Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: PHẠM THẮNG
Phát biểu kết luận hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 ngày 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay năm 2022, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề về công tác quy hoạch và thực hành tiết kiệm chống lãng phí để Quốc hội giám sát tối cao.
Ngoài ra, 2 chuyên đề giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp huyện, xã và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Việc triển khai hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, có nhiều đổi mới nổi bật.
Lãnh đạo Quốc hội chỉ rõ theo luật giám sát phải trình Quốc hội cả chương trình, đề cương chi tiết về giám sát song thực tế không làm được.
Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội mạnh dạn trình Quốc hội trong khi chưa sửa luật, Quốc hội ủy thác quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về chương trình, đề cương giám sát.
Ông nói thêm, với các cuộc giám sát, việc chuẩn bị tốt tài liệu đã giúp thành công được một nửa, còn khâu tổ chức sẽ huy động Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tham gia giám sát. Kết quả giám sát dựa trên các chứng cứ thực tế của các bộ, ngành, địa phương.
Thêm vào đó, việc lựa chọn cơ quan, nơi giám sát cũng không đi nhiều như trước đây mà chỉ lựa chọn phạm vi tối đa, còn trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh. Cần thiết sẽ đi, còn không cần thiết thì thôi. Việc xuống cũng chỉ làm những việc cần thiết.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bố trí thời gian nghe kết quả giám sát, nhờ vậy có sự chỉ đạo, điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo nâng cao chất lượng giám sát", ông Huệ nêu.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng vừa qua cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất quy mô và theo thông tin của tổng thư ký Quốc hội, "tài liệu lên tới 200kg cùng hàng trăm báo cáo".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho thêm ý kiến và chuẩn bị rất kỹ lưỡng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 để xem xét thông qua nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một số nội dung để triển khai có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Trong đó tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Việc này được thực hiện theo hướng triển khai các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ông nhấn mạnh phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng mà dư luận quan tâm; về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các ban chỉ đạo cấp tỉnh... trong giám sát. Trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Căn cứ tình hình thực tế, nghiên cứu lồng ghép nội dung về phòng, chống tiêu cực trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng...
"Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng. Giữa “xây” và “chống”, xây vẫn là căn bản, lâu dài. Chống quyết liệt, triệt để, cấp bách nhưng phải phát huy được mô hình tốt, cách làm hay...", ông Huệ nêu thêm.
Đề nghị có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công
Trước đó, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đánh giá chuyên đề giám sát về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 được xem “có ý nghĩa rất to lớn và kịp thời đối với TP.HCM”.
Nhất là trong giai đoạn thực hiện việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM và tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn.
Quá trình giám sát đã kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, tháo gỡ.
Đồng thời có cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM để chính quyền thành phố hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, năng động, chuyên nghiệp và trách nhiệm.
Thời gian tới, ông Dũng đề nghị cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận