà, kể cả người vô gia cư đến kỳ sinh nở lại đúng những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Nhiều người sinh con khi trong túi đã cạn tiền, khó càng khó. Nhưng cũng có người gặp may được nhà hảo tâm giúp đỡ mẹ tròn con vuông.
"Có khu trọ 600 công nhân thì tới 20 sản phụ vừa sinh con, còn nhiều công nhân khác mang bầu sắp đến ngày sinh. Có nữ công nhân là mẹ đơn thân tuổi đời còn non trẻ không biết cách nào xoay xở.
Chị Ngô Ngọc Tân
Nhà chỉ còn 2kg gạo
Nếu dịch không bùng phát ở Khu công nghiệp (KCN) Khắc Niệm, tỉnh Bắc Ninh, thì vợ chồng công nhân Giàng A Phùa và Chàng Thị Xe đã đón đứa con thứ hai trong điều kiện tốt hơn. Chắc chắn họ không phải ở khu cách ly với túi rỗng và còn chưa đầy... 2kg gạo trong phòng trọ.
"Vợ đến tháng nghỉ sinh thì dịch cũng xảy ra nên bọn tôi đều phải nghỉ, lương chưa có mà trong túi chỉ còn mấy trăm nghìn. Tôi lo lắm!" - A Phùa nhớ lại thời điểm khó khăn nhất của vợ chồng.
Còn đúng 600.000 đồng, họ phải dè sẻn mua 2-3 bộ quần áo sơ sinh rẻ tiền cho con. Sau đó còn chút tiền xe đưa vợ vào viện, rồi tiền viện phí, mua thức ăn cho vợ sau sinh.
Ngày vợ trở dạ, Phùa chạy đôn đáo hỏi xe, chủ nhà trọ hiểu tình cảnh đã cho vợ chồng Phùa 500.000 đồng. Phùa gọi được xe đưa vợ đến trạm xá, y tá trực ở đây lại cho thêm 500.000 đồng nữa để anh đưa vợ lên bệnh viện.
Vừa nhập viện được vài tiếng thì vợ Phùa lên bàn sinh, sinh thường, may mắn mẹ tròn con vuông. Vợ chồng Phùa không có tiền ở lại bệnh viện lâu hơn, nên sáng hôm sau xin xuất viện về lại phòng trọ. Phùa lo nhất vợ không đủ ăn sẽ không có sữa cho con bú. Trong khi cả dãy trọ bị phong tỏa, không ai được phép tiếp xúc với ai, hàng quán đóng cửa.
"Nghĩ đến lúc vợ không có gì để ăn, con không có sữa để bú tôi sợ lắm. Bố mẹ trên quê đều khó khăn, xa xôi, lại đường sá phong tỏa nên không ai giúp được".
Phùa và vợ đều sinh năm 2000, quê ở Sìn Hồ, Lai Châu. Vợ chồng gửi con cho ngoại rồi đèo nhau xuống Bắc Ninh làm công nhân mới được 3 tháng. Tháng đầu tiên Phùa bị tai nạn xe máy, phải ở nhà mất hơn một tháng không đi làm. Vợ Phùa cũng mới làm được hơn một tháng thì nghỉ sinh. Cả hai đều làm công nhân thời vụ, ngày nào tính lương ngày đó, không được hưởng chế độ khác.
Ngày thứ 3 sau sinh, vợ chồng Phùa gặp được chị Ngô Ngọc Tân, nhà hảo tâm đang cứu trợ công nhân và bà con vùng dịch. "Chị Tân giúp bọn em nhiều lắm, sắm đồ cho bé và đồ ăn cho cả nhà. May nhà em gặp được chị ấy, không thì chưa biết sống thế nào" - Phùa xúc động kể.
Chúng tôi điện thoại cho chị Tân, chị nhớ ngay ra hoàn cảnh vợ chồng Phùa. Chị gửi cho chúng tôi hình đi mua bỉm sữa, tay xách nách mang giấy vệ sinh, áo quần cho mẹ và bé, rồi khăn tắm, gối chăn, màn chụp cho trẻ, thuốc bổ, thuốc dự phòng ốm sốt.
"Ngày tôi đến phòng trọ chứng kiến bà đẻ mà chỉ mặc độc bộ quần áo cộc, bé con thì nằm khóc ré trong vỏ chăn cũ nát. Tôi đã lấy quỹ hỗ trợ mua sắm một loạt đồ, thức ăn thì cứ vài ngày tôi lại tiếp tế ruốc, thịt" - chị Tân nhớ lại.
Thời gian hỗ trợ tại hai điểm nóng vùng dịch ở KCN Bắc Giang và Bắc Ninh, chị Tân kể những gì mình chứng kiến: "Công nhân ở tuổi sinh đẻ nhiều, phần lớn đều hoàn cảnh khó khăn, đi làm xa gia đình, sinh nở lại đúng đợt cách ly dài ngày nên càng thiếu thốn, thương lắm! Chúng tôi cố tập trung giúp người già, trẻ nhỏ và công nhân mang bầu, sinh nở, ở cữ".
Sản phụ Phan Thị Hằng vừa "vượt cạn" khó khăn vì dịch giã - Ảnh: TÂM LÊ
Một mình vượt cạn
Trong xóm trọ nhỏ ở Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh, ai cũng từng giúp đỡ mẹ con chị Phan Thị Hằng ít nhất một vài lần, mỗi lần 100.000-200.000 đồng cho 3 mẹ con đỡ đói. Chị Hằng một mình vượt cạn, sinh mổ và trải qua thập tử nhất sinh ở bệnh viện. Chị bị dị ứng sau mổ, hôn mê nhiều giờ mới tỉnh, bác sĩ tiên đoán bệnh nguy hiểm. May mắn chị đã vượt qua để về nhà, mẹ con đã tạm ổn sức khỏe.
Cô con gái đầu 4 tuổi ở phòng trọ vẫn còn bám riết lấy mẹ, ngoài ra chị Hằng không có người thân nào bên cạnh lúc cần nhất này. Hai vợ chồng chị đã ly hôn từ nhiều tháng trước, chị đưa theo con gái từ quê Ninh Bình ra Bắc Ninh để kiếm kế sinh nhai.
`Hơn hai tháng qua, chị Hằng phải nghỉ việc vì quán spa chị làm đóng cửa do dịch bệnh. Để chuẩn bị tiền sinh, chị bán đi chiếc xe máy là tài sản duy nhất có giá trị và cũng là phương tiện để chị kiếm miếng ăn. Chiếc xe bán được hơn 20 triệu thì chị mổ sinh mất 22,5 triệu đồng.
"Cũng may tôi được mấy chị em ở xóm mỗi người vừa cho vay, vừa giúp đỡ vài trăm nghìn. Cô chủ nhà giảm tiền phòng trọ, tôi chỉ lo sắp tới làm sao có tiền nuôi con mà việc làm vẫn chưa có" - Hằng nghẹn giọng.
Thời gian giãn cách, xóm trọ của chị cũng được nhà hảo tâm giúp đỡ, nhưng khó khăn phía trước còn dài với mẹ con chị Hằng.
Một trường hợp khác, sản phụ là người vô gia cư trên đường phố Hà Nội cũng rơi vào cảnh khó khi quy định giãn cách nghiêm ngặt hơn. Ngày 24-7, tại khu xóm trọ của người vô gia cư và lao động tự do ở ven sông Hồng (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Bùi Đoàn Công, một nhân viên của Tổ chức Rồng Xanh, đã trực tiếp đỡ đẻ cho một sản phụ ngay tại nhà trọ trước khi xe cấp cứu tới.
"Lần đầu tiên trong đời tôi đón một sinh linh bé nhỏ chào đời trên tay mình, cảm xúc vẫn còn lâng lâng" - Công bày tỏ. Sản phụ mà Công giúp là một người mẹ đơn thân, sống trên đường phố cùng hai con gái nhỏ. Ba mẹ con mới được tổ chức của Công thuê cho một phòng trọ nhỏ để tá túc, hỗ trợ gạo và một ít chi phí để bớt khó khăn mùa dịch.
Lần sinh hạ này, nếu không có Công hỗ trợ kịp thời, có thể hai mẹ con đã lâm nguy. "Nghe cuộc gọi gấp, chừng hơn 10 phút sau tôi chạy xe đến nhà trọ. Trước mắt tôi là cảnh người mẹ đang quằn quại đau đớn, còn phía ngoài vài người dân đứng từ xa nhìn vào.
Có lẽ vì dịch bệnh nên ai cũng e ngại không vào hỗ trợ được. Nhưng đến khi nghe tiếng trẻ con khóc thì tôi không cầm được, tôi lao vào chỗ người mẹ thì thấy đầu của đứa bé đã chạm sát đất. Tôi dùng hai tay đỡ lấy bé, hai chân bé dần ra ngoài hết thì quấn bé ngay vào trong chăn.
Người mẹ mệt lả, dây rốn vẫn kéo dài ra ngoài. Rất may xe cứu thương tới kịp, một nhân viên nữ của chúng tôi cũng đến giúp. Bây giờ cả hai mẹ con đã khỏe mạnh" - Công kể và cho biết không phải sản phụ vô gia cư nào cũng gặp may.
Trước đó tổ chức của Công đã gặp và giúp đỡ sản phụ hai lần sinh con mà con đều mất do không đủ điều kiện sinh nở. "Trong thời điểm dịch bệnh, sản phụ vô gia cư càng gặp khó khăn hơn nếu không may mắn gặp được người giúp" - Công lo lắng.
Việc sinh hạ vốn dễ chẳng dễ dàng, mùa dịch càng gây nhiều khó khăn cho sản phụ. Sự giúp đỡ họ trong mùa dịch để mẹ tròn con vuông là thật sự cần thiết và ý nghĩa.
********
Vì nhiễm bệnh, nhiều sản phụ F0 sinh con không có người thân bên cạnh. Nhưng họ không cô đơn, các bác sĩ chính là người thân của họ.
>> Kỳ 2: Những người mẹ thứ hai
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận