Xử lý nhẹ nhàng "vì nhân văn" khó thuyết phục
* GS Đào Trọng Thi (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Có thể sẽ phải xem xét trách nhiệm hình sự
GS Đào Trọng Thi (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)
Căn cứ vào kết quả chấm thẩm định, thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chỉ có thể yêu cầu các ĐH có sinh viên trong danh sách bị hạ điểm sau chấm thẩm định rà soát. Nếu điểm thật của thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển thì phải cho ngừng học, còn nếu đủ điều kiện cũng khó có thể xử lý ngừng học thí sinh.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cơ quan điều tra không thể dừng lại mà phải tiếp tục điều tra. Cụ thể là phải xem xét từng trường hợp thí sinh để xác định ai là người đề nghị giúp nâng điểm. Việc nâng điểm nhằm mục đích vì tiền hay do người có chức, quyền gây áp lực, nhờ vả?
Trong việc này, tôi nghĩ khó có thể là thí sinh trực tiếp nhờ vả vì thí sinh không có tiền, không có quyền để tác động một việc lớn như thế.
Vì thế có thể người tác động là cha mẹ, người thân trong gia đình, họ hàng. Những người này có thể dùng tiền, hoặc lợi dụng chức quyền để tác động. Nếu là dùng tiền để tác động, có bằng chứng rõ ràng thì có thể khởi tố với tội danh đưa hối lộ, nếu dùng quyền để gây áp lực, nhờ vả thì có thể xem xét tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn...
Như vậy, việc điều tra đến cùng sẽ không phải chỉ là công bố danh tính hay không như dư luận ồn ào gần đây mà có thể sẽ phải xem xét trách nhiệm hình sự. Còn khi cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục thì chưa thể xử lý gì khác ngoài việc mà Bộ GD-ĐT đã làm sau khi có kết quả chấm thẩm định.
Gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm suy giảm niềm tin, gây hoang mang cho dư luận. Nếu thực sự những người đang giữ các chức vụ quan trọng, là cán bộ, lãnh đạo trong các lĩnh vực khác nhau ở các tỉnh có hành vi sai phạm nhằm làm sai lệch kết quả, đó là vấn đề nghiêm trọng vì như thế họ không đủ phẩm chất đạo đức, uy tín để ngồi ở các vị trí công việc, chức vụ hiện tại.
* TS Hoàng Ngọc Vinh (phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam):
Muốn lành mạnh hóa giáo dục, phải xử lý đến cùng
TS Hoàng Ngọc Vinh (phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam)
Tác động của việc năm 2018 không chỉ ở chỗ làm mất lòng tin của nhân dân vào một hệ thống giáo dục công bằng, trung thực, mà việc một số cán bộ địa phương có chức, có quyền, giàu có can dự vào đang cho thấy hành vi đi ngược lại cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Điều nguy hiểm hơn, những thí sinh được nâng điểm lọt vào những trường hàng đầu yêu cầu cao nhất về năng lực, phẩm chất sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành...
Chỉ có thể nhìn thẳng vào sự thật mà xử lý phù hợp với luật định. Phải xử lý thế nào để khẳng định đây là vụ án tham nhũng do lợi dụng chức quyền cố ý, có tổ chức. Cần công bố danh tính người mua, kẻ bán, cần truy tố đảm bảo kỷ cương luật pháp.
Nếu cán bộ đảng viên "dính" vào, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo kỷ luật Đảng. Những cán bộ trong diện quy hoạch cần sớm đưa ra ngoài danh sách quy hoạch. Những người có chức vụ nên từ chức hoặc bị cách chức.
Quy chế thi có thể chưa bao quát để đề cập cụ thể, nhưng đã là thi cử thì phải trung thực để góp phần lành mạnh hóa nền giáo dục. Nếu không cung cấp họ tên, phòng thi... thì cán bộ xử lý kết quả thi làm sao biết được ai mà sửa? Hành vi đã thực hiện, đối tượng sửa điểm, mua bán đã rõ, về cơ bản đã xử lý được rồi.
Xử lý nhẹ nhàng vì "nhân văn" khó thuyết phục được dư luận nếu nhìn đến, nghĩ đến hàng triệu thí sinh, gia đình khác.
Công an khám nhà đối tượng Nguyễn Khắc Tuấn trong vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình (ảnh chụp tháng 8-2018) - Ảnh: MẠNH HÙNG
Các hướng có thể xử lý
* Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM):
Có thể xử lý tội đưa hối lộ
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM)
Nếu phụ huynh dùng tiền bạc vật chất để hối lộ, mua điểm cho con - trực tiếp hay qua trung gian, đã đưa tiền hoặc vật chất - tức là làm theo yêu cầu của người nhận hối lộ.
Trường hợp này đã đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật hình sự (BLHS). Người nhận tiền để nâng điểm phải bị xử lý về hành vi nhận hối lộ theo điều 354 BLHS.
Nếu trong quá trình điều tra chứng minh được việc đưa và nhận thông qua môi giới hoặc trung gian thì người trung gian có thể bị xử lý về tội môi giới hối lộ theo điều 365 BLHS.
Trường hợp thứ 2, nếu "người mua" lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình gây ảnh hưởng với người khác để nâng điểm cho con em mình thì hành vi này là một dạng trục lợi và nó thuộc một trong các hành vi tham nhũng quy định tại điều 3 Luật phòng chống tham nhũng.
Tùy theo tính chất mức độ mà có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 8 nghị định 34/2011 từ nhẹ nhất là khiển trách cho đến mức buộc thôi việc và có thể bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo điều 358 BLHS.
Trong trường hợp phụ huynh không tác động nhưng người có chức vụ, quyền hạn nhận thấy đây là con của người có địa vị cao mà tự ý nâng điểm thì hậu quả pháp lý ra sao? Nếu có hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại điều 359 BLHS.
* Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TP.HCM):
Biết mà không nói là hành vi không tố giác tội phạm
Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TP.HCM)
Để có căn cứ xử lý thì người có con được nâng điểm phải có hành vi thể hiện ra bên ngoài, ví dụ như phải có sự thỏa thuận, có lời nói, hoặc hành động thể hiện ý chí của mình. Trong trường hợp họ thỏa thuận ngầm, tự hiểu ngầm với nhau để nâng điểm thì về mặt pháp lý rất khó chứng minh.
Người có con được người có chức vụ, quyền hạn tự ý nâng điểm thì chỉ có thể xử lý người nâng chứ không thể xử lý người có con được nâng điểm.
Tuy nhiên, nếu sau khi nâng điểm, người nâng nói lại cho phụ huynh đó biết về việc đã nâng điểm cho con mình, có đủ cơ sở để nhìn nhận sự việc nhưng không phản ứng gì, không báo với cơ quan chức năng thì có thể xem xét xử lý về hành vi không tố giác tội phạm.
Các trường công an trả thủ khoa "dỏm" về nhà
Cả ba trường đại học công an phía Bắc là Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh và Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy đều phải trả thủ khoa về Hòa Bình, Sơn La vì đó là... thủ khoa "dỏm".
Trước đó, số thí sinh trúng tuyển của các tỉnh này vào các trường công an là con số áp đảo, "vượt mặt" những thành phố lớn, những vùng đất học. Đến thời điểm này, đã có 28 thí sinh Hòa Bình và 25 thí sinh Sơn La được ba trường công an kể trên trả về địa phương.
Trong số các thủ khoa "dỏm" có P.T.S. - thủ khoa tổ hợp C03 Học viện An ninh nhân dân với 27,6 điểm, trong khi điểm thực chỉ là 15,45 điểm. Thí sinh này còn được nâng điểm môn ngoại ngữ từ 1,2 điểm lên 9,6 điểm. T.Q.M. - thủ khoa tổ hợp D01 Học viện An ninh nhân dân - được nâng 3 điểm, N.H.P. - thủ khoa tổ hợp C03 Học viện Cảnh sát nhân dân - được nâng 15,6 điểm.
Học viện An ninh nhân dân cũng trả nam thủ khoa N.T.L. và nữ thủ khoa L.Đ.K.L., đều của tỉnh Hòa Bình. N.T.L. có tổ hợp xét tuyển C03 từ 20,05 điểm lên thành 26,5 điểm, ngoại ngữ từ 6 lên 9,2 điểm. L.Đ.K.L. được nâng tổng cộng 10,9 điểm - trong đó, tổ hợp xét tuyển C03 được nâng từ 23,05 điểm thành 27,95 điểm.
Thủ khoa Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy - thí sinh P.Q.H. - cũng có điểm tổ hợp A00 tăng từ 17,1 điểm lên thành 28,4 điểm, môn ngoại ngữ từ 5,8 điểm thành 9 điểm.
L.D.L. - thủ khoa tổ hợp D01 Học viện Cảnh sát nhân dân - cũng được nâng 6 điểm cho ba môn xét tuyển.
Từ 11,85 điểm lên thành 27,9 điểm là số điểm được nâng "khủng" của T.A.Đ. (Hòa Bình) - thủ khoa tổ hợp A01 Học viện Cảnh sát nhân dân.
Đến thời điểm này, Bộ Quốc phòng chưa có thông báo chính thức nào về quyết định xử lý thí sinh liên quan vụ gian lận thi cử đã trúng tuyển vào các trường quân đội.
Được nâng điểm vẫn an toàn?
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh được nâng điểm nhưng khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm chuẩn, hay thí sinh "né" sử dụng tổ hợp không liên quan môn nâng điểm thì trước mắt không bị xử lý gì.
Ví dụ, thí sinh N.L.B.N. - con của một phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) - được nâng 11 điểm cho hai môn toán - ngoại ngữ nhưng chọn tổ hợp C00 (văn, sử, địa) vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Hiện trường này chưa công bố kết quả xử lý với N..
Còn thí sinh N.H.C. trúng tuyển ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - được "tặng" 3 điểm cho môn sử và địa nhưng vẫn đủ điểm chuẩn, nên trường vẫn cho tiếp tục học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, C. là con của một phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận