23/02/2020 13:30 GMT+7

Giảm tiền mặt để phòng dịch

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Nhiều ngân hàng, ví điện tử khuyến cáo người dân chuyển qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khử trùng tiền mặt để ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Giảm tiền mặt để phòng dịch - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nam Á (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc khuyến khích và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là dịp để cộng đồng dịch chuyển mạnh hơn trong xu hướng mới là thanh toán không dùng tiền mặt.

Vừa phòng dịch vừa được miễn, giảm phí

Đại diện Grab cho biết vừa triển khai một số biện pháp chủ động phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến nghị của Bộ Y tế cũng như đảm bảo sự an toàn của tài xế và các đối tác, sức khỏe cộng đồng. "Chúng tôi đã khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường sử dụng ví điện tử, thanh toán online... để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh" - vị này cho biết.

Ví điện tử MoMo cũng đưa ra khuyến cáo người dùng hạn chế sử dụng tiền mặt. Thay vào đó, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa những nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Ví điện tử ZaloPay đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng tiền mặt để tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh qua đường tiếp xúc bằng tay.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài việc phát khẩu trang và bố trí sẵn dung dịch sát khuẩn, nhiều ngân hàng đã khuyến khích khách hàng chuyển qua giao dịch online trong thời gian này bằng cách miễn giảm phí thanh toán online.

Ông Nguyễn Mai Khanh, giám đốc ban phát triển ngân hàng bán lẻ (BIDV), cho hay ngân hàng này đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khuyến khích giao dịch điện tử để hạn chế lây lan virus.

Theo đó, từ ngày 14-2 đến hết 30-4, BIDV tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. Phí giao dịch cũng sẽ được BIDV hoàn vào tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng với tổng số tiền hoàn phí này ước tính lên đến 2,46 tỉ đồng.

Tại VietinBank, khách hàng gửi tiết kiệm online trên ứng dụng iPay được cộng thêm từ 0,2-0,3% lãi suất so với gửi tại quầy. HDBank cũng miễn 100% mức phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế. Với các tài khoản thanh toán nội địa, HDBank giảm 50% phí giao dịch và 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế.

Ngân hàng Nam Á cũng yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet banking, Open banking... để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.

Ngân hàng SCB miễn phí thường niên dịch vụ eBanking cho khách hàng cá nhân nhằm khuyến khích giao dịch online. Phí Mobile Banking, Internet Banking được miễn phí từ tháng 2 đến tháng 4. Ngân hàng An Bình cũng khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch online nhằm phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.

Vừa phun thuốc khử trùng toàn bộ kho tiền

Theo ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thanh toán điện tử và thanh toán di động đã tăng rất mạnh trong năm 2019, trong đó thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 42,5% về số lượng và 35,4% về giá trị so với năm trước đó. Giao dịch qua kênh di động tăng 225% về giá trị và 196% về số lượng.

Với thanh toán dịch vụ công, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước địa phương đáp ứng được nhu cầu chi tiêu ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và kịp thời. Đặc biệt, khoảng 99% doanh nghiệp kết nối với ví điện tử, 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện.

Khoảng 90% doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực VN được nộp qua ngân hàng. Hơn 30 bệnh viện đã kết nối thanh toán, trong đó một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng thanh toán không dùng tiền mặt. Trong năm 2020, theo ông Dũng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, hoàn thành các đề án thanh toán không dùng tiền mặt...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, khẳng định chủ trương tăng cường các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ lâu. Ngoài ra, theo bà Hằng, trong quá trình lưu thông, chuyền từ tay người này qua người kia, các tờ tiền hoàn toàn không sạch, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

"Do vậy, việc nên dần chuyển sang các phương thức thanh toán số, thương mại điện tử thay cho việc trao đổi trực tiếp với nhau bằng tiền mặt trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát là điều nên làm" - bà Hằng nói, đồng thời cho biết Ngân hàng Nhà nước TP cũng vừa phun thuốc khử trùng toàn bộ kho tiền và yêu cầu để riêng tiền các ngân hàng nộp về gần đây trong một thời gian mới đưa trở lại lưu thông nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

* Từ ngày 25-2: Napas giảm mạnh các loại phí

Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) vừa công bố miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công, dự kiến áp dụng đến hết tháng 12-2020.

Napas cũng sẽ giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch, áp dụng từ ngày 25-2-2020.

Bà Nguyễn Tú Anh, chủ tịch HĐQT Napas, cho biết dù doanh thu có thể sẽ giảm ít nhất 15% khi triển khai chương trình miễn, giảm phí nhưng đây là động thái cần thiết nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trong thời điểm dịch bệnh Covid-2019 đang diễn biến phức tạp.

"Hơn nữa, khi các giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên không chỉ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng trong dân cư mà còn giúp các cơ quan chính phủ cắt giảm được chi phí quản lý, vận hành" - bà Tú Anh khẳng định.

* Phải miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến dịch vụ công

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán trực tuyến dịch vụ công và giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ nhằm đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.

Những loại phí được đề xuất miễn, giảm gồm phí các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương; phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ. Thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương với thời gian, mức phí giảm mà Napas áp dụng đối với các ngân hàng thành viên.

Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), thuộc Ngân hàng Nhà nước, cũng công bố giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng cho các ngân hàng. Cụ thể, từ nay đến hết tháng 4-2020, CIC giảm theo bậc thang từ 5-20% phí dịch vụ thông tin tín dụng theo từng ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hằng tháng theo nguyên tắc mức khai thác tra cứu thông tin càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn.

Thanh toán online tăng mạnh mùa dịch

viomo 5(read-only)

Khách hàng thanh toán thông qua ví MoMo khi đến dùng nước tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo đại diện ZaloPay, một tín hiệu vui là khách hàng bắt đầu quen sử dụng ví điện tử cho các giao dịch thanh toán, chuyển tiền hằng ngày. Đặc biệt, lượng giao dịch qua ZaloPay tăng đáng kể so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Tính riêng số lượng giao dịch chuyển tiền qua khung trò chuyện Zalo, trung bình mỗi ngày tăng hơn 30 lần.

Ngoài thanh toán trực tuyến, người dùng ZaloPay cũng có thể quét QR Code tại các cửa hàng, nhà hàng để tăng cường bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ cộng đồng trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đại diện Grab cũng cho hay ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trên tất cả các dịch vụ, bao gồm cả tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab kể từ sau khi Chính phủ công bố dịch COVID-19.

Virus corona có dễ lây qua tiền mặt? Virus corona có dễ lây qua tiền mặt?

TTO - Virus corona có bám trên tiền mặt và lây qua tiền mặt cũng như điện thoại, bàn phím máy tính? Làm sao để phòng virus lây lan?

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp