Các DNNVV sẽ được hỗ trợ rất lớn nếu dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua. Trong ảnh: sản xuất mặt hàng vỏ nhựa cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia tại một DNNVV ở Bắc Ninh - Ảnh: ANH ĐỨC |
Thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật hỗ trợ DNNVV ngày 6-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định hàng loạt biện pháp mạnh hỗ trợ DNNVV, nhưng nhiều bộ lại có ý kiến khác mà theo ông Dũng là thiếu trách nhiệm và chủ yếu “soi xem có... ảnh hưởng gì tới bộ mình”.
Giảm 3-5% thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại nghị định số 56/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả. Trong khi cộng đồng DNNVV ở nước ta chiếm 97%, đóng góp to lớn cho nền kinh tế.
“Ở một số quốc gia, hỗ trợ DNNVV được quy định trong hiến pháp” - ông Dũng cho hay.
Theo dự luật, các DNNVV tới đây có thể sẽ được hỗ trợ từ tín dụng, tài chính, công nghệ, thuê mặt bằng, xúc tiến và mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực và cung cấp dịch vụ hỗ trợ...
Dự luật cũng quy định tới ba loại quỹ hỗ trợ, bao gồm: quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của địa phương.
Về hỗ trợ tài chính, dự thảo luật quy định: DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 3%, doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về mặt bằng, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế nào cho DNNVV thuê trên 30% diện tích đất công nghiệp thì ngoài việc được hưởng ưu đãi thuế và tiền thuê đất (nếu có), còn được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu cho DNNVV thuê.
Với cụm công nghiệp, nếu diện tích cho DNNVV thuê trên 50% thì cũng được giảm tới 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu cho DNNVV thuê”.
Các bộ “đá” nhau?
Thống nhất cao với sự cần thiết và mục đích ban hành dự luật này, nhưng nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội e ngại về tính khả thi cũng như sự xung đột với quy định của các đạo luật khác.
Ví dụ, về các quỹ được quy định trong dự luật, báo cáo thẩm tra của thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định đây là các quỹ tài chính nhà nước, hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Trong khi việc thành lập quá nhiều quỹ mà hiệu quả thực chất đem lại chưa tương xứng, thường trực Ủy ban Kinh tế lo ngại các DNNVV khó tiếp cận các nguồn vốn, trong khi quỹ gây áp lực cho ngân sách.
Than phiền về việc dự án luật chưa được trình theo đúng trình tự, đặc biệt là chậm gửi dự luật tới cơ quan thẩm tra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiết lộ: “Dự án luật vẫn không tạo được sự đồng thuận của các bộ”.
Ông chỉ ra hàng loạt vấn đề có sự “vênh” nhau giữa ý kiến các bộ. Ví dụ theo tính toán của Bộ Tài chính thì nếu áp dụng chính sách của dự luật, ngân sách phải chi khoảng 20.000 tỉ đồng chứ không phải 13.000 tỉ đồng như tính toán của Chính phủ.
Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì thẩm định lại có ý kiến là hầu hết vướng mắc trong hỗ trợ DNNVV nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế hay do chưa có luật.
Đặc biệt, Bộ Tài chính thì gần như bác hết các điều kiện liên quan đến hỗ trợ về thuế; còn Ngân hàng Nhà nước thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua công cụ chính sách tiền tệ; Bộ Công thương lo đến khả năng bị kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới nếu một số quy định tại dự thảo luật được áp dụng.
“Tôi chỉ nêu ý kiến bốn “ông” như thế thì đã có chuyện rồi” - ông Hiển nói.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ Kế hoạch - đầu tư đã thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan tham gia nhưng các bộ đều cử không đúng người tham dự, nay cử người này, mai cử người khác.
Ông Dũng cũng nói thẳng khi tham dự các cuộc họp góp ý thì hầu hết đại diện các bộ chỉ soi xem có... ảnh hưởng gì tới bộ mình, chứ không mang tư tưởng rằng đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp.
“Cách làm luật của các bộ, ngành xưa nay không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm. Nên dù ban soạn thảo rất công phu dự thảo nhưng không ai cho ý kiến đóng góp, rồi đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ... Đã phải họp rất nhiều cuộc để ra được bản dự thảo cuối cùng trình lên Thường vụ Quốc hội hôm nay”.
Ông Dũng khẳng định sau khi Thủ tướng, các phó thủ tướng họp bàn quyết định, văn bản trình ra Thường vụ hôm nay là đã được thống nhất giữa các bộ. “Nên bộ nào có ý kiến khác là không có giá trị” - ông Dũng bày tỏ.
Tình trạng ý kiến các bộ “đá” nhau lại xảy ra một lần nữa vào cuối giờ chiều 6-10, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật quy hoạch.
Sau phần trình bày của bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, lần lượt thứ trưởng các bộ Xây dựng, Tài nguyên - môi trường đã phát biểu bày tỏ không đồng tình nhiều điều, khoản của dự luật.
Quốc hội nhiều nước làm đến 23-24g Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2 của Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 20-10, diễn ra khoảng một tháng. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội “nên đổi mới cách thức làm việc, thảo luận hết ý kiến mới nghỉ”. Theo ông Hiển, nếu 18g vẫn còn nhiều việc, đề nghị bố trí cho đại biểu ăn nhanh rồi thảo luận tiếp. “Tôi thấy nhiều quốc hội người ta cũng làm như vậy, thậm chí người ta thảo luận đến 23-24g”. Dự kiến kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận