Cụ thể, tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa được ban hành, Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết sớm trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét chính sách giảm thuế VAT như chỉ đạo của Chính phủ.
Giảm thuế để kích cầu
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề trên, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, cho rằng năm 2024 chính sách thuế nên giảm thu để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân khi bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất ổn.
Do đó, ông hoàn toàn đồng tình với việc Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT. Nhưng theo ông Ánh, chính sách này nên giảm tiếp ít nhất là hết năm 2024 cho toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ.
Vì kinh tế thế giới lại xuất hiện những biến động, rủi ro mới, xuất khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều thách thức. Những thực tế này khiến người lao động bị cắt giảm giờ làm, thu nhập sụt giảm.
Ông Ánh nói thêm việc giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết để chia sẻ khó khăn với đời sống người tiêu dùng trong nước.
Vì đây là thuế đánh vào người sử dụng dịch vụ và sản phẩm nên thuế VAT giảm 2% sẽ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này bởi phải trả ít tiền hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Mặt khác, việc giảm thuế VAT toàn bộ hàng hóa dịch vụ còn tạo thuận lợi cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ dễ dàng triển khai chính sách này.
"Việc giảm thuế là để hỗ trợ người tiêu dùng chứ không phải là doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực nào. Nên việc giảm thuế VAT cần giảm đồng loạt cho mọi hàng hóa, dịch vụ", ông Ánh nói.
Từ góc độ thực tế, ông Nguyễn Văn Thức, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC, cho rằng việc Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế VAT trong năm 2024 là tin vui cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Qua đó giúp kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, còn người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, theo ông Thức, qua hai năm triển khai việc giảm thuế VAT, cái khó nhất của doanh nghiệp đó là xác định mặt hàng nào thuộc danh mục được áp thuế VAT ở mức 8% còn mặt hàng nào không.
Hiện nay khi thực hiện tra cứu các hàng hóa, dịch vụ có được giảm thuế hay không rất phức tạp.
Cụ thể kế toán phải tra cứu mã ngành hàng hóa tương ứng với tên các mặt hàng, dịch vụ mà đơn vị đang cần xuất hóa đơn tại danh mục và nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam (ban hành kèm theo quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1-11-2018). Bên cạnh đó, kế toán còn phải đối chiếu với danh mục thuế xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đối chiếu với phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được giảm thuế VAT (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12.
"Do danh mục và nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam đã ban hành từ năm 2018 nên rất nhiều mặt hàng kế toán không thể tìm thấy hoặc có tên gọi khác.
Vì vậy rất rối khi xác định mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không. Thậm chí doanh nghiệp của tôi đã làm riêng phần mềm tra cứu nhưng vẫn có những mặt hàng không tìm thấy.
Và để chính sách giảm thuế VAT có tác dụng lan tỏa và cũng là để đỡ rối khi áp dụng, tôi đề nghị nên giảm thuế VAT đồng loạt từ 10% về 8% không phân biệt ngành hàng thay vì chỉ áp dụng cho một số ngành nghề như năm 2022 và 2023", ông Thức kiến nghị.
Cần thêm những chính sách song hành
Có ý kiến thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Nghĩa, giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay, sức mua giảm sút, các doanh nghiệp liên tục cắt giảm lao động thì việc tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế VAT về mức 8% là cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân qua giai đoạn khó khăn, thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên theo ông Nghĩa, trong quá trình áp dụng hai năm qua, có những trường hợp, theo cách đánh giá của cơ quan chức năng, việc giảm thuế VAT cũng được mà không giảm cũng được.
Khi đó sẽ gây khó cho doanh nghiệp rất nhiều bởi nếu giảm thuế thì doanh nghiệp lo rủi ro, còn không giảm thì bên mua không chịu.
"Quy định không thể bao quát hết được, do vậy trong những trường hợp này nên áp dụng điều kiện có lợi cho doanh nghiệp thay vì quá cứng nhắc khiến doanh nghiệp rất khó khăn khi thực hiện", ông Nghĩa đề xuất.
Bên cạnh chính sách giảm thuế VAT, các chuyên gia còn đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét hỗ trợ người nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp được miễn giảm các sắc thuế.
Nhất là mức giảm trừ gia cảnh, cử tri nhiều địa phương đều có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh trong suốt nhiều tháng qua. Cụ thể, tiến sĩ Vũ Đình Ánh đề xuất Chính phủ nên trình Quốc hội xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Mức khởi điểm đánh thuế trên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế hiện không phù hợp. Trong bối cảnh giá cả biến động, mức 11 triệu đồng chỉ đủ chi trả những chi phí thiết yếu hằng ngày là ăn uống, sinh hoạt. Còn người lao động muốn học hành, nâng cao chất lượng sống là gần như không có.
Ngoài ra theo ông Ánh, mức giảm trừ cho người phụ thuộc với 4,4 triệu đồng/tháng là vô cùng phi lý. Vì mức này không đủ chi trả tiền ăn học, sách vở, đi lại... cho một đứa trẻ hay sinh viên học đại học ở trường công tại thành phố lớn. Chính sách không theo kịp với cuộc sống, gây bất lợi cho người nộp thuế.
"Người làm chính sách cần xác định việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là để kích cầu tiêu dùng. Mục tiêu là để kích thích người dân mua sắm tiêu dùng trong nước qua đó giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh" - ông Ánh khuyến nghị và gợi mở thêm cơ quan quản lý cũng cần rà soát, đánh giá để miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đã áp dụng trong ba năm bùng phát dịch COVID-19.
Cùng quan điểm này, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng cần thêm các chính sách bổ trợ khác như giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương.
"Việc giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có dòng tiền gối đầu để xoay xở trong lúc khó khăn.
Còn việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương giúp họ có thêm tiền để trang trải, chi tiêu, qua đó cũng là gián tiếp kích cầu, tái tạo dòng tiền. Các chính sách này cộng hưởng sẽ tạo nên hiệu quả cao nhất, từng bước giúp doanh nghiệp vực dậy", ông Sơn nói.
* Đại biểu NGUYỄN MẠNH HÙNG (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Giảm thuế VAT đến hết năm 2024 mới bền vững
Việc Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội kéo dài giảm 2% thuế VAT là đúng đắn.
Song theo thông tin, Chính phủ mới giao rà soát, trình giảm trong sáu tháng đầu năm 2024, tuy nhiên tôi cho rằng nên xem xét trình giảm đến hết năm 2024. Bởi trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, còn nền kinh tế đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi.
Thêm vào đó, chính sách thuế là chính sách vĩ mô nên cần tương đối ổn định, không thay đổi một cách đột ngột. Vì thế, nếu chỉ áp dụng trong sáu tháng đầu năm 2024 thì tương đối ngắn và tính ổn định của chính sách không cao.
Nếu việc giảm thuế kéo dài hết năm 2024 sẽ giúp cho chính sách này mang tính bền vững lâu dài, giúp doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh ổn định.
Bên cạnh đó, qua tiếp xúc cử tri đều phản ánh doanh nghiệp, cuộc sống của người dân hiện nay còn rất khó khăn, nhất là giá cả các nguyên, vật liệu đầu vào, xăng dầu còn rất cao.
Trong khi đó, dù giá lúa có tăng nhưng so với giá nguyên vật liệu đầu vào thì không ăn thua. Do đó, việc Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính rà soát, trình tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết. Ngoài ra, cũng nên tính toán các loại thuế khác với xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt để giúp ổn định giá mặt hàng này.
* Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Xem xét mở rộng diện hàng hóa được giảm 2% thuế VAT
Hiện nay triển vọng hồi phục kinh tế thế giới còn chưa rõ nét và việc thắt chặt chi tiêu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp diễn sang năm 2024.
Trong bối cảnh các chỉ số liên quan đến cân đối vĩ mô, nợ công, thâm hụt ngân sách đều trong ngưỡng an toàn. Do đó, việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng 2024.
Việc Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài chính rà soát, để trình Quốc hội đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2024 là cần thiết, phù hợp.
Bởi nền kinh tế của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và đây chính là chính sách liên quan đến thuế, tài khóa giúp giảm giá thành, chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với giai đoạn hiện nay đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% đảm bảo tính tương đối ổn định.
Đồng thời đảm bảo thu ngân sách không bị giảm quá lớn trong bối cảnh thu ngân sách cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể cân nhắc, trình Quốc hội xem xét mở rộng diện các mặt hàng hóa được giảm 2% thuế VAT.
* Ông Nguyễn Anh Đức (chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tổng giám đốc Saigon Co.op):
Ban hành chính sách sớm giúp doanh nghiệp chủ động hơn
Hiện nay, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa có sự tự tin để chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cao hơn.
Do đó, điều cần thiết hiện nay là chúng ta cần sớm có kế hoạch với các gói hỗ trợ của năm 2024. Trong đó, nếu xác định tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong năm sau, từ bây giờ cần có những chính sách, quyết định sớm để ngay sau thời điểm chính sách cũ hết hiệu lực (31-12), chúng ta tiếp tục có ngay gói hỗ trợ 2024 nối tiếp.
Ngoài ra, gói hỗ trợ VAT này cần phải đủ dài. Điều này giúp cho doanh nghiệp, các nhà bán lẻ và cả người tiêu dùng có sự chuẩn bị, tạo sự thuận tiện hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
* Ông Trần Quốc Dũng (phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh):
Cần giảm thuế VAT cho bất động sản
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính sách giảm VAT sẽ nới rộng đối tượng, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nếu được giảm VAT 2%, lĩnh vực bất động sản sẽ được hỗ trợ rất lớn.
Thứ nhất, người mua nhà sẽ được hưởng lợi đầu tiên khi giá nhà sẽ giảm tương đối lớn thay vì phải đóng 10% VAT như hiện nay. Đây cũng là khoản cấu thành giá bán nên nếu giảm được thuế, người dân sẽ được mua nhà với giá rẻ hơn.
Điều này cũng góp phần tạo điều kiện giúp cho người dân có điều kiện, cơ hội để dễ hơn, mạnh dạn hơn khi quyết định mua nhà trong thời điểm khó này.
Còn với doanh nghiệp, đây thực sự là một chính sách hỗ trợ quan trọng bởi khi người tiêu dùng được lợi, doanh nghiệp cũng có cơ hội kích cầu thị trường, kỳ vọng tăng sức mua, giúp cho thị trường bất động sản ấm trở lại.
* Ông Nguyễn Đặng Hiến (tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh - Bidrico): Nhà nước cần có giải pháp để giám sát việc thực hiện việc giảm 2% VAT.
Làm sao để việc giảm thuế VAT đi vào thực tế, với quy định là giảm cho người tiêu dùng để kích thích sức mua, tránh trường hợp doanh nghiệp "ôm 2%" này cho mình.
Để có điều này, Nhà nước phải thông tin rộng rãi trên phương tiện đại chúng và giám sát, chế tài nghiêm đối với trường hợp không thực hiện.
* Bà Lý Kim Chi (chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM): Việc tính toán giảm thuế VAT là cần thiết, nhưng do có độ trễ nhất định nên chính sách này cần bàn sớm để có được sự chủ động khi triển khai.
Đây là một trong số các giải pháp để kích thích tiêu dùng hiệu quả, mua sắm nhiều thì sản xuất nhiều, tạo ra động lực để phục hồi kinh tế. Do đó, cần kéo dài thời gian áp dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận