09/04/2023 11:13 GMT+7

Giảm thuế để tiền cho dân mua sắm

Kinh tế khó khăn, người dân thắt lưng buộc bụng khiến sức mua giảm sâu, hệ quả là doanh nghiệp thương mại, sản xuất đều lao đao.

Nhiều cửa hàng mua bán ế ẩm phải trả mặt bằng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 7-4) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều cửa hàng mua bán ế ẩm phải trả mặt bằng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 7-4) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia cho rằng cần giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trên diện rộng và miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2023 ít nhất sáu tháng để kích thích mua sắm.

Những ngày này, hỏi tình hình mua bán, tiểu thương từ chợ lẻ đến chợ sỉ, cửa hàng, trung tâm thương mại chỉ một câu trả lời chung là "ế quá". Mặt bằng kinh doanh ở những vị trí đẹp năm ngoái người thuê phải săn lùng mỏi mắt thì năm nay trả hàng loạt.

Mặc đẹp, tiện nghi tính sau

Để ghi nhận thực tế, PV Tuổi Trẻ đã đến một số chợ, trung tâm thương mại trong tuần qua. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) lúc 9h sáng, dù là giờ cao điểm nhưng nhiều sạp kinh doanh quần áo, vải vóc... ở tầng 2 hầu như vắng bóng khách mua hàng. Bà N.T.H., tiểu thương kinh doanh quần áo, cho biết hiện sức mua giảm 50% so với trước dịch.

"Giờ ai mua gì cũng phải chi li, dè sẻn từng đồng, áo quần thời trang tính ra cũng chẳng còn thiết yếu", bà H. thở dài nói. Ở khu vực bán đồ trang sức nằm ngay cửa chính, nhiều sạp kinh doanh cũng trong cảnh phủ bụi, tối đèn. Nhiều biển giấy "sang sạp", "chuyển nhượng sạp" vẫn chưa tìm được chủ mới.

Tại chợ Tân Định (quận 1), chị Nguyễn Hoài Thương, kinh doanh đồ nhựa, thở dài cho biết nhiều chủ sạp trong chợ giờ chỉ mở bán buổi sáng, chiều nghỉ vì ế.

Tình cảnh vắng vẻ, sang sạp cũng diễn ra tại An Đông (quận 5), một trong số những chợ sỉ vải vóc, quần áo lớn nhất TP.HCM. Không còn cảnh đóng hàng nhộn nhịp như những năm trước dịch, thay vào đó tiểu thương ngồi lướt điện thoại, hát karaoke, chơi cờ cá ngựa...

Mới đây, tiểu thương An Đông Plaza (quận 5) vì quá khó khăn đã xin giảm phí thuê mặt bằng bởi sức mua đã giảm tới 60 - 70% so với thời kỳ trước dịch.

Mặc dù được ban quản lý đồng ý giảm 30 - 35% nhưng nhiều tiểu thương cho biết chừng đó vẫn không thấm vào đâu so với tình cảnh ế ẩm hiện tại, bán không đủ lãi để trang trải chi phí hoạt động kinh doanh.

Tại các trung tâm thương mại, tình hình cũng không khá hơn. Ghi nhận tại Takashimaya - một trong những biểu tượng mua sắm hàng hiệu cao cấp tại trung tâm TP, nhiều cửa hàng rợp biển giảm giá 20%, 30% thậm chí 50% vẫn vắng khách mua.

Nam nhân viên bán hàng của một thương hiệu thời trang cao cấp Đức cho hay doanh thu tháng 3 chỉ đạt 45% chỉ tiêu. "Có những ngày cửa hàng ế tới mức không có nổi một đơn", nhân viên này nói.

Mặt bằng góc đường Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân, quận 1, TP.HCM vẫn treo bảng chờ người thuê (ảnh chụp chiều 7-4)  - Ảnh: Q.ĐỊNH

Mặt bằng góc đường Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân, quận 1, TP.HCM vẫn treo bảng chờ người thuê (ảnh chụp chiều 7-4) - Ảnh: Q.ĐỊNH

"Tháo chạy" khỏi các mặt bằng

Sức mua giảm sút, không gồng nổi chi phí thuê, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải trả mặt bằng ở các vị trí đắc địa. Đường Hai Bà Trưng (quận 1) từng là nơi kinh doanh nhộn nhịp bậc nhất TP.HCM, chỉ riêng đoạn hơn 2km từ chợ Tân Định đến tượng đài Trần Hưng Đạo có gần 30 mặt bằng lớn nhỏ treo bảng cho thuê.

Trong đó, có khoảng 1/3 mặt bằng đã để trống hơn một năm nay, còn lại là các mặt bằng bị trả lại từ cuối năm ngoái đến nay. Phân nửa các mặt bằng để trống này từng mang các thương hiệu lớn trong ngành thời trang, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi và mỹ phẩm.

Trong tình trạng tương tự, đường Nguyễn Trãi đoạn từ tượng đài Thánh Gióng đến đường Hồ Tùng Mậu cũng có gần 10 cửa hàng thời trang đóng cửa dù trước đây rất hiếm khi trống mặt bằng.

Còn tại con đường "vàng" Nguyễn Huệ (quận 1) hiện có 5 mặt bằng treo biển cho thuê, trong khi con đường Hồ Tùng Mậu gần đó cũng có 6 mặt bằng để trống.

Đáng chú ý, sau thời gian dài tháo rào, trả lại mặt đường do thi công metro, tình hình thuê mặt bằng tại đường Lê Lợi vẫn không khả quan khi đến nay vẫn còn khoảng 20 mặt bằng treo biển cho thuê.

Ông H., đại diện doanh nghiệp trong ngành F&B trên đường Ngô Đức Kế, cho biết hiện chi phí mặt bằng trên con đường này quá cao, từ 5.000 - 8.000 USD/mặt bằng mỗi tháng khiến các doanh nghiệp khó bù đắp chi phí.

Riêng doanh nghiệp này mỗi tháng đều lỗ cả trăm triệu đồng, song do kinh doanh ở con đường này để làm thương hiệu và có chi nhánh khác "gánh" doanh thu nên vẫn duy trì bán buôn ở đây.

Ông Nguyễn Ngọc Dương, chủ cửa hàng điện thoại Dương Mobile, cho biết sau thời gian kinh doanh ở đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), ông đành phải chuyển vào trong hẻm trên đường Trần Khánh Dư để tiết kiệm chi phí.

Theo ông Dương, thuê mặt bằng ở mặt tiền với chi phí 18 triệu đồng/tháng nhưng doanh số không cao như kỳ vọng nên ông vào hẻm với số tiền chỉ bằng một nửa, nguồn lực còn lại dành để kinh doanh trên mạng.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Dữ liệu: A.H. - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Dữ liệu: A.H. - Đồ họa: N.KH.

Cần vực dậy sức mua

Các khó khăn nêu trên thể hiện rõ các con số thống kê. Theo đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý 1 chỉ đạt khoảng 360.000 tỉ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong năm TP trực thuộc trung ương và theo các chuyên gia là rất đáng lo ngại với khu vực kinh tế lớn nhất cả nước như TP.HCM.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), quý 1 vừa qua các ngành sản xuất chủ lực trên địa bàn TP đều sụt giảm, tăng trưởng chung thấp nhất trong lịch sử.

Ngành dệt may giảm mạnh khoảng 30%, thủy sản giảm 30%, gỗ và sản phẩm liên quan giảm 40%. Khảo sát cho thấy số doanh nghiệp sụt giảm lao động chiếm 44,2%. Nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng kinh doanh gần như không có, doanh nghiệp chỉ cần vốn để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Nghĩa, giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc HUBA, cho hay với tình hình lúc này, cần nhất là bốc đúng thuốc. Một trong những giải pháp mà ông Nghĩa đề xuất là giảm thuế VAT trên diện rộng và miễn thuế TNCN ít nhất trong sáu tháng đầu năm 2023.

"Năm 2022 đã giảm thuế VAT về 8% nhưng chỉ áp dụng cho một số nhóm ngành dẫn đến rất rắc rối khi áp dụng mà không có tác dụng lan tỏa rộng.

Do vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn cần giảm thuế VAT về mức 8% áp dụng cho các lĩnh vực, ngành nghề để kích cầu. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng, từ đó kích thích sức mua.

Nhờ chính sách này doanh nghiệp giải phóng được hàng tồn, giúp thu hồi vốn, tạo vòng quay sản xuất mới. Qua đó người lao động cũng có công ăn việc làm", ông Nghĩa phân tích.

Để chính sách này có tác động mạnh mẽ hơn, ông Nghĩa đề xuất nên miễn thuế TNCN ít nhất sáu tháng đầu năm 2023 cho người lao động. Chuyên gia Nguyễn Thái Sơn cho rằng dù đã có nhiều kiến nghị nhưng suốt ba năm qua thuế TNCN vẫn không giảm.

Theo ông Sơn, không nên cho rằng "người nộp thuế TNCN là những người có thu nhập cao" vì hiện nay mức giảm trừ cho người lao động và người phụ thuộc quá thấp và không theo kịp tốc độ tăng giá hàng hóa.

Chưa kể quy định ngặt nghèo khi tính người phụ thuộc chẳng hạn người chồng đi làm mà vợ ở nhà thì nếu trong độ tuổi lao động thì người vợ vẫn không được tính là người phụ thuộc... Vì vậy dù người chồng gồng gánh của gia đình nhưng vẫn bị cho là "có thu nhập cao" và phải nộp thuế TNCN dù phải thu vén mới đủ cho cuộc sống gia đình.

Cũng theo ông Sơn, để kích sức mua cần có "vốn mồi", mà vốn mồi ở đây chính là việc miễn thuế TNCN cho người làm công ăn lương, để họ có thêm số tiền nhỏ chi dùng cho cuộc sống. Khi số tiền thuế này được giữ lại để chi tiêu thì cũng giúp kích cầu, giúp tăng sức mua, góp phần vực dậy nền kinh tế.

Kinh tế mạnh trở lại thì người dân, doanh nghiệp lại đóng góp trở lại bằng cách nộp thuế. Như vậy không những ngân sách không thiệt mà còn được lợi. Trong khi người nộp thuế cũng thấy "dễ thở" hơn. Còn nếu chặt chẽ quá sẽ đánh mất đi cơ hội để phục hồi.

Cửa hàng ăn uống tại một trung tâm thương mại dịp cuối tuần vẫn vắng khách (ảnh chụp tối 8-4)  - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Cửa hàng ăn uống tại một trung tâm thương mại dịp cuối tuần vẫn vắng khách (ảnh chụp tối 8-4) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Lo cái ăn trước đã

Thống kê cho thấy người dân hiện chủ yếu mua sắm các mặt hàng thiết yếu hằng ngày và giảm tối đa chi tiêu cho những món không thật cần thiết.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, sức mua của các hệ thống lớn bán lẻ, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn TP đều tăng trong quý 1, tuy nhiên khi soi vào giỏ hàng hóa thì chủ yếu là nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Trong khi các ngành hàng tiêu dùng khác đều sụt giảm nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, giám đốc đối ngoại Central Retail Group, cho biết trong quý 1-2023 sức mua toàn hệ thống tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sự nhộn nhịp của tháng Tết.

Nhưng bước sang tháng 3, tình hình trầm lắng hơn, tăng trưởng đạt được là không an toàn khi người Việt đang có xu hướng thắt lưng buộc bụng.

Ông Nguyễn Đức Toàn, giám đốc thu mua của MM Mega Market Việt Nam, cũng cho rằng dù đạt mức tăng trưởng nhưng các giỏ hàng đang bị hụt đi khoảng 10% nếu nhìn về tổng thể. Lý do: người tiêu dùng chỉ dành tiền cho sản phẩm thiết yếu.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023.

Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công đã khởi xướng từ tháng 1 năm ngoái và việc tăng lương có hiệu lực từ tháng 7-2023 dự kiến sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng, mặc dù lạm phát cao hơn có thể cản trở tiêu dùng phục hồi.

Các nhà bán lẻ đều nhìn nhận nếu "không làm gì" thị trường sẽ khó đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng trong quý tới. Theo ông Toàn, hệ thống đã chủ động phối hợp với các nhà phân phối lớn "khóa giá" ít nhất trong ba tháng tới phòng trường hợp xảy ra biến động đầu vào. Bình ổn giá lúc này sẽ tạo được tâm lý an tâm cho khách đến mua sắm và hy vọng tình hình trong quý 2 sẽ tốt hơn.

Đại diện Central Retail cũng cho biết bên cạnh tham gia chương trình bình ổn thị trường, hệ thống đã chủ động làm thêm nhiều hoạt động khác để kích cầu, như tuần hàng hải sản, đặc sản, trái cây... với mục tiêu hấp dẫn được khách hàng đến mua sắm đều đặn hơn.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, các số liệu cho thấy xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết...

Vì vậy, để cải thiện sức mua các nhà kinh doanh phải tìm cách cắt giảm chi phí, có những biện pháp giữ giá ổn định. Về phía cơ quan quản lý, sở sẽ triển khai những giải pháp như hỗ trợ tiết giảm chi phí logistics và kết nối cung cầu hàng hóa với các địa phương, để đảm bảo mảng bán lẻ của TP sẽ được trợ lực tốt.

N.BÌNH

Bỏ ý định "lên đời" iPhone để... tiết kiệm

Chị Thu Minh (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã bỏ ý định lên đời iPhone 14 thay cho chiếc iPhone 11 sử dụng đã bốn năm, dù hiện nay giá điện thoại đang giảm sâu.

"Tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, sau khi cân nhắc tài chính, tôi nghĩ mình vẫn dùng điện thoại cũ đến cuối năm rồi tính tiếp.

Giờ tiết kiệm đồng nào hay đồng đó", chị Minh nói. Đó cũng là suy nghĩ của khá nhiều người tại TP.HCM mà Tuổi Trẻ ghi nhận được trong thời gian gần đây. Xu hướng chung là tiết kiệm tối đa, hạn chế mua hàng không thiết yếu.

Các doanh nghiệp bán lẻ cho hay dịp Tết mua bán sôi động nên đua nhau nhập hàng. Chừng hai tháng trở lại đây, chính các doanh nghiệp này lại liên tục đua "đạp giá" chỉ để mong bán được hàng đang tồn quá nhiều trong kho.

"Đáng nói nhất là phiên bản iPhone 14 Pro Max 256GB tại 24hStore hiện đã giảm hơn 12 triệu đồng so với thời điểm mở bán. Thậm chí hệ thống đã phải tặng kèm nhiều phần quà giá trị để có thể đẩy sản phẩm tồn" - bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore, chia sẻ.

ĐỨC THIỆN

Bán hàng online cũng ế

Khó khăn kinh tế cũng bắt đầu tác động đến ngành bán lẻ trực tuyến khi hàng loạt sàn thương mại điện tử cũng ghi nhận sự chững lại và sụt giảm về doanh số.

Ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), dẫn số liệu: tổng sức mua trên các sàn thương mại điện tử tháng 3-2023 giảm 5% so với tháng 2-2023 và giảm tới 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Đức, người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng hơn, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu hơn, riêng ngành thực phẩm ghi nhận mức tăng trưởng 18% so với năm 2022.

Ông Mạc Lương Tài, có gian hàng nội thất văn phòng trên Shopee, không khỏi khóc ròng vì doanh thu nhóm hàng này sụt giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2022.

"Tháng 3 năm ngoái, tôi bán được gần 500 triệu tiền hàng nhưng giờ dù cố gắng lắm cũng chỉ lẹt đẹt được hơn 200 triệu đồng. Tôi đang tính chuyển hướng sang các ngành hàng thiết yếu nghe nói sức mua tốt hơn", ông Tài cho biết.

Không còn tràn ngập không khí khẩn trương đóng hàng như những năm trước dịch, tiểu thương chợ An Đông ngồi lướt điện thoại cả dãy  - Ảnh: NHẬT XUÂN

Không còn tràn ngập không khí khẩn trương đóng hàng như những năm trước dịch, tiểu thương chợ An Đông ngồi lướt điện thoại cả dãy - Ảnh: NHẬT XUÂN

Cần cứu doanh nghiệp như hậu COVID-19

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-4, đại diện Phòng Kinh tế quận 11 (TP.HCM) cho biết kinh doanh ế ẩm đang xảy ra diện rộng ở nhiều loại hình và càng gia tăng, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến nhiều người buôn bán nhỏ, tiểu thương.

Theo vị này, giải pháp khả dĩ nhất có thể để hỗ trợ tiểu thương là giảm thuế, phí. "Ngành thuế có thể đưa mức giảm phù hợp để đồng hành với người kinh doanh, sản xuất trong giai đoạn khó khăn này, từ đó thúc đẩy kinh tế, tiêu dùng. Có thể xem xét hỗ trợ như thời điểm dịch COVID-19", vị này đề xuất.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng thị trường tiêu dùng rơi vào cảnh ế ẩm hiện nay là hệ quả của những âm ỉ, khó khăn kéo dài của cuối năm 2022 và quý 1-2023.

Để cải thiện tình trạng này, theo ông Hiến, cần tập trung mạnh vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, bởi doanh nghiệp hoạt động tốt mới giải quyết được việc làm, giúp người dân tăng thu nhập, từ đó tăng chi tiêu, thúc đẩy kinh tế tiêu dùng.

"Cần phải sớm giảm lãi suất và tăng nguồn tín dụng để các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay, từ đó tổ chức sản xuất, khôi phục kinh doanh.

Đối với người dân, Nhà nước cần xem xét giảm mức thuế thu nhập cá nhân, hoặc nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh, giảm thuế VAT... Nếu người dân có tiền mức chi tiêu sẽ tăng", ông Hiến nhận định.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết hiện nay các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, bất động sản... đều gặp khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp đóng cửa, dẫn đến lượng lao động thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Do đó, Nhà nước cần sớm có giải pháp cho những nhóm ngành này phát triển để tăng tỉ lệ sử dụng lao động, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Với chính sách thuế, một chuyên gia cho rằng Nhà nước nên xem xét bỏ các quy định đánh thuế bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp như thuế bến bãi đối với hàng nhập khẩu, hay dự thảo luật liên quan đến "đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường".

"Việc đánh các loại thuế này khiến chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, với sản phẩm có đường, Việt Nam có khoảng 35% dân số sống thành thị thường ít dùng đường, trong khi 65% người nông thôn có mức thu nhập thấp thường dùng đường nhiều hơn. Do đó, việc đánh thuế này là đánh vào người có thu nhập thấp, càng gây khó khăn", vị này nhận định.

Nhận định trong tình cảnh kinh tế khó khăn dẫn đến nhiều người dù có tiền cũng không dám mạnh tay chi tiêu và luôn lo lắng về tương lai, ông Trần Bằng Việt, tổng giám đốc Đông A Solution, cho rằng ở góc độ chủ doanh nghiệp, niềm tin tiêu dùng suy yếu khiến chủ doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư, chi mạnh cho sản xuất, đặt hàng.

"Tình cảnh kinh tế hiện tại giống như một cơn bão ập đến. Dù chúng ta cố vùng vẫy, bơi ngửa, bơi ếch... đều rất vất vả", ông Việt nói.

Điều kiện thuận lợi để miễn giảm thuế

Trên thực tế ngành thuế cũng có điều kiện để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân vì thu thuế trong quý 1 vẫn rất ổn. Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, tổng thu nội địa trên địa bàn TP.HCM quý 1 đạt 96.431 tỉ đồng; bằng 29,8% so với dự toán năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng tháng 3, TP.HCM thu thuế VAT được 5.350 tỉ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ, lũy kế ba tháng là 19.843 tỉ đồng, bằng 95,3% so với cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 3 thu được 1.594 tỉ đồng, tăng 19,7% so với tháng 3-2022; lũy kế thu được 5.337,6 tỉ, bằng 86,94% so với cùng kỳ.

NGUYỄN TRÍ - NHẬT XUÂN

Kiến nghị ban hành thuế bất động sản để giảm đầu cơ nhà đấtKiến nghị ban hành thuế bất động sản để giảm đầu cơ nhà đất

Để thực hiện được việc đánh thuế trên, trước tiên TP.HCM cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện nhằm giúp việc thống kê, quản lý được chặt chẽ đảm bảo công bằng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp