20/11/2023 08:58 GMT+7

Giám thị - Những thầy cô không đứng bục giảng - Kỳ 2: Những boong ke bị phá bởi thầy giám thị

Một học sinh chữa được bệnh ngủ quên hay một học sinh khác thay đổi hoàn toàn cách ứng xử bắt đầu bằng việc chủ động chào hỏi là những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại khiến các thầy cô giám thị rơi nước mắt vì mừng.

Thầy Bùi Anh Đức đưa đón học sinh bị thương đến trường bằng xe lăn - Ảnh: QUỲNH TRANG

Thầy Bùi Anh Đức đưa đón học sinh bị thương đến trường bằng xe lăn - Ảnh: QUỲNH TRANG

Hàng ngàn lời chào để nhận một lời chào

Mỗi ngày làm việc của thầy Bùi Anh Đức, giám thị ở Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), bắt đầu từ 7h15 sáng. Nhưng thầy và những người trong tổ giám thị sẽ phải đến trường sớm hơn.

Những học sinh đầu tiên bước vào cổng trường đã gặp thầy giám thị đứng ở cổng mỉm cười và cất tiếng chào trước: "Thầy chào con". Với những học sinh đã học tới năm thứ hai ở ngôi trường này thì đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc.

Nụ cười, lời chào khởi đầu cho một ngày của những đứa trẻ ở trường. Có lẽ vì thế mà nó phải được biểu hiện với sắc thái nhẹ nhàng, tích cực và cũng chân thành nhất.

Quan sát một giờ làm việc của thầy Đức vào đầu buổi sáng, rồi nhẩm tính thầy đã phải lặp lại hàng trăm lời chào trong một ngày, hàng ngàn lời chào trong một tuần. Cùng chào với thầy Đức còn có một giáo viên trực được phân công luân phiên.

Các thầy cô khi thì chào bằng tiếng Việt, khi bằng tiếng Anh. Lời chào đôi khi kèm theo những câu hỏi han: "Sao mặt ỉu xìu thế, con mệt à?", "Con cho vạt áo vào trong quần đi", "Cà vạt của con đâu, con thắt đi". Có lúc thầy Đức giúp học sinh gập lại cổ áo, thắt cà vạt, kéo khóa ba lô bị bung hay vội vã chạy ra cửa để đưa đón một học sinh bị thương ở chân bằng xe lăn.

Bận rộn với đủ thứ tình huống nhưng thầy giám thị vẫn chào không sót một học sinh nào. Có em chào lại, có em chỉ... cười lại. Còn có học sinh không chào lại thầy. Nhưng nụ cười và lời chào của người thầy vẫn nhẫn nại, nhẹ nhàng khiến người chứng kiến phải ngạc nhiên.

Thầy Đức kể từng có một học sinh khiến thầy và các thầy cô khác mừng muốn khóc. Bạn học sinh này vào trường từ lớp 6. Trải qua 4 năm học THCS, em chuyển lên THPT và vẫn học ở trường. Hiện cô bé đang học lớp 11. Đó là P.L., cô bé có 6 năm học ở trường và có vài ngàn lần ra vào cổng. Nhưng thời gian mới đến học, P.L. bước qua cổng trường với thái độ lạnh lùng, không đáp lại lời chào của thầy cô. Em này gần như không có thói quen chào ai đó khi gặp mặt.

Sau này, bắt gặp những lời chào của thầy cô, P.L. miễn cưỡng đáp lại. Thầy biết cô bé chả thích thú gì điều đó, nhưng thầy vẫn mỉm cười khích lệ. Rồi một ngày, cô bé bước vào cổng trường và chủ động cất tiếng chào thầy cô trước một cách vui vẻ.

"Mừng rơi nước mắt, vì không nghĩ một ngày cô bé lại chủ động chào hỏi. Một việc rất nhỏ nhưng lại là thay đổi lớn sau hơn 6 năm cô bé học ở ngôi trường này", thầy Đức xúc động chia sẻ. Sự ngang bướng của đứa trẻ đã phải "chào thua" sự nhẫn nại của người thầy giám thị.

Thể hiện thái độ ân cần, thân thiện với học sinh vào đầu giờ học là quy định của trường, nhưng theo thầy Đức, hành xử của những người thầy ở ngoài cổng trường còn là cách gián tiếp để học sinh có thói quen chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi. Đó là những điều nhỏ, nhưng để làm thay đổi ở một đứa trẻ lại cần nhiều thời gian và cần người lớn kiên trì làm trước.

Thầy giám thị Nguyễn Minh Tuấn vui vẻ trao đổi với học sinh - Ảnh: HUY TRẦN

Thầy giám thị Nguyễn Minh Tuấn vui vẻ trao đổi với học sinh - Ảnh: HUY TRẦN

"Nhắn tin cho thầy vào 6h15"

Thầy Nguyễn Minh Tuấn làm giám thị ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) kể về một trường hợp từng khiến ông bận tâm trong một thời gian dài. Kh. là một học sinh thường xuyên đi học muộn ở trường.

Thầy Tuấn kể: "Trường có quy định rõ ràng, nhưng học sinh vẫn vi phạm nhiều lần. Trong các bản giải trình, Kh. đều chỉ nói lý do đi muộn là do... ngủ quên. Trong buổi tôi cùng với cô giáo chủ nhiệm trao đổi với mẹ của Kh., người mẹ thừa nhận con có lỗi nhưng nói thẳng quan điểm vì con lớn rồi nên con sẽ phải tự khắc phục, tự chịu trách nhiệm. Vị phụ huynh này cũng từ chối đến gặp thầy cô những lần sau đó vì lỗi sai của con.

Kh. tiếp tục đi muộn. Nhìn Kh. khổ sở, biết lỗi nhưng vẫn không thay đổi được, tôi cứ trăn trở làm sao có thể giúp được. Không thể chạy đến nhà Kh. để đánh thức em dậy, tôi đề nghị em nhắn tin cho tôi vào 6h15 mỗi sáng. Đó là khoảng giờ muộn nhất phải thức dậy thì mới kịp đến trường. Chuông kêu còn không thức dậy được thì nói gì tới nhắn tin. Nhưng tôi lại tin khi mình kiên nhẫn thì trò sẽ thay đổi. Một sự thay đổi nào đó có thể từ trong tiềm thức khiến Kh. có thể không rơi vào tình trạng ngủ vùi như vậy".

Trong rất nhiều công việc đầu giờ của người giám thị, từ đó thầy Tuấn có thêm một việc "chờ tin nhắn và gọi học sinh đi học". Cũng có hôm Kh. gửi tin nhắn, hôm không thấy tin thì thầy lại gọi. Thầy Tuấn làm cái đồng hồ của Kh..

Trường hợp của Kh. nhiều lần được đặt lên bàn để xem xét kỷ luật vì sai phạm quá nhiều nên cả hiệu trưởng cũng rất rõ. Mỗi sáng, khi thầy Tuấn đứng ngóng ngoài cổng, một số thầy cô giáo đi ngang qua hỏi "học sinh của thầy đến chưa?". Chỉ cần hỏi thế là biết các thầy cô hỏi về Kh..

Thầy Tuấn bày cho Kh. mua cái đồng hồ báo thức để chuông kêu to nhất, rồi hướng dẫn Kh. đặt chuông báo thức cả trên đồng hồ để bàn và điện thoại. Đặt báo thức nhiều lần lặp lại cho tới khi chủ động tắt mới ngừng. "Tôi cũng đề nghị Kh. đi ngủ sớm để có thể dậy sớm. Không ngờ Kh. thay đổi thật. Những buổi ngủ quên, đi học muộn thưa dần", thầy Tuấn tâm sự.

Khắc phục được chuyện muộn giờ, Kh. cũng có ý thức học hơn. Hiện cậu đã tốt nghiệp và đỗ vào một trường đại học.

Thầy Tuấn kể Kh. là một trong số những học sinh đã ra trường năm học trước nhưng khai giảng năm học mới vẫn quay lại trường. Cậu không quên tìm gặp thầy giám thị vì giữa cậu với thầy giám thị đã từng "đóng dấu" một kỷ niệm khó quên.

Chữa buồn ngủ bằng giao nhiệm vụ

7h15, học sinh phải đến trường tiết 1 nên nhiều em còn không kịp ăn sáng và dễ ngủ gật. Và khi đã buồn ngủ thì có mắng hay phạt cũng mặc, nên cách giúp học sinh tỉnh ngủ cần hơn là các hình phạt.

Thầy Đặng Anh Tuấn, một giám thị khác ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), kể việc giúp học sinh tỉnh ngủ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên nhất ông phải làm mỗi ngày. Khi trống báo vào lớp là giám thị phải đi "tour", có những học sinh được gọi dậy vài lần vẫn lại ngủ, thầy phải nghĩ ra cách như yêu cầu học sinh rửa mặt, vận động.

Thầy Tuấn kể có một số trường hợp giám thị phải thống nhất với giáo viên chủ nhiệm để yêu cầu học sinh đang trong cơn ngủ mang một "lá thư" cho thầy cô nào đó, hay xuống phòng thiết bị mượn một đồ dùng nào đó, khiến em học sinh phải chạy từ tầng trên xuống sân trường chẳng hạn - đó cũng là hành trình chữa buồn ngủ hữu hiệu.

Với những trường hợp học sinh ngủ quá nhiều, dĩ nhiên phải tham vấn tâm lý, trao đổi với phụ huynh để làm rõ nguyên nhân, loại trừ lý do sức khỏe, học sinh dùng chất kích thích hoặc sinh hoạt không điều độ. Số còn lại, giám thị cùng thầy cô sẽ nghĩ các giải pháp tích cực khác thay vì hình phạt. Nhiều em vì thế mà có ý thức, tự thay đổi.

_________________________________

Một nghề chỉ có đứng và đi, không mấy khi được ngồi, rồi khi mọi người nghỉ lại là lúc cao điểm mình phải làm việc. Đó là "định nghĩa" về nghề giám thị trong trường học mà các thầy cô đúc kết.

Kỳ tới: Nghề đứng nhiều, ngồi ít

Giám thị - Những thầy cô không đứng bục giảng - Kỳ 1: Vị thuyền trưởng hải quân trở về làm giám thịGiám thị - Những thầy cô không đứng bục giảng - Kỳ 1: Vị thuyền trưởng hải quân trở về làm giám thị

Thầy cô giám thị vẫn hay được hiểu nôm na như... "cảnh sát trưởng" trong các trường học phổ thông, chỉ biết quát mắng, ghi tên học sinh vi phạm, cấm vào trường khi đến muộn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp