Cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đường phố - Ảnh: AFP
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nam công dân Nhật này có tên là Ken Higuchi. Higuchi đã bị bắt tại thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, cách biên giới Trung Quốc - Triều Tiên khoảng 320 km, theo Đại Liên Nhật Báo.
Cục an ninh quốc gia TP Đại Liên đang điều tra để xác minh liệu Higuchi có thật sự là một chống phá Trung Quốc hay không.
Phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản hiện chưa bình luận về thông tin này.
Báo cáo không làm rõ liệu trường hợp Higuchi là một vụ mới hay Higuchi là người đã bị bắt giam trước đó nhưng mãi đến ngày 18-9 mới thông báo.
Trước đó, hồi tháng 3, Trung Quốc đã bắt giữ 6 người Nhật vì tình nghi làm gián điệp. Tương tự trường hợp Higuchi, các bị cáo cũng bị bắt giữ tại các thành phố cảng.
Có 3 trong số 6 người này nói rằng vào thời điểm đó họ đang tiến hành nghiên cứu địa chất tại Trung Quốc. Đến tháng 7 vừa qua, 3 người này cùng 1 người Nhật khác đã được thả trong khi 2 người Nhật còn lại vẫn bị giam giữ.
Tháng 9-2015, Trung Quốc cũng từng bắt giữ 2 người Nhật với cáo buộc thực hiện âm mưu gián điệp. Tuy nhiên, chính phủ Nhật thời điểm đó đã bác bỏ báo buộc của Bắc Kinh.
Trước đó, vào năm 2010, 4 người Nhật đã bị Trung Quốc bắt giữ vì tình nghi xâm nhập một khu vực quân sự của nước này và chụp ảnh mà không có sự cho phép.
Quan hệ Trung - Nhật căng thẳng trong nhiều thập niên qua vì các vấn đề liên quan tới lịch sử. Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong những năm gần đây càng tạo thêm sự hoài nghi giữa hai bên.
Theo trang Sputnik, trong thời gian gần đây, chính quyền Bắc Kinh tập trung chống gián điệp nước ngoài nhiều hơn và thậm chí công bố công khai hoạt động của mình. Chẳng hạn cách đây không lâu, tại thủ đô Bắc Kinh có thông báo thưởng hàng chục ngàn USD cho bất kỳ ai có thể cung cấp thông tin giúp bắt giữ gián điệp nước ngoài.
"Trung Quốc hiện đã lớn mạnh hơn trước đây, nên nhiều nước muốn biết thêm thông tin về Trung Quốc, đặc biệt về việc thự thi sáng kiến 'Vành đai Con đường' cũng như động cơ thực sự của quân đội Trung Quốc (trong quá trình cải tổ" - nhà phân tích quân sự Zhou Chenming của Trung Quốc từng bình luận trên báo South China Morning Post của Hong Kong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận