Hàng hóa từ các nước ASEAN đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các siêu thị ở Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
- Dù lộ trình thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã thỏa thuận 10 năm nay rồi nhưng hầu như VN chả ngọ nguậy gì cả. Trong khi sức ép nhập khẩu hàng từ ASEAN ngày càng lớn.
Điều tiết bằng chính sách thuế, giá đất
* Phải chăng trước đây chúng ta không lường trước sức ép sẽ lớn như vậy, thưa ông?
- Từ năm 1995 mình đã hình dung ra sức ép giảm thuế sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Do đó, chúng ta cũng đã đàm phán theo hướng kéo dài lộ trình đến năm 2018 thì hầu hết thuế nhập khẩu các mặt hàng về 0%.
Đàm phán là như vậy nhưng các ngành sản xuất thì phản ứng chậm, còn chính sách nhà nước tạo rất ít động lực cho doanh nghiệp.
Thực tế nhiều doanh nghiệp của ta lại không chú trọng vào ASEAN nên mấy năm gần đây, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của VN sang ASEAN rất thấp, chỉ chiếm khoảng 13% kim ngạch xuất khẩu. Hàng của họ vào ta ào ào nhưng hàng của mình lại chật vật khi vào ASEAN.
Đánh giá về mẫu mã và chất lượng sản phẩm thì nhiều sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN đều cao hơn của ta.
Giờ nhìn lại cũng đã muộn, song chúng ta không thể không hành động. Và điều cần thiết nhất là cả doanh nghiệp và Nhà nước cùng phải nhận thức lại để có những biện pháp, chính sách phù hợp.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
“Đủ thứ hàng hóa từ gói bim bim, bánh kẹo, đồ dùng thiết yếu… đến ôtô từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… bán tràn ngập trên thị trường VN. Hàng của họ vào ta ào ào nhưng hàng của mình lại chật vật khi vào ASEAN |
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan |
* Vậy theo ông, cần có biện pháp gì?
- Để giảm tình trạng mất cân đối thương mại với ASEAN, theo tôi, Nhà nước phải điều tiết bằng các chính sách thuế, giá thuê đất, phí và lệ phí… chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính.
Các chính sách này nên theo hướng giảm nhằm giúp doanh nghiệp giảm giá thành. Có như vậy, sản phẩm của VN mới có thể cạnh tranh với hàng hóa của ASEAN.
Làm kinh tế phải bằng biện pháp kinh tế, là các chính sách thuế, giá đất, lãi suất, phí và lệ phí. Còn làm kinh tế mà bằng biện pháp tinh thần, hành chính chỉ là hỗ trợ phần nào đó thôi. Như phong trào “người VN dùng hàng VN”, tôi theo dõi thấy khá tốt và tôi rất ủng hộ, nhưng những biện pháp kinh tế thì còn rất nghèo nàn.
Chúng ta phải có những chính sách để thúc đẩy tiêu dùng trong nước chứ không phải chỉ kêu gọi lòng yêu nước của người dân.
Như ở Nhật Bản, để khuyến khích người dân mua hàng sản xuất trong nước thì sản phẩm bán cho người dân phải có chất lượng tốt hơn và giá cả lại cạnh tranh hơn hàng xuất khẩu. Đó là chính sách kinh tế.
Nói là Nhà nước kiến tạo thì phải dựng lên bằng những biển hiệu kinh tế. Đơn cử như chủ trương của Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ. Vậy bằng chính sách gì để doanh nghiệp đầu tư vào sẽ được hưởng ưu đãi?
Chỉ nên làm những ngành có hiệu quả
* Một số ngành chúng ta đang bị thách thức rất lớn. Theo ông, nên ứng xử như thế nào với những ngành như thế?
- Nhìn lại các ngành sản xuất của ta, như với ôtô, tôi không thể hiểu mình lại tiếp tục lao vào để làm chiến lược công nghiệp ôtô lần thứ hai để làm gì. Trên thế giới chỉ có 5-6 nước làm được ôtô. Liệu mình có đứng ngang hàng với Mỹ, Nhật Bản? Ngay cả Pháp cũng chết dở, còn Anh thì đã bỏ rồi.
Do đó, từ câu chuyện sản xuất ôtô, tôi cho rằng chúng ta chỉ nên tập trung làm những gì mà chúng ta có thể làm được. Mình phải bình tĩnh xem mình có thể làm được cái gì. Như lĩnh vực kẹo bánh chẳng hạn. Bánh quy thì chúng ta thích ăn nhạt chứ không có nhiều loại vị như của Thái Lan.
Gu của người VN ra sao và quảng bá nữa thì mới được. Nói tóm lại là mình chỉ tập trung làm những gì mà mình có thể và làm hiệu quả, không thể tham lam làm mọi thứ được.
* Chúng ta không quan tâm nhiều tới ASEAN vì nhiều hàng hóa tương đồng, và lo tập trung cho TPP. Giờ TPP bị trì hoãn, VN nên tính lại thế nào?
- Trước hết về TPP, tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng đã có TPP đâu mà mình lo mất. Đừng đơn giản thế. Mình đàm phán suốt 5 năm trời, cả Bộ Chính trị, Chính phủ cố gắng tính toán để tối đa hóa cơ hội, hạn chế bớt thách thức khi tham gia TPP.
Bây giờ vào được TPP thì mình kỳ vọng kinh tế sẽ được một số lợi thế. Nhưng không có TPP, theo tôi, mất kỳ vọng có khi còn lớn hơn là mất thực tế. Nên mình phải hình dung lấy thị trường nào để bù đắp khi xuất sang Mỹ khó khăn.
Có người nói không có thị trường Mỹ thì chuyển sang thị trường khác. Sao nói đơn giản thế được, như hàng dệt may của ta vào Mỹ rất lớn, vậy thị trường nào sẽ thay thế? Mười mấy tỉ USD hàng dệt may sẽ xuất đi đâu?
Thị trường châu Âu cũng có giới hạn thôi. Vậy chả nhẽ xuất hàng dệt may sang ASEAN, sang Trung Quốc? Làm sao điều chỉnh thị trường một cách dễ dàng như vậy?
Vậy, chuẩn bị của VN sắp tới là gì? Theo tôi, chúng ta sẽ phải cài đặt lại thị trường, cài đặt lại đối tác… Thách thức A thì đi kèm là các biện pháp B, C… chứ không thể chỉ là những khẩu hiệu, mỹ từ lâu nay vẫn nói mà ít hành động.
Hàng hóa từ ASEAN cơ bản sẽ không còn thuế Tính tới năm 2017, VN đã giảm 92% dòng thuế về 0% cho hàng hóa ASEAN. Các mặt hàng ôtô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, rượu bia, giấy các loại… sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018. Và từ năm 2018, VN chỉ được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với 3% số dòng thuế gồm các mặt hàng nông nghiệp như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, đường... ASEAN đang là đối tác cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp VN, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Từ năm 2015, VN nhập siêu từ ASEAN khoảng 5,5 - 6 tỉ USD/năm và có xu hướng gia tăng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận