Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh (áo sáng màu đi giữa), trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ - Ảnh từ clip của Công an Sơn La
Hai ngày qua, đã có một số vị phụ huynh lên tiếng trên báo chí phản hồi về bản "điểm danh".
Ông Nguyễn Duy Hoàng, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, có con gái là thí sinh N.H.C. được nâng 3 điểm (2 môn), từ 24 điểm lên 27 điểm và hiện đang theo học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ông Hoàng nói với báo chí chính ông cũng "đang chờ kết luận của cơ quan công an điều tra để xem thực hư như thế nào", còn hiện tại ông "cảm thấy buồn và mất hết danh dự, uy tín".
Một phụ huynh khác được "điểm danh" là ông Ngô Trí Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, có con là thí sinh N.L.B.N. được nâng tổng cộng 11 điểm.
Trên báo chí, ông này khẳng định gia đình ông tự tin "không có tác động gì vào điểm số của con" và con ông có đủ năng lực vì cháu học Trường THPT chuyên Sơn La. Nhiều phụ huynh khác bị "điểm danh" hoặc chọn cách im lặng, hoặc chủ động né tránh.
Còn lãnh đạo các địa phương thì cho biết phải đợi sau khi vụ án gian lận thi cử kết thúc, hồ sơ từ cơ quan chức năng chuyển sang mới có căn cứ để xử lý các cán bộ, đảng viên là phụ huynh có con được nâng điểm.
"Đến giờ này, chúng tôi cũng chỉ nắm thông tin qua báo chí, ngay cả danh sách thí sinh được nâng điểm cũng nghe nói là văn bản mật" - lãnh đạo một tỉnh có xảy ra gian lận nói với Tuổi Trẻ.
Xử lý cán bộ thì phải theo quy trình, nhưng trong trường hợp gian lận thi cử này, dư luận có quyền đòi hỏi và đặt vấn đề: những ông bố, bà mẹ là cán bộ, đảng viên được "điểm danh" ấy có lòng tự trọng hay không?
Nếu có lòng tự trọng, họ nên động viên con em mình trở về nhà, tập trung ôn luyện để tiếp tục dự thi trong kỳ thi tới - một cách nghiêm túc, bằng thực học, với tinh thần "ngã ở đâu đứng lên ở đấy".
Nếu có lòng tự trọng, họ - những cán bộ đang giữ vị trí quan trọng trong chính quyền địa phương - nên chủ động báo cáo tổ chức và xin lỗi.
Đừng chờ đến khi cơ quan chức năng kết luận, thậm chí áp dụng các biện pháp tố tụng nếu xác định rõ căn cứ vi phạm pháp luật (như "đưa hối lộ" để mua điểm, "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", hay là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"...) mới nói lời xin tha thứ.
Khi đó, e rằng mọi thứ đã muộn màng...
Còn một vấn đề nữa, Bộ GD-ĐT cùng các trường ĐH, học viện nên xem lại cách xử lý các trường hợp được nâng điểm vừa qua.
Những thí sinh sử dụng điểm nâng trong tổ hợp xét tuyển vào trường ĐH, nay chấm lại không đạt thì thí sinh phải thôi học.
Còn những trường hợp gian lận điểm nhưng chấm lại vẫn đủ điểm theo học, hoặc trường hợp thí sinh chọn tổ hợp xét tuyển "né" điểm gian lận (sau khi sự việc vỡ lở ở địa phương)... thì xử lý thế nào?
Lâu nay trong thi cử, chỉ mới phát hiện mang tài liệu vào phòng thi thôi, dù chưa kịp sử dụng cũng bị xử lý lập biên bản, thậm chí đình chỉ thi.
Còn gian lận nâng điểm này là chuyện lớn hơn rất nhiều, nên dù điểm gian lận không dùng để xét tuyển đi nữa thì cũng không thể coi như một việc bình thường được.
Nhân văn luôn là đáng quý, nhưng nhân văn với một thiểu số người này mà phi nhân văn với nhiều thí sinh khác - những sĩ tử chỉ vì thiếu 0,5 điểm hay 1 điểm mà bỏ lỡ cơ hội theo đuổi ngành học mơ ước - thì liệu có nên chăng?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận