Ông Trần Minh Hùng (quận Gò Vấp, TP.HCM, chạy xe công nghệ) cho biết mỗi ngày phải đổ trên 100.000 đồng tiền xăng, so với trước đây chỉ đổ 70.000 đồng là "chạy thả ga" - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tại dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Dầu diesel được đề xuất giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Sao chỉ giảm thuế BVMT?
Mức thuế mới sẽ được áp dụng ngay từ 1-8 cho đến hết năm nay nếu được thông qua và đây là lần thứ hai Bộ Tài chính sử dụng thuế BVMT như một công cụ để kìm đà tăng giá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, thuế BVMT sẽ quay trở về các mức được quy định tại nghị quyết 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể là 4.000 đồng/lít với xăng và dầu diesel là 2.000 đồng/lít...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu đã liên tục thiết lập mức kỷ lục, việc giảm thuế BVMT ở mức như trên sẽ không có nhiều tác dụng, chưa đủ làm giải tỏa cơn khát để góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời gian tới.
Bởi ngoài thuế BVMT, trong cơ cấu tính thuế xăng dầu hiện nay còn có thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... vốn đã chiếm tới 13.000 - 15.000 đồng/lít.
Do đó, nếu tính toán giảm một phần các sắc thuế trên, khoảng 4.500 - 5.000 đồng/lít, sẽ có tác dụng nhiều hơn để giảm sức nóng giá xăng dầu, cũng như hạ nhiệt giá cả và đủ sức kìm lạm phát trong thời gian tới.
Thực tế, ngoài một số nước đang có trợ giá rất lớn cho người dân trong tiêu dùng xăng dầu như Malaysia, nhiều nước như Hàn Quốc vừa tiếp tục giảm thêm thuế nhiên liệu để kéo giảm áp lực lạm phát.
Cũng theo ông Việt, nguồn xăng dầu tiêu dùng trong nước chủ yếu nhập khẩu nên khi thuế được tính trên tỉ lệ phần trăm giá xăng dầu, giá nhập khẩu càng tăng, sẽ làm tăng thặng dư ngân sách.
"Trong khi đó, nếu tính toán giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng với việc giảm 2% VAT sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, khi các khâu trung gian cũng sẽ giảm giá theo, ngăn được tác động của lạm phát kỳ vọng lên giá cả hàng hóa, dịch vụ khác", ông Việt nói.
Một chuyên gia ngành xăng dầu cũng cho rằng thuế BVMT đã phát huy vai trò và ý nghĩa trong thời gian qua. Việc sử dụng sắc thuế này làm công cụ để kiểm soát và bình ổn giá xăng dầu, sẽ không phù hợp và đủ tính thuyết phục.
"Nếu cứ tiếp tục giảm thuế BVMT sẽ đặt ra câu hỏi vậy các khoản chi cho môi trường sẽ làm thế nào, có đảm bảo được hay không? Tôi cho rằng không nên giảm tối đa thuế BVMT mà cần có tính toán các biện pháp thuế, phí khác cho phù hợp hơn", vị này nói.
Ngoài ra, theo vị này, bài toán kiểm soát giá xăng dầu cần được tính toán, đánh giá đầy đủ để dự báo được xu hướng giá xăng dầu nhằm có một lộ trình, giải pháp kiểm soát, điều hành giá mang tính bền vững hơn.
"Với những khoản thuế nằm trong thẩm quyền điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể kiến nghị để Chính phủ được phép có cơ chế điều chỉnh linh hoạt trong khoảng thời gian nhất định. Với những khoản thuế nằm trong thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Bộ Tài chính cũng cần có tính toán, đề xuất nhằm có lộ trình phù hợp, chủ động ứng phó với việc tăng giá xăng dầu", vị này đề nghị.
Bà Phạm Thị Thu (tiểu thương chợ Thị Nghè, TP.HCM) cho biết giá xăng tăng nên giá lấy mối từ các công ty cũng tăng, giá bán cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, đặc biệt là các mặt hàng dầu ăn, nước mắm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cần giảm thêm các loại thuế khác
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính cần chủ động các phương án để ứng phó với diễn biến giá xăng dầu, tính toán kỹ lưỡng việc áp dụng các sắc thuế để có lộ trình phù hợp, kiến nghị với các cấp Chính phủ, Quốc hội xem xét, nhằm kiểm soát hiệu quả đà tăng phi mã của giá xăng dầu, giảm những cú sốc giá cả hàng hóa trong thời gian tới.
Theo ông Cường, vẫn cần thiết phải được duy trì một số sắc thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi giá xăng dầu tăng lên quá cao, tác động lan tỏa, đẩy các loại hàng hóa khác tăng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân một cách đột ngột, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, ảnh hưởng đến bình ổn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì buộc phải sử dụng công cụ thay đổi chi phí cấu thành trong giá bán như các sắc thuế.
"Còn điều chỉnh bao nhiêu cần phải tính toán rất rõ, mức nào là phù hợp, gây hệ lụy đến các yếu tố khác không, như vấn đề liên quan đến buôn lậu xăng dầu", ông Cường nói và cho rằng Bộ Tài chính cần có đánh giá tác động đầy đủ bởi trong bối cảnh thay đổi giá xăng dầu trên thế giới, không diễn ra từ từ mà rất khó dự báo, nên thời hạn giảm bao lâu cần thay đổi linh hoạt.
Đặc biệt, cần có cơ chế giao quyền cho Chính phủ trong một khung điều chỉnh, tùy theo chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ để chủ động hơn trong ứng phó với giá xăng dầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính - thuế, cũng cho rằng việc sử dụng công cụ như thuế để bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh giá tăng mạnh là phù hợp bởi trong cơ cấu giá xăng dầu, các khoản thuế chiếm khoảng 29% với xăng và 13,3% với dầu.
"Nếu cân đối được các khoản thu chi ngân sách, việc giảm thuế có thể tác động giúp các ngành kinh tế phục hồi tốt hơn, giúp thu ngân sách tốt hơn, có thể mạnh dạn cắt giảm các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, một phần thuế BVMT", ông Thịnh đề nghị.
Một chuyên gia khác cũng khuyến nghị rằng trong điều hành giá xăng dầu, cần thực hiện nghiêm việc công khai minh bạch như quỹ bình ổn, công thức và cơ cấu tính thuế, phí trong giá xăng dầu ở mỗi kỳ điều hành để "rõ ràng, rành mạch" hơn với người dân.
"Ngoài ra, cần tiếp thu góp ý cũng như tham vấn ý kiến của các bên liên quan, những đối tượng chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu, ngành hàng chịu ảnh hưởng bởi tăng chi phí đầu vào, để tính toán kỹ lưỡng tác động của việc tăng giá nhằm có phương án điều hành phù hợp, hài hòa lợi ích các bên", vị này nói.
Giá xăng có khả năng "lập đỉnh" mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-6, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết giá xăng dầu thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 500 đồng/lít và giá dầu cao hơn khoảng 1.100 đồng/lít.
Do đó, nhiều khả năng giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng vào chiều 21-6, khi quỹ bình ổn xăng dầu của nhiều doanh nghiệp đã bị âm. Theo các doanh nghiệp, tùy theo mức chi quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước có thể tăng thấp hơn mức chênh lệch trên song vẫn khiến giá xăng dầu "lập đỉnh" mới, trong đó xăng RON95-III tại vùng 1 sẽ tiệm cận mức 33.000 đồng/lít trong khi tại vùng 2 sẽ vượt mức 33.000 đồng/lít.
Giải thích lý do giá dầu thô thế giới có dấu hiệu giảm, chỉ ở mức dưới 115 USD/thùng, song giá xăng dầu vẫn tăng, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết giá dầu thô và giá sản phẩm sau lọc dầu chênh lệch quá lớn.
Cụ thể, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore dao động từ 150 - 160 USD/thùng, trong khi giá dầu có thời điểm 178 USD/thùng, khi giá dầu thô giảm nhưng giá thành phẩm vẫn tăng.
"Thông thường, mức chênh lệch giữa dầu thô và sản phẩm sau lọc dầu chỉ chừng 10 USD/thùng, nhưng chênh lệch hiện đang quá lớn, giá thành phẩm vẫn ở mức cao nên xăng dầu trong nước khó giảm giá", vị này nói. (NGỌC HIỂN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận