Tiểu thương ở chợ Tân Định, Q.1, TP.HCM cho biết lượng khách đi chợ giảm hẳn, nhân viên bán hàng còn nhiều hơn cả khách - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn... đang cực kỳ khó khăn. Do đó, cần kịp thời giảm các chi phí kinh doanh như tiền thuê đất, thậm chí giá điện và một số mặt hàng mà Nhà nước độc quyền nhằm chia sẻ khó khăn với người nộp thuế...
Cục Thuế TP.HCM đang lắng nghe và ghi nhận các phản ánh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trên cơ sở ghi nhận phản ánh đó sẽ có báo cáo UBND TP và Thành ủy TP.HCM, tham mưu các chính sách nhằm gỡ khó cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Ông LÊ DUY MINH (cục trưởng Cục Thuế TP.HCM)
Mong tính lại thuế khoán
Ông Phạm Mạnh Tiến (Hà Nội) cho biết do ảnh hưởng bởi COVID-19, dịch vụ cho thuê xe của gia đình ông bị ảnh hưởng nặng. 4/5 chiếc xe nằm im từ giữa tháng 1-2020 đến nay do không có khách du lịch thuê. Theo ông Tiến, vào những năm trước, sau tết là mùa lễ hội và du xuân, xe dịch vụ hoạt động hết công suất.
"Doanh thu tháng sau tết chiếm 20% tổng doanh thu cả năm. Nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi COVID-19, doanh thu gần như không đủ trả cho chi phí trông giữ xe, cầm chắc thua lỗ, thất bát trong quý 1-2020, chưa biết khi nào mới trở lại bình thường" - ông Tiến nói, đồng thời bày tỏ mong muốn cơ quan thuế nên xem xét mức nộp thuế phù hợp để hỗ trợ người nộp thuế.
Chị H. - một chủ quán cà phê trên phố Cửa Đông (Hà Nội) - cho biết thuế khoán mà cửa hàng này nộp trong năm nay là 300.000 đồng/tháng. Nhưng dịch cúm bỗng dưng ập đến đúng vào tháng đầu năm nên nhà hàng, quán xá vắng tanh vắng ngắt. Từ sau tết đến nay, có ngày doanh thu của quán này không đạt 200.000 đồng trong khi vẫn phải trả tiền thuê cửa hàng, tiền điện, nhân công...
"Doanh thu chắc chắn giảm mạnh do dịch cúm, nhưng thuế khoán năm nay được áp ở mức cao hơn mức thu của năm 2019 là rất vô lý. Rất mong cơ quan thuế tính lại mức thuế để chia sẻ khó khăn với hộ kinh doanh" - chị H. nói.
Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại TP.HCM cũng "kêu trời" bởi tình trạng kinh doanh ế ẩm, doanh thu không đủ bù chi phí do ảnh hưởng bởi COVID-19. Mở quán bán bánh mì hấp hơn 5 năm nay, chị Oanh (Phú Nhuận) cho hay từ sau tết đến nay, khách đến ăn tại quán này giảm mạnh do người dân ngại ăn hàng quán trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
"Doanh thu hiện nay chỉ bằng 30-40% trước tết. Nếu dịch kéo dài sẽ không biết thế nào" - chị Oanh lo lắng.
Nhiều tiểu thương tại các chợ cũng như "ngồi trên lửa" do kinh doanh ế ẩm. Cô H., tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Tân Định (Q.1), cho biết nhiều tuần nay rơi vào cảnh bán sỉ thì không có nguồn hàng do đang đóng cửa biên giới với Trung Quốc, trong khi bán lẻ thì gần như không có khách do khách hàng ngại đi chợ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được khống chế.
"Một ngày tôi phải lãi hơn 500.000 đồng mới đủ chi phí thuê sạp, thuê nhân viên, thuế phí nhưng từ sau tết rất ế ẩm. Có ngày đến chiều mới mở hàng, có ngày còn không bán được" - cô H. nói. Đồng thời cho biết nhiều sạp đang thương lượng để giảm lương nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ việc bởi không có tiền trả lương.
Cơ quan thuế nên sớm đánh giá mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và hộ kinh doanh do ảnh hưởng bởi Covid-19. Trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, loại thuế nào cần giảm, phương án giảm... nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Ông NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM)
Người dân ngại ra đường, hàng quán hiện giờ phụ thuộc vào nguồn thu do khách hàng đặt qua app - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Sớm có giải pháp hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cần được hỗ trợ kịp thời. Ông Nguyễn Thái Linh, giám đốc Công ty in vi tính Liên Sơn (Q.1, TP.HCM), cho biết doanh thu của hầu hết doanh nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Nếu dịch kết thúc sớm vào tháng 3-2020, phải đến tháng 9 tình hình mới có thể trở lại như trước. Còn nếu kéo dài sẽ không biết thế nào. Khách hàng cũng ngại dịch nên rất ít đặt hàng, trừ khi quá cần thiết" - ông Linh nói. Ông đề nghị nên giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trong năm 2020.
Ngoài ra, theo ông Linh, nên có chính sách giãn thuế giá trị gia tăng, cho chậm nộp 6 tháng/lần trong năm 2020 hoặc nộp vào cuối năm. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, hoạt động sản xuất kinh doanh chắc chắn bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, trong đó ước tính ngân sách sẽ bị giảm thu khoảng 30.000 tỉ đồng, phần lớn do tác động của dịch bệnh nguy hiểm này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần xây dựng kịch bản cụ thể cho tình hình diễn biến dịch bệnh, kèm theo đó là các giải pháp nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
"Ngân sách gặp khó khăn, nhưng cần phải xác định ưu tiên lúc này là chống dịch bệnh. Phải cân đối nguồn lực để có những giải pháp kịp thời, đúng đối tượng và đủ liều lượng để chia sẻ, chung tay với người dân và với doanh nghiệp. Như Trung Quốc đã công bố hạ lãi suất cho vay trung hạn để hỗ trợ nền kinh tế do dịch COVID-19" - vị này đề xuất.
Một cán bộ Tổng cục Thuế thừa nhận với thị trường ảm đạm do dịch cúm, doanh thu của hộ kinh doanh chắc chắn bị giảm mạnh, nhất là các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn. Theo vị này, mức thuế khoán năm sau thường cao hơn 3-5% năm trước, thậm chí có một số nơi còn cao hơn 20-25%.
"Nhưng với tình hình bệnh dịch hiện nay, cơ quan thuế cần chủ động tính lại mức thuế khoán cho hộ kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, chứ không phải chia sẻ hay tháo gỡ khó khăn gì ở đây" - vị này nói.
Các chuyên gia về thuế cũng cho rằng COVID-19 vẫn đang tiếp tục gây thiệt hại khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân cũng lao đao. Do đó, Nhà nước cần có giải pháp tổng thể xem xét việc giảm tiền thuê đất, giảm giá những mặt hàng mà Nhà nước độc quyền như giá điện.
"Có ý kiến cho rằng cần phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để cứu doanh nghiệp, nhưng đề xuất này không thực sự hợp lý bởi doanh nghiệp có lãi đâu mà nộp thuế thu nhập doanh nghiệp" - một chuyên gia ngành thuế nói.
Nên miễn giảm thuế thay vì gói hỗ trợ
Ông Lê Duy Minh, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực lưu trú, du lịch, vận tải, dịch vụ, ăn uống... trên địa bàn TP.
"Cục Thuế TP.HCM đang lắng nghe và ghi nhận các phản ánh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trên cơ sở ghi nhận phản ánh đó sẽ có báo cáo UBND TP và Thành ủy TP.HCM, rồi tham mưu các chính sách nhằm gỡ khó cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp" - ông Minh nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (ĐH Kinh tế TP.HCM), do ảnh hưởng bởi COVID-19, sức mua thời gian qua giảm mạnh vì người dân có xu hướng ở nhà để bảo vệ sức khỏe, ít chi tiêu, mua sắm... Do đó, theo ông Bảo, cần cân nhắc giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, thay vì triển khai một gói hỗ trợ sẽ kém hiệu quả.
Giảm 50% doanh thu mới giảm thuế?
Theo quy định tại thông tư số 92 của Bộ Tài chính, nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán, cơ quan thuế sẽ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM, cho rằng việc doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dây chuyền bởi Covid-19 là có thật, nhưng chưa có số liệu cân đong đo đếm. Do vậy, không nên chờ hết 6 tháng mới đánh giá lại mà cơ quan thuế nên họp để đánh giá đối tượng bị thiệt hại, đề xuất các chính sách, loại thuế nào cần giảm, phương án giảm... để có thể giảm thuế trong vòng vài tháng tới.
"Trước mắt có thể tính toán giảm các loại phí hải quan, phí lưu kho lưu bãi... để hỗ trợ doanh nghiệp" - ông Nghĩa đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận