Khu lưu trú văn hóa thanh niên công nhân ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 26-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức giám sát tình hình thực hiện Luật nhà ở TP.HCM giai đoạn 1-1-2016 đến 31-12-2021.
11 bộ hồ sơ để 11 cơ quan có ý kiến
Chia sẻ thực tế, ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là các quy trình, thủ tục thực hiện dự án kéo dài. Dù nhà ở xã hội xây trên đất do doanh nghiệp mua nhưng vẫn phải mất đến 3 năm chưa xong thủ tục đầu tư.
Theo ông Nghĩa, hiện thủ tục một cửa nhưng doanh nghiệp phải chuẩn bị 11 bộ hồ sơ để 11 cơ quan có ý kiến, nếu 1 cơ quan không đồng thuận là "dự án chết". Với quy định miễn 100% tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho hay thay vì áp dụng ngay quy định để miễn cho doanh nghiệp thì cơ quan chức năng mất một thời gian dài làm các thủ tục tính ra số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải đóng, sau đó mới ra quyết định miễn tiền sử dụng đất.
Hơn nữa, doanh nghiệp bỏ tiền mua đất theo giá thị trường nhưng tiền sử dụng đất lại được hoàn trả theo bảng giá đất Nhà nước quy định. "Có những cơ quan ngâm luôn hồ sơ, không trả lời. Do đó, cần quy định sau bao lâu không trả lời có nghĩa là đồng ý", ông Nghĩa nói.
Chậm, doanh nghiệp từ lãi sang lỗ
Trong khi đó, ông Dương Tấn Vinh - đại diện Công ty CP đầu tư Nam Long - cho biết quy định mức lợi nhuận khi phát triển nhà ở xã hội là 10% là hấp dẫn, song thủ tục chậm có thể khiến doanh nghiệp lỗ.
Nói về việc các sở ngành chậm trả lời, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết trước đây UBND TP có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, quận huyện nếu quá 15 ngày được xin ý kiến nhưng không trả lời thì coi như đồng ý với ý kiến của đơn vị xin ý kiến. Tuy nhiên, các sở ngành, quận huyện không dám thực hiện.
Ông Châu cũng cho hay hiện có bất cập trong quy định người hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội "phải thuộc diện không phải chịu thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân", nhưng quy định mức thu nhập không phải chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh khá thấp so với chi phí thực tế nên nhiều người có thu nhập thấp đô thị lại không đủ điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, rất cần thiết phải xem xét điều chỉnh quy định này.
Về giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, Sở Xây dựng kiến nghị cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc TP để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Đồng thời, sở này kiến nghị trung ương ưu tiên dùng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý (do các doanh nghiệp đang dùng làm nhà xưởng tại các quận huyện nhưng thuộc diện phải di dời vào khu công nghiệp, kể cả quỹ đất do các cơ quan nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận