28/10/2024 08:41 GMT+7

Giám sát Quốc hội: Phải vay vốn thương mại làm dự án, giá bán nhà ở xã hội cao

Chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán nhà ở xã hội cao, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khó tiếp cận.

Giám sát Quốc hội: Phải vay vốn thương mại làm dự án, giá bán nhà ở xã hội cao - Ảnh 1.

Đa số các địa phương chỉ phát triển hình thức nhà ở xã hội xây dựng bằng nguồn vốn ngoài nhà nước - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là hai nhận định được đưa ra trong báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa

Theo thống kê giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 567.000 căn.

Trong đó có 373 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 193.000 căn, 129 dự án đã khởi công với quy mô gần 115.000 căn và 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 258.000 căn.

"Số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu.

Hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra. Có nơi không phù hợp nhu cầu dẫn đến không có người mua, người thuê, gây lãng phí nguồn lực", báo cáo nhận định.

Theo đoàn giám sát, các địa phương đều đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Tuy nhiên việc thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) chưa đạt yêu cầu.

Đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng, nên đa số các địa phương chỉ phát triển hình thức nhà ở xã hội xây dựng bằng nguồn vốn ngoài nhà nước.

Nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội

Về quỹ đất, đoàn giám sát cho hay đa số địa phương đã quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt các quy hoạch và khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải bố trí quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội.

Chính phủ đã huy động, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có khó khăn cần cải thiện về nhà ở.

Giám sát Quốc hội: Phải vay vốn thương mại làm dự án, giá bán nhà ở xã hội cao - Ảnh 2.

Nhà ở xã hội tại quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bên cạnh đó việc thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội đều được các địa phương chú trọng, tăng cường.

Tuy nhiên nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Việc bố trí vốn, huy động vốn phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, đoàn giám sát cũng nêu Luật Nhà ở năm 2014 quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khi mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện.

Theo đó người mua phải chưa có nhà ở, cư trú trên địa bàn tỉnh có dự án và thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Các điều kiện này làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính nhưng cơ bản các sở, ban, ngành tuân thủ quy định khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, việc xét duyệt đối tượng và xác minh điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội còn nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà.

Một số quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương thiếu chặt chẽ nên gây khó khăn khi triển khai, thời gian thực hiện kéo dài.

Thủ tục làm dự án nhà ở xã hội còn phức tạp

Qua giám sát, đoàn giám sát chỉ ra quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp, kéo dài, thiếu thống nhất. Một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng chưa khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn khó.

Chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán nhà ở xã hội cao, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khó tiếp cận.

Trong số các giải pháp, đoàn giám sát kiến nghị có chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình và cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng, chỉnh trang đô thị.

Chủ động, tích cực nghiên cứu, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết các vướng mắc của người dân là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay.

Căn hộ nhà ở xã hội thiếu hụt xa so với nhu cầu, người mua khó tiếp cận nguồn vay - Ảnh 1.Mỗi nơi làm một kiểu, khó đạt mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội

Thủ tục đất đai, duyệt giá, duyệt đối tượng mua nhà và vốn là những nút thắt rất lớn với đầu tư nhà ở xã hội hiện nay. Mỗi địa phương làm một kiểu, rất khó đạt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp