Biệt thự “khủng” tại TP Bến Tre của ông Trần Văn Truyền - nguyên tổng Thanh tra Chính phủ - đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận là gây phản cảm và tạo dư luận xấu trong xã hội - Ảnh: Ngọc Tài |
Ông Lê Thanh Vân là ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 27-5, ông nói: “Tôi thấy Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Lê Thị Thủy đã nói rõ rồi, Ủy ban Kiểm tra sẽ kiểm tra, giám sát khoảng 1.000 cán bộ thuộc đối tượng Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là đội ngũ cán bộ cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đang giữ những vị trí quan trọng nhất trong bộ máy.
Theo trả lời của bà Thủy được báo chí đăng tải, Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ kiểm tra, giám sát tài sản của các quan chức này theo kế hoạch, khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo việc kê khai tài sản không trung thực và khi có dấu hiệu vi phạm các quy định về kê khai tài sản.
Tôi cho rằng nếu làm tốt việc này thì nhân dân rất ủng hộ”.
* Thưa ông, người dân rất trông đợi vào kết quả của công tác này, nhưng chắc rằng dư luận cũng băn khoăn bởi việc kê khai, xác minh tài sản đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng nhưng lâu nay thực hiện không hiệu quả?
- Tôi ủng hộ việc kiểm tra, giám sát trên bởi trước hết là thể hiện quyết tâm của Đảng mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong thời gian qua. Nhiều vụ việc sau khi có ý kiến của Tổng bí thư đã được khẩn trương làm rõ, xử lý trước công luận.
Vấn đề là giữa kỳ vọng và hiện thực, cách làm đem đến hiệu quả như thế nào. Chúng ta thấy rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, nhưng với một bộ máy như thế thì bao giờ mong muốn sẽ thành hiện thực?
Bộ máy mà trước đây chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nêu đánh giá rằng có đến “30% sáng cắp ô đi tối cắp ô về” thì phải làm thế nào để thực sự liêm chính, kiến tạo?
Tôi cho rằng sự vận hành của bộ máy quyết định đến hiệu quả của các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Đảng và Nhà nước. Muốn như vậy, những bức xúc đang xảy ra như tình trạng bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan... mà báo chí nêu cần phải xử lý rất mạnh mẽ.
Việc quan trọng nhất để làm trong sạch bộ máy là phải lựa chọn, bổ nhiệm được những con người có tài năng, phẩm hạnh, lương tâm.
Nói riêng về chủ trương kiểm tra, giám sát tài sản của 1.000 quan chức, tôi nghĩ nếu muốn làm ra tấm ra món để nhân dân tin tưởng thì Đảng phải chọn được một đội ngũ tham mưu, thực hiện đủ mạnh bao gồm những người thật sự tinh túy, những người có bàn tay sắt và bàn tay ấy phải sạch.
Tôi rất mong Tổng bí thư tiến hành việc này mạnh mẽ như Bác Hồ đã từng làm. Tôi nghĩ, việc trước hết là tạo ra không khí dân chủ, thẳng thắn trong nội bộ, từ trên xuống dưới, không để tình trạng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám phản đối.
Ông Lê Thanh Vân - Ảnh: V.H. |
Tài sản chuyển dịch sang con cái, xử lý thế nào?
* Nhiều chuyên gia khẳng định sở dĩ quy định kê khai, công khai tài sản trong Luật phòng, chống tham nhũng không phát huy tác dụng trước hết là do tính “nửa vời” của các quy định này (như công khai phạm vi hẹp, kê khai không gắn với trách nhiệm giải trình), đồng thời với tình trạng không kiểm soát được dịch chuyển của tài sản, trong một nền kinh tế tiền mặt với vàng, đôla dễ dàng cất trữ trong nhà...
- Tôi nghĩ rằng kiểm tra thì một phần dựa trên kê khai của đối tượng chịu sự kiểm tra, nhưng quan trọng hơn là phải dựa vào nhân dân, báo chí để làm rõ.
Có những khối tài sản chuyển dịch sang con cái, bố mẹ, anh em mà không làm rõ nguồn gốc thì làm sao mà xử lý được. Bố làm quan chức, con mới đi học nước ngoài về thời gian ngắn đã sở hữu biệt thự tiền tỉ, xe sang... thì những tài sản ấy ở đâu ra?
Nếu không có các biện pháp buộc giải trình nguồn gốc tài sản và xử lý tài sản không giải trình rõ được nguồn gốc thì đúng là còn băn khoăn về hiệu quả của việc giám sát, kiểm soát tài sản.
Chính vì vậy, chúng ta vừa trông đợi Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật vừa trông đợi vào tính hiệu quả của các biện pháp mạnh của Đảng.
Tôi ủng hộ việc Đảng ta áp dụng các biện pháp đặc biệt, mạnh tay trừng trị nghiêm khắc quan tham. Trước hết, cần tập trung làm rõ một số vụ việc, một số nhân vật mà dư luận, nhân dân đặt nghi vấn.
* Ví dụ như vụ việc “phố biệt thự” của một số quan chức ở Lào Cai mà báo chí nêu mấy hôm nay cần ưu tiên làm trước, công bố rõ. Nếu như cán bộ chứng minh được thu nhập, giải trình được nguồn gốc tài sản thì cũng tránh để dư luận hiểu nhầm, suy diễn?
- Tôi nghĩ cần ưu tiên làm trước những vụ việc như vậy, đúng sai thế nào cần sớm công bố để nhân dân biết. Cán bộ mà giàu chính đáng, tài sản không mờ ám thì phải giải trình, sau đó kiểm tra làm rõ.
Như vậy, việc kiểm tra, giám sát tài sản một cách minh bạch cũng là để bảo vệ những cán bộ trong sáng và giàu chính đáng.
Chi bộ tham gia giám sát Bộ Chính trị vừa ban hành quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên; việc giải trình biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Đối với việc kiểm tra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương được quyền yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ được kiểm tra. Xác minh, kết luận về sự trung thực, đầy đủ, rõ ràng, kịp thời của việc kê khai tài sản và biến động tài sản phải kê khai, tính xác thực, hợp pháp về nguồn gốc của tài sản tăng thêm; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản. Đối với việc giám sát, ngoài Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương, chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt cũng sẽ tham gia giám sát, trong đó có quyền yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận