03/04/2020 11:59 GMT+7

Giảm tải chương trình: Gánh nặng lên vai phụ huynh

THẢO THƯƠNG - VĨNH HÀ
THẢO THƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Khối lượng đáng kể trong chương trình giáo dục tiểu học, trung học vừa được Bộ GD-ĐT giảm tải bằng cách chuyển sang cho học sinh tự học, tự thực hiện với sự hỗ trợ của phụ huynh.

Giảm tải chương trình: Gánh nặng lên vai phụ huynh - Ảnh 1.

Em Dương Diệp Minh Tú (Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) học trực tuyến môn toán với giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh ngồi cạnh hỗ trợ em - Ảnh: NHƯ HÙNG

Và chưa bao giờ việc học hành lại được nhà trường "mạnh dạn" chia sẻ cho phụ huynh như hiện nay do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tiểu học: tự học ở nhà khá nhiều

Nhìn vào giảm tải chương trình tiểu học có thể thấy nội dung được chuyển sang "tự học ở nhà, có sự hỗ trợ của phụ huynh" khá nhiều.

Cụ thể ở môn tiếng Việt, các tiết luyện nói đều không dạy, nhiều bài tập đọc giao về nhà, các tiết chính tả dồn lại để giảm tiết. Đặc biệt ở môn đạo đức, rất nhiều bài học sẽ không dạy trên lớp, mà chuyển cho phụ huynh hỗ trợ con học ở nhà.

Học sinh tiểu học không chịu áp lực thi chuyển cấp (trừ một số trường sàng lọc trong tuyển sinh). Nhưng theo các trường, có một nguy cơ tiềm ẩn là rất nhiều kiến thức, kỹ năng giúp hình thành năng lực, phẩm chất học sinh nằm ở chương trình tiểu học, THCS đang được "giao về gia đình".

Nếu như trẻ không tự giác, cha mẹ và người thân trong gia đình không hỗ trợ, có thể những nội dung tự học sẽ bị buông trôi.

"Môn đạo đức có rất nhiều bài được điều chỉnh hướng dẫn học sinh tự học/tự làm với sự hỗ trợ của cha mẹ. Trong đó có những nội dung như cảm ơn, xin lỗi, kính trọng, biết ơn người lao động, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hoàn toàn có thể dạy trẻ qua các tình huống thực tế trong gia đình.

Tương tự ở môn tự nhiên và xã hội, khoa học, lịch sử và địa lý của tiểu học cũng có nhiều nội dung phụ huynh có thể dạy con qua tranh ảnh, tình huống trong cuộc sống. Nhưng nhược điểm cơ bản lại chính ở sự lỏng lẻo trong kết nối giữa nhà trường và phụ huynh để kiểm soát việc này" - một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội băn khoăn.

Cô Trần Bé Hồng Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) - cũng chia sẻ:

"Chưa bao giờ chương trình cắt nhiều và gọn như vậy. Nhưng chắc chắn nhiều hiệu trưởng không yên tâm. Bởi học sinh không đủ thời gian để thẩm thấu bài, phụ huynh không phải ai cũng có thời gian quan tâm con, và nếu có thì không phải ai cũng biết dạy con như thế nào...".

Tôi đã xem phần giảm tải ở tiểu học thì thấy trách nhiệm của phụ huynh rất nặng nề. Nhưng vì đây là khó khăn chung nên chúng tôi rất chia sẻ. Chỉ có điều nếu nhà trường không có biện pháp để kiểm tra việc tự học của học sinh thì sẽ có những gia đình buông.

Chị Nguyễn Hằng Nga (có con học lớp 1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội)

Trung học: chuyển bắt buộc sang tự học có hướng dẫn

Ở trung học, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) - nhận xét:

"Trong chương trình giảm tải mà bộ vừa công bố có những bài trước đây giảng dạy bắt buộc thì nay chuyển sang không giảng dạy, mà yêu cầu học sinh tự học có hướng dẫn. Trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp, thời gian học trên lớp phải rút ngắn thì việc giảm tải này là cần thiết.

Tuy nhiên, để học sinh tự học có hiệu quả, thiết nghĩ cần phải có những giải pháp cụ thể. Nếu ta cứ phó mặc để các em về nhà tự học thì tôi e rằng với ý thức tự học còn thấp của đa số học sinh hiện nay, các em sẽ bỏ hoàn toàn, không quan tâm gì đến".

Trong khi đó, cô Phạm Thị Xuân Oanh - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - cho rằng có những nội dung giảm tải cho về nhà như một hoạt động tiếp nối hoạt động trên lớp thì để kiểm soát được cũng phụ thuộc giáo viên.

"Giáo viên không dạy bài đó nhưng có thể lồng ghép kiến thức đó trên lớp. Em nào nắm được, bắt kịp tức là có học ở nhà. Giáo viên nên can thiệp, nhắc để kiểm soát và ra những bài tập lấy điểm tại chỗ, khuyến khích, tạo hứng thú cho các em với những bài giao về nhà..." - cô Oanh nói.

Giảm tải chương trình: Gánh nặng lên vai phụ huynh - Ảnh 3.

Giáo viên Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) tập huấn dạy học trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phụ huynh thích nghi

Chị Nguyễn Khắc Như, phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM), trước đây hơi lạ lẫm với việc dạy con học ở nhà. Nhưng giờ chị cho biết đã thích nghi tình hình học tập vì COVID-19.

"Bản thân tôi cũng không có nhiều thời gian cho con. Công bằng mà nói, nếu bỏ hẳn thời gian ở nhà dạy học cùng con như tinh thần giảm tải, như cô thầy triển khai giao về nhà, không phụ huynh nào làm được trọn vẹn. Tuy nhiên, học cùng con bằng cách nào cho hiệu quả thì tôi chuyển tải theo cách của mình.

Ví dụ, khi học các kỹ năng giúp con làm việc nhà, tôi gọi con ngồi cạnh mẹ. Làm bánh trôi nước, tôi chỉ từ từ từng công đoạn, cho con làm thử. Hoặc dạy đạo đức bài về lòng biết ơn, sự sẻ chia, tôi cho con xem trực tiếp clip người ta ủng hộ cho người bị cách ly để chung tay chống COVID-19...

Nói chung, tôi suy nghĩ đừng đặt nặng dạy con như... trên lớp. Tôi thuần túy dạy từ những cái đơn giản, thiết thực, đúng nội dung cốt lõi mà mỗi bài trong sách hướng đến" - chị Như chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Khánh, có con học lớp 3 Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.7, TP.HCM), cũng cho hay giáo viên chủ nhiệm cho phụ huynh chương trình giảm tải để phụ huynh hỗ trợ con. "Tiếng Việt, toán tôi chỉ hỗ trợ như tinh thần giáo viên ghi trong vở về nhà. Còn các bài trong môn đạo đức để con học ở nhà rất nhiều.

Tôi thấy có nội dung như: dạy về tính đoàn kết, tự làm lấy việc của mình, chia sẻ buồn vui cùng bạn, quan tâm giúp đỡ hàng xóm láng giềng, giữ lời hứa... Để dạy con ở nhà điều này, tôi đưa vào trong tình huống thực của cuộc sống".

Học sinh sẽ thi "chuyên" thế nào?

Những học sinh muốn dự tuyển vào trường chuyên, vào lớp 6 các trường đặc biệt vẫn phải chú ý đến kiến thức nâng cao, phải có khả năng bao quát, tổng hợp kiến thức trong chương trình học.

Những bài hướng dẫn tự học ở nội dung giảm tải này tuy Bộ GD-ĐT nói rõ sẽ không ra thi, nhưng với những học sinh thi học sinh giỏi hay thi vào trường chuyên đòi hỏi phải có sự tổng hợp kiến thức cao, cần cả những kiến thức có trong những bài giảm tải. Nên tôi nghĩ mỗi trường cần có chính sách riêng cho các em để học sinh có năng lực có thể được bồi dưỡng thêm.

Cô Trần Bé Hồng Hạnh (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM)

Nếu trường không kiểm soát...

Nhiều thầy cô giáo lo ngại những kiến thức "không thi, không kiểm tra" được chuyển từ dạy ở trường sang tự học ở nhà có thể sẽ bị "gác vĩnh viễn" nếu không có kiểm soát từ nhà trường.

"Trường sẽ chỉ dạy những kiến thức cơ bản, giúp học sinh hình thành khái niệm. Còn phần luyện tập, thực hành đều chuyển về nhà. Nhưng nếu việc luyện tập, tự học không được thực hiện nghiêm túc thì học sinh sẽ khó nắm vững kiến thức cơ bản" - thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên dạy ngữ văn Trường THCS Anhxtanh (Hà Nội), cho biết.

Giảm tải chương trình học: Bỏ nội dung nâng cao, khuyến khích tự học Giảm tải chương trình học: Bỏ nội dung nâng cao, khuyến khích tự học

TTO - Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết dựa trên chương trình đã giảm tải, bộ sẽ xây dựng và sẽ công bố đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong những ngày tới.

THẢO THƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp