Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong năm 2023 tai nạn giao thông xảy ra làm chết hơn 1.000 em. Mới chỉ 9 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông cũng cướp đi sinh mạng 783 em, làm bị thương 2.018 em…
Càng sớm càng tốt!
Tại hội thảo phổ biến quy định đảm bảo an toàn cho trẻ em trên ô tô trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại TP.HCM, đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) - nhận định tình trạng vi phạm giao thông và tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh ngày càng tăng, diễn biến phức tạp.
Từ đó, các đơn vị cần xác định việc cần làm là đẩy mạnh hơn nữa giáo dục ở các cấp.
Thời gian qua, nhiều trường học, cơ sở giáo dục đều có lực lượng cảnh sát giao thông đến sinh hoạt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh.
Hiện cảnh sát giao thông toàn quốc đang thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo an toàn giao thông cho đối tượng trẻ em. Trong đó chú trọng xử lý vi phạm học sinh cấp 2-3 đi xe máy vi phạm, phụ huynh giao xe cũng bị phạt nghiêm.
Cùng với đó, khi việc giáo dục kiến thức về an toàn giao thông trên ghế nhà trường được tăng cường hơn thì các em nâng cao ý thức, đi lại an toàn, giảm tai nạn thương tâm ở lứa tuổi học sinh.
Ủng hộ quan điểm trên, anh Huỳnh Ngọc Thơ - phụ huynh có con đang học cấp III - chia sẻ ở lứa tuổi học sinh, nền tảng kiến thức an toàn giao thông của các em rất giới hạn. Đôi khi bạn bè rủ rê, các em sẵn sàng lái xe máy khi chưa có bằng lái, không đội nón bảo hiểm… vô cùng nguy hiểm.
"Cháu tôi được bạn cho mượn xe máy đi chơi dù chưa có bằng lái nên đã bị té ngay lần chạy đầu tiên. Cháu hoàn toàn không có kỹ năng và kinh nghiệm nên thấy cảnh sát giao thông liền bỏ chạy rồi tự té", anh Thơ kể.
Theo anh Thơ, những buổi phổ biến kiến thức ngoại khóa về an toàn giao thông như hiện nay là chưa đủ, mà các bộ ngành nên nghiên cứu đưa vào dạy bắt buộc như chương trình học từ THCS, THPT càng sớm càng tốt. Học sinh sau khi thi kết thúc môn có thể được miễn thi lý thuyết về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi thi bằng lái xe.
"Dù vậy, chúng ta phải cân đối chương trình không để trẻ bị quá tải, chương trình do người có chuyên môn dạy để trẻ dễ tiếp thu, tiếp thu đúng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn giao thông cho con cái thì chính phụ huynh hãy nâng cao ý thức của mình, không tùy tiện giao xe là đang làm hại con mình", anh Thơ nói thêm.
Ưu tiên nâng cao nhận thức của trẻ
Về vấn đề an toàn giao thông cho trẻ em, ông Nguyễn Thành Lợi - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - khẳng định phải ưu tiên việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp có hiệu lực cũng có nhiều quy định để tăng bảo vệ an toàn cho trẻ tham gia giao thông. Thời gian qua, ban cùng các đơn vị ở TP.HCM rất chủ động trong tuyên truyền, đưa kiến thức an toàn giao thông vào trường học.
Vừa qua, ban đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trường học... tập trung hướng dẫn học sinh, phụ huynh tăng phương pháp bảo vệ trẻ khi tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, đại diện Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM cho biết các đơn vị cảnh sát giao thông ở TP.HCM đang đồng loạt ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh tại TP.HCM.
Đợt ra quân tập trung vào các hành vi vi phạm như điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga…
Nâng cao nhận thức về chấp hành luật giao thông
Theo vị đại diện Phòng PC08, trong những ngày ra quân kiểm soát (từ ngày 1 đến 3-10), Phòng PC08 nhận thấy đa số học sinh và phụ huynh đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ độ tuổi theo quy định; điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện…
Theo đó, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý 843 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 293 trường hợp vi phạm giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông, 496 học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe, 54 trường hợp không có giấy phép lái xe, 39 trường hợp không đội mũ bảo hiểm...
"Trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xử lý linh hoạt, bảo đảm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Đặc biệt ưu tiên giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ về chấp hành luật lệ giao thông đường bộ", vị này nói.
Ông Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân):
Tuyên truyền văn hóa giao thông thường xuyên và đa dạng
- Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và văn hóa khi tham gia giao thông nói chung vẫn là vấn đề nóng của xã hội. Hằng năm số vụ tai nạn giao thông do học sinh, sinh viên gây ra không nhỏ. Do vậy, trách nhiệm của nhà trường rất quan trọng trong việc giáo dục, tuyên truyền cho các em.
Cá nhân tôi tán thành việc đưa một phần Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng như văn hóa tham gia giao thông vào trong các cấp học. Chính việc giảng dạy, kiểm tra đánh giá giúp các em một phần hiểu biết cơ bản luật và các quy định để vận dụng vào đời sống.
Bên cạnh giáo dục nhận thức, nhà trường nên tuyên truyền văn hóa giao thông một cách thường xuyên và đa dạng như thông qua các pa nô khẩu hiệu, báo cáo viên, thi hùng biện, sân khấu hóa, tài liệu sách báo...
Trường học cũng có thể xem xét phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thi lý thuyết lấy bằng lái xe hai bánh cho các em. Đây là cơ hội để các em hiểu biết các biển báo, cách thức điều khiển xe trên đường cho đúng quy định.
Bà Võ Thị Mỹ Thương (phụ huynh có con đang học lớp 11 tại thành phố Thủ Đức):
Vô cùng cần thiết
- Tôi nhận thấy có một điều chưa hợp lý là thông thường học sinh phải đến 18 tuổi mới được học về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi chuẩn bị thi bằng lái. Trước đó các em 16 tuổi vẫn có thể điều khiển xe không quá 50 phân khối, nhưng gần như không có quy định, hướng dẫn về luật hay các quy định khi tham gia giao thông. Tôi nghĩ đó là một khoảng trống khiến nhiều học sinh, sinh viên vi phạm luật khi tham gia giao thông.
Do vậy, đưa những nội dung trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào giảng dạy vô cùng cần thiết, không chỉ nên giáo dục với học sinh THPT, mà còn có thể với học sinh THCS.
Hình thức linh hoạt, có thể là một chuyên đề hoặc được lồng ghép vào các môn học hiện có. Nhà trường cũng nên tổ chức nhiều hoạt động để các em thực sự tìm hiểu về những quy định tham gia giao thông và biết cách áp dụng trong thực tế.
Ngoài ra theo tôi, vai trò của phụ huynh rất lớn. Cha mẹ là người giao xe cho con và cũng là người đầu tiên tập chạy xe cho con. Cha mẹ nên giải thích cho con rất kỹ về những quy tắc luật giao thông trước khi cho con ra đường thực tế.
Bạn Nguyễn Ngọc Mai Thư (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
- Theo mình thấy, việc cho học sinh THPT học Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một điều rất cần thiết. Vì hiện tại khá nhiều học sinh THPT sử dụng xe máy đến trường mà chưa học qua bất kỳ luật giao thông nào. Mình nghĩ đem kiến thức giao thông để học sinh học cũng giúp các bạn có nền tảng kiến thức và áp dụng khi sử dụng xe máy.
Không những thế, mình nghĩ cũng cần có những chuyên đề hay workshop về luật an toàn giao thông ở môi trường đại học dành cho sinh viên. Bởi lẽ điều này cũng sẽ giúp ích rất nhiều các bạn sinh viên chưa kịp học bằng lái xe, hoặc muốn tìm hiểu thêm về luật giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận