Nhờ hệ thống giám sát nước online cảnh báo, nhân viên cấp nước xử lý kịp thời điểm bể ống nước trên đường Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: TRẦN ĐỖ
Hầu hết các thiết bị này đặt tại những vị trí chuyển giao nguồn nước vào hệ thống cấp cho các công ty cổ phần cấp nước (ống cấp 3).
Cùng với Sawaco, hiện nhiều công ty cổ phần cấp nước cũng triển khai mô hình quản lý lưu lượng, áp lực nước online trên mạng lưới phân phối nước. Điều này giúp giảm thất thoát nước chung tại TP.HCM vượt kế hoạch được giao.
Cụ thể, tỉ lệ thất thoát nước được kéo giảm hơn một nửa so với trước đây (từ 42% còn khoảng 21%). Hình ảnh những đường ống nước xì, bể chảy nước lênh láng gần như không còn...
Cảnh báo xì, bể qua điện thoại
Một ngày cuối tháng 3-2019, nhân viên trực Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch (thuộc Sawaco) nhận tin nhắn trên điện thoại từ hệ thống SCADA cảnh báo lưu lượng nước qua ống truyền tải 500mm khu vực đường Lương Định Của - Trần Não (Q.2) gia tăng bất thường.
Ông Trần Đỗ Bảo Quế, giám đốc Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch, cho hay thông thường lưu lượng nước qua đường ống này khoảng 700m3/giờ, nhưng chỉ số báo qua đồng hồ ghi nhận lượng nước đột ngột vọt lên đến 1.100m3/giờ.
"Chỉ có hai khả năng xảy ra: một là đồng hồ đo lưu lượng bị hư, hai là đường ống xì bể" - ông Quế kết luận và ngay sau đó đội thi công tu bổ được điều động đến hiện trường, phát hiện nước sạch chảy lênh láng trên mặt đất.
Xe cuốc cùng các thiết bị sửa bể được nhanh chóng đưa đến hiện trường.
Trước khi bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống mặt đất ngập sũng nước, các nhân viên Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch đã khóa van cô lập trước và sau điểm bể, song song đó cũng mở van ở những khu vực xa hơn nhằm chuyển tải nguồn nước từ các đường ống khác kết nối vào phía sau điểm bể theo những đường ống đã lắp đặt sẵn nhằm đảm bảo việc cấp nước được thông suốt.
Theo ông Quế, sự cố trên đã được xử lý trong vòng bốn giờ. Đây là 1 trong hơn 70 trường hợp xì bể trên đường ống nước cấp 1-2 từ năm 2018 đến nay.
Việc phát hiện điểm bể và xử lý kịp thời giúp Sawaco giảm đáng kể lượng nước thất thoát qua đường ống, đồng thời hạn chế việc cúp nước trên quy mô rộng.
Theo ông Quế, trước đây khi chưa có hệ thống SCADA, việc phát hiện các điểm bể chủ yếu thông qua tuần tra giám sát của nhân viên ngành cấp nước, hoặc nhờ người dân phát hiện nên mất nhiều thời gian.
Khi tiếp nhận tin báo, nhân viên cấp nước đến hiện trường kiểm tra rồi mới về đề xuất phương án cụ thể. Có những vị trí bể đường ống nằm sâu trong lòng đất, tại các vị trí giao cắt giao thông khiến việc khắc phục mất nhiều thời gian.
Cân bằng áp lực, chất lượng nước để uống tại vòi
Ông Bùi Thanh Giang, phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng khoa học công nghệ Sawaco, cho biết các thiết bị giám sát lưu lượng, áp lực, chất lượng nước online được đầu tư và hoàn thiện dần khoảng năm 2015.
Các thiết bị này được lắp đặt trên hệ thống đường ống truyền tải, nhằm thu thập dữ liệu và truyền về trung tâm SCADA để phân tích. Khi có những dấu hiệu bất thường về áp lực, lưu lượng, hệ thống SCADA sẽ có cảnh báo giúp nhân viên ngành nước xử lý kịp thời sự cố. Từ đó nâng cao khả năng phục vụ khách hàng, đặc biệt giúp giảm đáng kể tỉ lệ thất thoát nước.
Lộ trình giảm thất thoát nước giai đoạn 2015-2020 được UBND TP phê duyệt: tỉ lệ thất thoát nước đến năm 2020 giảm còn 23% và đến năm 2025 còn 20%. Tuy nhiên, tính đến nay tỉ lệ thất thoát nước sạch trên toàn hệ thống còn khoảng 21%. Nếu lấy công suất phát nước thực tế hiện nay là 1,9 triệu m3/ngày đêm, việc giảm thất thoát từ 42% còn 21%, tương ứng gần 400.000m3 nước/ngày đêm thất thoát được thu hồi.
Tuy vậy, ông Giang nhìn nhận hệ thống giám sát nước online chỉ đạt được kết quả bước đầu, cần nâng cấp trong tương lai.
Cũng theo ông Giang, với mạng lưới đường ống khổng lồ và chiều dài từ đầu nguồn đến cuối nguồn hơn 30km cũng không tránh khỏi áp lực giữa điểm đầu và cuối có sự chênh lệch nhất định. Đó là chưa kể chất clo khử trùng cao ở đầu nguồn và thấp ở cuối nguồn.
Để khắc phục tồn tại này cũng như nâng cấp hệ thống giám sát nước online, theo ông Giang, cần phải xây dựng hàng loạt bể chứa nước sạch kết hợp làm trạm bơm tăng áp, trạm châm clo để cân bằng áp lực, chất lượng nước mọi địa điểm... Các bể chứa nước này dự kiến làm dưới công viên văn hóa Gò Vấp, công viên Phú Lâm và tại các thủy đài đã tháo dỡ...
Ông Trần Văn Khuyên - chủ tịch hội đồng thành viên Sawaco - chia sẻ các bể chứa nước nói trên còn là nguồn dự phòng, phục vụ cấp nước an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nước trước khi lấy vào nhà máy xử lý có những diễn biến xấu, bất ngờ.
"Làm được điều này, chúng ta hướng đến việc có thể uống nước tại vòi. Nhưng với nguồn lực đầu tư quá lớn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền, chứ một mình Sawaco không thể kham nổi" - ông Khuyên nói.
Có thể kiểm soát nguồn nước tại nhà
Thông qua việc giám sát online từ đồng hồ nước thông minh đang được thí điểm tại Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định..., ngành cấp nước hướng tới việc giúp khách hàng kiểm soát nguồn nước đang sử dụng tại nhà.
Theo đó, thông qua phần mềm cài đặt trên thiết bị di động, khách hàng có thể biết mọi thông số về lưu lượng, áp lực, tình hình sử dụng nước tại nhà dù đang ở xa.
Trường hợp nước thất thoát tại nhà, khách hàng cũng được cảnh báo để có hướng xử lý kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận