Xe của Cơ quan an ninh điều tra đến Sở GD-ĐT Hòa Bình thực hiện khám xét nơi làm việc của bị can Nguyễn Khắc Tuấn - Ảnh: THÂN HOÀNG
Trước băn khoăn của Tuổi Trẻ về việc Bộ GD-ĐT không phát hiện được bất thường trong quá trình chấm thẩm định, nhưng trên một số kênh khi phát ngôn lại khẳng định đã biết có dấu hiệu bất thường, ông Mai Văn Trinh giải thích:
- Sau khi chấm thẩm định, qua việc chấm thi thì có nghi ngờ dựa vào kinh nghiệm nên ngày 24-7 (sau khi công bố kết quả chấm thẩm định Hòa Bình một ngày - PV) Bộ GD-ĐT đã có văn bản sang Bộ Công an đề nghị phối hợp cùng điều tra, làm rõ vụ việc.
* Nhưng khi đã "có bất thường" thì tại sao Bộ GD-ĐT lại có văn bản công bố kết quả chấm thẩm định tại Hòa Bình không có bất thường?
- Việc chấm thẩm định tức là rút bài thi để chấm lại. Kết quả điểm trùng khớp giữa trước và sau khi chấm nên tổ chấm trắc nghiệm công bố như thế là đúng. Ví như một bài thi đạt điểm 10, sau khi chấm vẫn là điểm 10 thì là bình thường.
* Trong nội dung công bố ngày 23-7 của Bộ GD-ĐT, ngoài kết quả chấm thi trùng khớp, Bộ GD-ĐT cũng đánh giá Hòa Bình đã thực hiện quy trình chấm thi, hướng dẫn chấm thi.
Việc kiểm tra túi đựng bài thi, file ảnh gốc, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trên máy tính đúng quy định. Các bài thi của thí sinh đều đủ chữ ký thí sinh và cán bộ coi thi. Ban chấm thi có đầy đủ thành phần quy định… Vậy "bất thường" mà Bộ GD-ĐT phát hiện nằm ở điểm nào?
- Việc can thiệp vào điểm thi được làm từ trước nên khi chấm khó phát hiện. Vì với sai phạm tinh vi thì phải có nghiệp vụ mới có thể làm sáng tỏ.
* Ông nói sai phạm tinh vi. Vậy ông có thể cho biết cụ thể sai phạm tinh vi như thế nào không?
- Đang trong quá trình điều tra nên tôi không thể nói được. Chỉ có thể nói là tinh vi, phải tinh vi thì khi chấm thẩm định, tổ chấm thẩm định của bộ mới không phát hiện được.
Thông tin điều tra ban đầu cho thấy sai phạm ở Hòa Bình là nghiêm trọng, với dấu hiệu sửa điểm theo hướng tăng lên ở bài thi trắc nghiệm.
Chúng tôi cùng phối hợp và đã làm rất khẩn trương, quyết liệt mới ra được kết quả ban đầu.
* Nhưng với việc gian lận có tổ chức tại các địa phương, sẽ khó có thể tìm ra sự thật nếu để địa phương tự rà soát việc họ đã làm?
- Bộ không thể có sức làm ở tất cả các địa phương. Nên phải trông đợi ở trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của cả hệ thống giáo dục. Phải có niềm tin. Dĩ nhiên không thể tin mù quáng. Nếu nơi nào có dư luận về dấu hiệu bất thường sau khi tự rà soát, bộ sẽ vẫn vào cuộc kiểm tra.
* Tuy nhiên trả lời báo chí thì lãnh đạo Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết sau khi chấm thẩm định, họ chủ động rà soát và phát hiện vấn đề. Họ là người chủ động báo cáo UBND tỉnh, mời Công an tỉnh Hòa Bình vào cuộc điều tra?
- Sở nói thế là việc của sở. Còn Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã chủ động triển khai việc điều tra sự việc này. Từ ngày 24-7 chúng tôi đã làm. Nhưng việc phá án, không phải cứ nói hết ra được.
* Tại sao Bộ GD-ĐT không thành lập tổ công tác để kiểm tra toàn bộ các khâu chấm thi, công bố kết quả ngay sau đợt kiểm tra như đã làm với Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn mà lại đưa Hòa Bình vào số các tỉnh chấm thẩm định thông thường và không thông báo ngay về hiện tượng tiêu cực khi đã phát hiện?
- Mỗi địa phương có những vấn đề khác nhau nên không thể áp dụng một cách kiểm tra như nhau. Đây là vấn đề thuộc kỹ thuật điều tra nên tôi không muốn nói sâu vào thời điểm này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình xin lỗi phụ huynh và học sinh
Cuối giờ chiều qua (3-8), sau khi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can liên quan đến , ông Bùi Trọng Đắc - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình - đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí.
Ông Đắc cảm thấy đáng tiếc về sự việc và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh cũng như các em học sinh.
"Với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình, trước tiên, tôi rất tiếc. Tôi xin được xin lỗi các bậc phụ huynh học sinh, xin lỗi các thầy giáo, cô giáo, xin lỗi các em học sinh vì kỳ thi đã xảy ra sự cố đáng tiếc này.
Với trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm những nội dung có liên quan về công tác quản lý của mình" - ông Đắc giãi bày tại buổi trao đổi thông tin với báo chí.
Về số lượng bài thi bị can thiệp để nâng điểm, ông Đắc nói: "Chưa xác định được có bao nhiêu bài thi bị can thiệp, chúng tôi cũng chưa biết được cá nhân nào tham gia vào việc này".
Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc đã từng phát ngôn kỳ thi không có vấn đề gì, ông Bùi Văn Cửu - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của tỉnh Hòa Bình - cho biết đó là "nói theo lời giám đốc sở và trưởng phòng khảo thí chứ không kết luận".
Theo ông Cửu, khi dư luận phản ảnh về kỳ thi có bất thường, ông đã trao đổi với giám đốc Sở GD-ĐT cùng trưởng phòng khảo thí thì cả hai báo cáo "điểm của mình yên tâm" vì đã cho rà soát kiểm tra và thấy "không có bất cập".
"Trưởng phòng khảo thí có nói với tôi là em quản lý rất chặt việc chấm thi, có kinh nghiệm nhiều năm làm chấm thi nên khẳng định không có vấn đề gì xảy ra, anh yên tâm, em chịu trách nhiệm vấn đề này" - ông Cửu giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận