Phóng to |
Đội quản lý thị trường số 12 trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các thùng sữa Danlait do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Mặc dù là hàng nhập khẩu nhưng lợi dụng tâm lý nhiều ông bố, bà mẹ tin rằng sữa xách tay có chất lượng tốt hơn sữa sản xuất trong nước và sữa nhập khẩu chính ngạch nên nhiều nơi bán hàng thi nhau quảng cáo bán sữa xách tay “xịn”, khiến hàng thật dỏm lẫn lộn. Trong khi đó, việc quản lý mặt hàng sữa hiện nay vẫn bị đánh giá còn lỏng lẻo.
Thông tin gian dối
Mở rộng kiểm định sản phẩm Danlait Trao đổi với báo chí ngày 22-2, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay Đại sứ quán Pháp tại VN chưa trả lời văn bản xác minh các vấn đề báo chí nghi ngờ xung quanh sản phẩm “sữa dê Pháp” Danlait, như sản phẩm có phải sản xuất tại Cộng hòa Pháp và có lưu hành tại Pháp hay không. Cục An toàn thực phẩm cũng lấy mẫu sản phẩm Danlait để kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng xem có đúng như công bố trong hồ sơ và trên nhãn sản phẩm. Cũng theo vị này, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cấp cho Danlait là “Thực phẩm bổ sung - sữa dê Danlait”, nhưng trong nhãn phụ sản phẩm tiêu thụ tại VN chỉ ghi sản phẩm là “Sữa dê Danlait” là vi phạm về nhãn mác, nên tới đây sẽ buộc cơ sở nhập khẩu và phân phối khắc phục sai phạm này. L.ANH |
Tại một trang web bán hàng trực tuyến có trụ sở ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) và chi nhánh TP.HCM nằm trên đường Cộng Hòa, sản phẩm sữa Danlait - mặt hàng đang bị nhiều người tiêu dùng phản ứng dữ dội vì cho rằng nhà nhập khẩu là Công ty TNHH Mạnh Cầm đã thông tin gian dối, lừa gạt người tiêu dùng - được quảng cáo đủ cả ba số 1, 2, 3 và ghi rõ “hàng xách tay Pháp”. Tuy nhiên, sau khi vụ việc của Công ty Mạnh Cầm bị vỡ lở, website này đã gỡ các thông tin trên.
Ngày 22-2, tại một cửa hàng chuyên bán hàng cho mẹ và bé nằm trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, sữa Danlait vẫn nằm chễm chệ trên kệ.
Người bán hàng cho biết đây là hàng do Công ty Mạnh Cầm phân phối, cửa hàng chuẩn bị rút khỏi kệ vì đã theo dõi các thông tin về sữa Danlait. Tuy nhiên, website của cửa hàng vẫn đề xuất xứ “xách tay từ Pháp”! Rất nhiều shop bán hàng trực tuyến và cửa hàng sữa có bán mặt hàng này cả ở TP.HCM và Hà Nội đều sử dụng chiêu này để thu hút người tiêu dùng.
Trong khi đó, Công ty Mạnh Cầm lại cho biết sữa Danlait chỉ bán ở VN và Trung Quốc. Như vậy ở Pháp không có mặt hàng này, các cửa hàng hoàn toàn không thể xách tay từ Pháp về!
Theo ông L. - phụ trách kinh doanh một nhãn hàng sữa nhập khẩu vào thị trường VN, sở dĩ có tình trạng trên vì một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có tâm lý đánh giá chất lượng sữa xách tay tốt hơn sữa có nguồn gốc khác. “Thế nên cả nhà nhập khẩu chính ngạch như chúng tôi đôi khi còn ngán hàng xách tay. Cứ đi mua sữa là thấy đề xách tay, đủ tất cả các thể loại” - ông L. than.
Tại TP.HCM, các cửa hàng sữa trên đường Võ Văn Tần, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai... sữa dê, sữa bò xách tay đủ nguồn gốc từ Nhật, Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Úc, Hàn Quốc, Singapore... được bán tràn lan. Nhãn hiệu cũng vô cùng phong phú, gồm Vitacare, Meiji, Icreo, XO, S26, các sản phẩm của Abbott, sữa Friso, Aptamil, Nan, Gallia... Một số cửa hàng cho biết có đến 40-50 loại sữa xách tay đang được bán thịnh hành trên thị trường.
Hiện giá các loại sữa xách tay đứng ở mức cao chót vót. Sữa Meiji số 0 (Nhật) bán 610.000 - 660.000 đồng/hộp 800g, sữa Pediasure xách tay từ Úc nắp tím cho trẻ từ 0-1 tuổi có nơi bán 790.000 đồng/hộp 900g, sữa dê Vitacare của Nga hộp 400g bán giá 580.000 đồng, hay sữa Nan số 2 xách tay từ Nga bán 310.000 đồng/hộp 400g, cao hơn giá hàng nhập chính ngạch tới hơn 100.000 đồng...
Tuy vậy, một đầu mối nhận đặt hàng sữa từ nước ngoài chuyển về cho biết có những loại giá bán lẻ ở thị trường nước ngoài chỉ tương đương hàng nhập chính ngạch tại VN.
Xách tay hay nhập lậu?
“Chất lượng sữa xách tay hiện đang bị thả nổi” - một cán bộ Cục Hải quan TP.HCM khẳng định. Theo vị này, sữa nhập khẩu trước khi được thông quan phải trải qua nhiều khâu kiểm soát. Sữa về bằng đường xách tay không phải trải qua khâu kiểm soát nào nên không có gì để đảm bảo chất lượng thật sự tốt và an toàn.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết các loại sữa bày bán trên thị trường gồm cả nhập chính ngạch hay xách tay đều có thể bị các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra chất lượng bất kỳ lúc nào.
Nhưng giới kinh doanh sữa lại khẳng định hoạt động kiểm tra không ăn thua vì thị trường quá nhiều chủng loại. Hơn nữa, hàng xách tay không đi theo lô nhập lớn như chính ngạch mà chỉ số lượng nhỏ, các đợt về liên tục.
Trong khi đó, ông Đỗ Thế Mạnh, phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM), lại cho rằng các cửa hàng bán sữa cứ đưa thông tin hàng xách tay về theo đường hàng không, do tiếp viên xách về chưa hẳn là thông tin chuẩn, cần xem lại.
Theo ông Mạnh, khó có thể xách tay về nhiều đến mức như vậy, vì hành lý mang theo chỉ 2-3 hộp sữa là đầy rồi, lấy đâu ra số lượng hàng xách tay dồi dào được.
Theo quy định, sữa xách tay theo hành lý cá nhân có giá trị dưới 5 triệu đồng thì được miễn thuế và các thủ tục khác. Lượng sữa có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên, người mang theo phải làm thủ tục hải quan, gồm cả mở tờ khai, đăng ký xin giấy phép từ Cục Thú y, Cục An toàn thực phẩm... như các thủ tục nhập khẩu thông thường.
Trong khi đó, trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng nhập lậu sữa. Trong năm 2012, Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (hải quan cảng Cát Lái, TP.HCM) đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập lậu sữa bằng cách mở tờ khai nhập khẩu là hàng hóa khác, nhưng kiểm tra lại phát hiện hàng trong container là các loại sữa.
Liên quan đến việc quản lý nguồn gốc, xuất xứ, một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sữa xách tay thường không có hóa đơn chứng từ đầu vào, đầu ra nên nếu kiểm tra chắc chắn sẽ bị xếp vào nhóm hàng nhập lậu, bị phạt hành chính và tịch thu hàng. Tuy nhiên, việc quản lý về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác với hàng xách tay cũng khó như quản lý chất lượng do đặc thù lượng hàng của sữa xách tay.
Quản lý sữa nhập chính ngạch cũng lỏng lẻo Quy trình để một sản phẩm sữa nhập khẩu ra thị trường gồm nhiều bước, trong đó có xin cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, xin giấy phép nhập khẩu, kiểm nghiệm tại cảng, sau khi hải quan cho thông quan thì hậu kiểm là các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, từ vụ sữa Danlait lại bộc lộ việc quản lý còn lỏng lẻo. Một người làm trong ngành sữa nhận xét việc cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn hầu như chỉ căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ do thương nhân nộp lên. Do đó, trong giấy chứng nhận mà Cục An toàn thực phẩm cấp mới “thòng” thêm một câu: “Phù hợp với các quy định hiện hành về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm và được phép lưu hành nếu thương nhân đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn như đã công bố”. Việc Danlait có được chứng nhận cho thấy kiểm tra trên giấy tờ, hồ sơ doanh nghiệp nộp lên còn rất nhiều rủi ro. Nếu cơ quan cấp chứng nhận kiểm tra kỹ, điều tra rõ như các bà mẹ trên diễn đàn mạng thì sữa Danlait sẽ khó có được giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như công bố của nhà nhập khẩu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận