24/06/2019 13:34 GMT+7

Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Chưa bao giờ có một vụ gian lận thi phức tạp, bí ẩn, bất ngờ kéo dài từ kỳ thi năm trước đến sát kỳ thi năm nay như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Nhìn lại vụ gian lận này để có bài học sâu sắc cho kỳ thi năm nay và các kỳ thi kế tiếp...

Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - kiểm tra chấm thi ở Hòa Bình - Ảnh: V.HÀ

Gần một năm rồi, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy hóa học online Trung tâm Học mãi (Hà Nội), vẫn cảm thấy áp lực đè nặng khi lên tiếng về vụ gian lận đó. Anh cũng không hình dung được quy mô lớn chưa từng có của nó trong lịch sử.

11 thí sinh trong tốp đầu e dè báo chí

Hiếm có năm nào dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT thông tin rộng rãi như năm 2018. Và những thí sinh có mức điểm khủng càng được chú ý hơn khi đó là năm điểm thi tụt rất mạnh do độ khó của đề thi được đẩy lên cao.

Ngày 11-7, khi điểm thi được công bố, tốp 11 thí sinh đứng đầu về điểm thi được Bộ GD-ĐT cung cấp cho báo chí. Ngay lập tức, thông tin này được rất nhiều người quan tâm. Báo nào cũng muốn đăng bài về những gương mặt tiêu biểu này. 

Nhưng trong số đó, chỉ có một thí sinh là học sinh chuyên THPT Hùng Vương, Phú Thọ cởi mở trò chuyện với phóng viên qua điện thoại. Còn các thí sinh ở Sơn La, Hà Giang lại e dè một cách khó hiểu. 

Gọi cho một thí sinh trong tốp 11 ở Sơn La, em này bắt máy, nhưng khi nghe giới thiệu phóng viên Tuổi Trẻ muốn phỏng vấn thì vội ngắt điện thoại.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc kể: "Là giáo viên dạy học online, tôi có từ 6.000-10.000 học sinh và thường xuyên tương tác với các em. Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi, tôi cũng rất hồi hộp về kết quả thi của học sinh. Và đương nhiên tôi chú ý tới thông tin báo chí đưa về tốp 11 thí sinh điểm cao. 

Cộng đồng mạng và cả báo chí khi đó đều tìm cách truy cập vào Facebook của các thí sinh này và tôi cũng bị cuốn theo. Facebook của thí sinh ở Phú Thọ có điểm 10 toán thì hiển thị rất nhiều lời chúc mừng vui vẻ nhưng Facebook của những thí sinh ở Sơn La, Hà Giang trong tốp 11 này lại im lìm". 

Trên mạng khi đó cũng xuất hiện những bình luận giễu cợt, hoặc để những icon giận dữ khi nhắc đến các "thủ khoa" Hà Giang, Sơn La.

"Có học sinh của tôi học cùng lớp, cùng trường với một thí sinh trong tốp 11 đã kể rằng học sinh đó học kém, không thể đạt mức điểm cao đến thế. Một em khác còn khẳng định "thấy bạn ấy ngủ trong phòng thi vì không làm được bài". Tôi cảm thấy những chia sẻ của các em ấy chân thành, không hề đố kỵ. Nhưng tôi không tin ngay vào điều các em ấy nói. Đó chỉ là thông tin ban đầu để tôi nghĩ đến việc phân tích dữ liệu điểm thi xem có gì bất thường không" - thầy Khắc Ngọc kể.

Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu - Ảnh 2.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - Ảnh V. HÀ

Những người ở các tỉnh miền núi phía Bắc tự ái nói rằng tại sao không cho Hà Giang, Sơn La cơ hội được có điểm cao? Nhiều ý kiến cho rằng chúng tôi dìm hàng thí sinh các vùng núi phía Bắc.

Thầy Vũ Khắc Ngọc

Đến hợp đồng tác chiến để lật tẩy sự thật...

Thời điểm tháng 7-2018, trên các báo đăng tải các tốp 50, tốp 100 thí sinh có điểm cao, có tổ hợp xét tuyển các khối thi cao nhất. Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, đó là căn cứ thứ hai (sau tốp 11 thí sinh) khiến anh để tâm.

Thầy Ngọc kể: "Với kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh nhiều năm, tôi biết thường các em học sinh chỉ tập trung ôn tập và đăng ký một tổ hợp xét tuyển và dùng tổ hợp đó cho nhiều nguyện vọng tuyển sinh đại học. Vì thế điểm cao chỉ tập trung ở những môn sử dụng để xét tuyển. 

Nhưng tôi lại phát hiện một số thí sinh trong tốp điểm ở Hà Giang, Sơn La có mức điểm rất cao ở nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Có thí sinh đạt điểm 9-10 ở cả các môn tự nhiên và xã hội. Nhìn vào điểm thi thì tỉ lệ thí sinh có điểm cao ở mấy tỉnh miền núi lại vọt lên quá nhiều so với cả nước và so với các thành phố lớn".

Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu - Ảnh 4.

Những nghi vấn được thầy Ngọc chia sẻ và trên trang fanpage, nhiều học sinh của thầy đã bày tỏ hoài nghi, bất bình. Ngay sau đó trang này bị đánh sập. Sự cố này càng khiến nghi vấn của thầy Ngọc có cơ sở. 

Một số thầy giáo dạy online nổi tiếng trong thời điểm đó cũng nhận được các phản hồi tương tự từ học sinh các tỉnh, đặc biệt là học sinh ở chính các tỉnh Hà Giang, Sơn La. Đa phần phủ nhận kết quả cao ngất của một số thí sinh đứng đầu ở các tỉnh này vì cho rằng không thực chất.

Thầy Vũ Khắc Ngọc không phải người duy nhất lên tiếng về "điểm thi bất thường" mà còn một số giáo viên khác với sự hợp tác của nhiều tờ báo khi đăng tải liên tiếp các dữ liệu phân tích điểm thi, so sánh dữ liệu điểm của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình với các địa phương có điều kiện dạy và học tốt hơn như Nam Định, Hà Nam, TP.HCM, Hà Nội.

Cùng có tiếng nói trên cộng đồng mạng khi đó là thầy Nguyễn Thanh Tùng (Trung tâm Học mãi), thầy Mạnh Tùng (Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội). Theo thầy Ngọc, đằng sau những thầy giáo lên tiếng trên báo chí và cộng đồng mạng còn nhiều đồng nghiệp của các anh. Họ lặng lẽ làm công việc thống kê để có căn cứ suy đoán, với mong muốn các cơ quan chức năng phải xem xét lại kết quả.

"Khi quyết làm thì phải phân tích phổ điểm dựa trên nguồn dữ liệu lớn chứ không thể dựa vào điểm thi một số cá nhân. Chúng tôi chia nhau để làm và công bố dần trên mạng. Càng làm thì càng thấy lộ rõ những điểm bất thường", thầy Ngọc kể.

Sau khi fanpage bị đánh sập, Facebook của thầy Ngọc cũng bị hack. Ngay trong cộng đồng mạng cũng có nhiều phản hồi trái chiều, những tin nhắn đe dọa. "Nhưng những thông tin trái chiều đó càng thôi thúc chúng tôi phải tiếp tục đưa ra những bằng chứng tin cậy" - thầy Ngọc kể lại.

Áp lực đi tới cùng

Thầy Ngọc nhớ lại: "Tôi trở thành người hùng bất đắc dĩ nhưng ít ai biết thời gian đó tôi phải gỡ hết thông tin cá nhân của gia đình trên mạng vì sợ việc tôi làm ảnh hưởng đến vợ con.

Khi ấy cũng có phụ huynh ở Hà Giang có bằng chứng thực tế sẵn sàng lên tiếng. Nhưng rồi họ chọn sự im lặng vì "Hà Giang bé lắm, họ sẽ tìm ngay ra thôi".

Bất an luôn ở đâu đó, nhưng áp lực phải đi tới cùng cũng đè nặng khiến tôi không thể quay lưng".

Kỳ tới: Đi tim cây kim trong bọc

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong

TTO - Đó là những ngày tháng 7-2018. Gian lận thi cử hé mở đầu tiên tại Hà Giang khiến nơi này trở thành 'tâm bão'. Với phóng viên Tuổi Trẻ, khi đó còn có một cơn bão khác…

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gian lận thi cử
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp