Người dân đổ xăng RON 95-V với mức giá 32.170 đồng/lít tại một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 3-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giá xăng dầu đang tăng cao nhưng việc giảm thuế vẫn phải chờ Quốc hội đồng ý, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tư lệnh ngành tài chính cần chủ động có giải pháp cụ thể nhằm sớm kìm giá xăng dầu.
Tại phiên chất vấn ngày 8-6, những yêu cầu về kiểm soát giá cả hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nóng như xăng dầu, sách giáo khoa, được các đại biểu nêu ra với hai tư lệnh ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến thuế phí để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát.
Giảm thuế do Quốc hội quyết!
Trước ý kiến cho rằng Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp về giảm các khoản thuế đang thu vào xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi về quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt câu hỏi về các giải pháp để kiểm soát lạm phát khi cho rằng lạm phát ở trên thế giới đang tăng rất nhanh, trong khi VN nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào rất lớn, tức là nhập khẩu lạm phát, chưa kể việc triển khai gói phục hồi kinh tế cũng tạo áp lực lạm phát.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước bình ổn, nên đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, thu được thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở mặt hàng khác. Do đó, việc giảm thuế là phương án được tính đến nhưng cần "đánh giá tác động".
Tuy nhiên, theo ông Phớc, việc có giảm thuế với giá xăng dầu hay không đều thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đơn cử, thuế môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, đã được cơ quan này chấp thuận giảm 2.000 đồng/lít. Nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng thuế môi trường trong xăng dầu sẽ do Quốc hội quyết. Tương tự, việc giảm các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
"Trước đây, chúng tôi định có văn bản đề nghị với Chính phủ để đề nghị với Quốc hội ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định thuế trong xăng dầu để linh hoạt, bởi Quốc hội có 6 tháng họp một lần. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu Hiến pháp, chúng tôi thấy các quy định nghĩa vụ thuế là theo quy định của pháp luật. Cho nên chỉ khi được Quốc hội đồng ý, chúng tôi mới có cơ sở để trình" - ông Phớc nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dù thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ, Chính phủ hay là của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, cũng cần phải có đề xuất từ bộ quản lý nhà nước. "Cử tri và người dân đang trông chờ phản ứng chính sách này, cũng mong bộ trưởng thể hiện quan điểm nguyên tắc của mình trả lời hôm nay bằng những văn bản, những đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định" - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Cần nhiều giải pháp kiểm soát lạm phát
Khẳng định lạm phát là vấn đề nóng và cần thiết phải tập trung để chống lạm phát, nhưng ông Hồ Đức Phớc cho rằng dù phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào nhưng VN tự chủ lương thực thực phẩm, chiếm tới 40% trong rổ hàng hóa, nên cần khai thác thế mạnh này. Gắn với quản lý chặt giá cả, thực hiện đúng Luật giá, niêm yết công khai giá, thúc đẩy doanh nghiệp, giữ vững chính sách tài khóa, tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng với mức lạm phát tăng 2,25% trong những tháng đầu năm, chủ yếu là tăng giá hàng hóa thế giới, chứ chưa có tác động từ gói phục hồi kinh tế. Do đó, theo bà Hồng, chính sách tiền tệ cũng sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ cũng như tiến độ giải ngân của các gói này để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay đã yêu cầu các bộ ngành có liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả và các giải pháp điều hành giá, bảo đảm cung cầu phù hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các bộ ngành liên quan cũng được yêu cầu đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất các loại thuế đang áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nêu trên để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân" - ông Khái nói.
Với những lo lắng của các đại biểu liên quan đến việc siết tín dụng bất động sản (BĐS) có thể dẫn tới hệ lụy, bà Hồng cho rằng đây là lĩnh vực có rủi ro mất vốn nên các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất BĐS là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được, có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.
"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ", bà Hồng nhấn mạnh và cho biết riêng với nhu cầu mua nhà để ở, sửa chữa nhà ở, ngành ngân hàng luôn đáp ứng đầy đủ. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy trong 2,2 triệu tỉ đồng dư nợ BĐS hiện nay, có tới 65% là mua nhà để ở, sửa nhà, phục vụ mục đích tiêu dùng.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):
Bộ Tài chính vẫn chưa có giải pháp hạ nhiệt giá xăng
Trong phần trả lời tôi về việc có nên giảm các khoản thuế đang thu vào xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có đưa ra một số giải pháp cơ bản, nhưng chưa đi cụ thể vào những giải pháp trước mắt cần làm khi giá xăng dầu đang tăng cao.
Trong phần trả lời, bộ trưởng có nói giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng tôi đang hỏi quan điểm của bộ trưởng song không có trả lời cụ thể. Bộ trưởng nói sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế, như vậy có nghĩa là chưa có những giải pháp cụ thể trước mắt. Tôi mong rằng thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể, tham mưu cụ thể, kịp thời cho Chính phủ về các chính sách giúp giảm giá xăng dầu.
Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục bình ổn giá
Câu chuyện quản lý sách giáo khoa cũng làm nóng nghị trường Quốc hội khi nhiều đại biểu cho rằng dù là trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT nhưng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính. Cho rằng giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính quản lý với vai trò thẩm định giá, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp quản lý giá sách giáo khoa. Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nhắc lại hơn 2 năm trước Ủy ban VH-GD, Bộ GD-ĐT có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá nhưng đến nay bộ chưa hoàn thành, cũng như cho biết khi nào bộ sẽ hoàn thành kiến nghị.
Trả lời các đại biểu, ông Hồ Đức Phớc cho rằng giá sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền quyết định giá là của các nhà sản xuất ra sách giáo khoa. Việc đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá theo Luật giá là thẩm quyền của Quốc hội.
"Hai bộ đã cùng thống nhất sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật giá sắp tới sửa nhưng có được quyết định hay không là do Quốc hội" - ông Phớc nói.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để quản lý giá sách giáo khoa theo đúng quy định của pháp luật về giá và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá cả hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận