Một người mua đến nhận trái cây đặt mua chung tại nhà một người đồng quản lý nhóm - Ảnh: CNA
Từ nhu cầu thực tế
Theo Kênh Channel News Asia, chị Cherie, cựu tiếp viên hàng không, lập nhóm mua chung ở khu Changi Simei vì nhu cầu tìm hàng xóm chia sẻ phí giao hàng.
"Nếu mua 10 món đồ và phải trả 10 lần tiền gửi hàng thì quá tốn kém. Tôi muốn khắc phục điều này bằng việc rủ những người sống trong một khu mua chung", Cherie cho biết.
Nhóm mua chung của Cherie có hơn 250 thành viên. Trung bình, cô được miễn phí giao hàng với 7/10 món mình đặt.
Nhiều nhóm mua chung có số lượng thành viên lên tới 7.500 người. Họ mua chung rất nhiều mặt hàng, từ đồ ăn đến áo gối, mỹ phẩm, đồ gia dụng, không chỉ trong nước mà còn chuyển về từ nước ngoài.
Bà Tan, 31 tuổi, đã tham gia hội mua chung được khoảng một năm. Khoảng một nửa số thực phẩm bà mua là từ mua chung trong các nhóm chat trên các ứng dụng WhatsApp hoặc Telegram.
Bà cho biết giá cả không nhất thiết phải rẻ hơn ở siêu thị nhưng trái cây và rau thường tươi hơn và do đó bà hài lòng hơn. Bà cũng thích sự linh hoạt và thuận tiên trong việc tự đi nhận hàng ở nhà người hàng xóm.
Mua chung giúp tiết kiệm chi phí giao hàng và với số lượng đủ nhiều, người mua còn được giảm giá. Các nhóm mua chung ngày càng nhiều ở Singapore để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế chống dịch bệnh COVID-19.
Quản lý nhóm mua chung ra sao?
Quản lý nhóm mua chung càng lớn càng không đơn giản. Chị Cheryl tốn khoảng 2-3 giờ mỗi ngày để nhập vào các biểu mẫu, đối chiếu đơn đặt hàng, trả lời câu hỏi của thành viên, kiểm tra tiền thanh toán…
Một số vấn đề phổ biến mà các quản lý gặp phải là người mua quên lấy hàng hoặc quên trả tiền. Họ cũng phải có những quy định chung như không giữ đồ đông lạnh qua đêm tránh trường hợp mích lòng khi người mua quên lấy hàng.
Đại diện nhận hàng, thường là quản lý nhóm cũng sẽ phải dành một không gian trong nhà để giữ tạm hàng hóa cho mọi người nên nhà cửa có khi đầy ắp đồ đạc, không khác gì cửa hàng.
Phòng khách trong nhà bị biến thành chỗ tạm cất đồ cho mọi người - Ảnh: CNA
Vì bỏ ra thời gian, công sức, một số nhóm mua chung có thu phí quản lý. Cũng có thể họ được chia hoa hồng từ những người bán hàng. Chị Cheryl thu thêm 2 đô la Singapore cho mỗi đơn đặt hàng. Những người quản lý nhóm khác có thể chỉ lấy phí chuyển khoản, phí gửi hàng từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi đại diện mua chung, họ được lợi là trở thành thành viên VIP của một số trang web và được giảm giá hoặc tích điểm để dùng khi mua cho riêng mình.
Doanh nghiệp nhỏ có lợi
Mua chung không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm hơn mà những người kinh doanh siêu nhỏ cũng được lợi. Tiệm ăn gia đình Lindle SG, bán món mee siam (mì Xiêm) và ngoh hiang (chả cá) nổi tiếng, cho biết có khoảng 80% đơn đặt hàng của tiệm là đến từ các nhóm mua chung. Tiệm chỉ phải giao hàng một lần ở một địa điểm thay vì đi nhiều điểm khác nhau, nhất là trong khu giờ ăn trưa cao điểm.
Ông Heng Check Kwang, chủ tiệm cà ri gà Ah Heng Bee Hoon Mee ở khu ẩm thực Hong Lim cho biết các nhóm mua chung mang lại cho ông khoảng 10-20% thu nhập. Điều này giúp ông nhẹ gánh phần nào trong bối cảnh buôn bán ế ẩm do dịch bệnh COVID-19, doanh số chung bị giảm đến 50-60%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận